Dòng phim suy tưởng
Các Website khác - 27/11/2005
Charlize Theron (vai nữ chính trong North Country)
Sau mùa phim hè đậm chất giải trí thương mại, Hollywood bắt đầu tung ra dòng phim suy tưởng và ít nhiều mang thông điệp, với đích nhắm Oscar (dù mùa phim cuối năm bao giờ cũng có tỉ lệ phim giải trí nhất định)

Đây có thể được xem là mùa phim hay nhất Hollywood mỗi năm bởi hầu hết là phim thể hiện rõ tính đẳng cấp của diễn viên ngôi sao và tài năng đạo diễn, khi mà người ta dựng phim để chứng tỏ bản lĩnh nghệ thuật thứ bảy chứ không phải lo nghĩ đắn đo về doanh thu.

Kế hoạch cho mùa phim dự tranh Oscar luôn được chuẩn bị từ nhiều tháng trước hoặc thậm chí nhiều năm, với đầu tư cẩn thận cho kịch bản cũng như tìm kiếm diễn viên và hợp đồng phân vai, chứ không phải “ba chớp ba nháng” để canh mùa giải trí cuối năm nhằm hốt bạc – như nhận xét không xác đáng của một bài báo. Nhắc lại vài chi tiết trên để có thể thấy thêm tính nghiêm túc cho kế hoạch Oscar của Hollywood. Mùa phim năm nay, khán giả lại tái ngộ Charlize Theron với vai diễn liên quan quấy rối tình dục (trong North Country), một Sean Penn tham nhũng chính trị và một George Clooney dám “đổi máu lấy dầu”. Tất cả đều thuộc motif phim thông điệp – hoặc chính trị hoặc xã hội – và hứa hẹn đem đến một mùa phim cuối năm hấp dẫn cao về nghệ thuật. Cần nhắc lại, ban giám khảo Oscar luôn quan tâm và đề cao dòng phim suy tưởng. Năm 1947, phim Gentleman’s Agreement về nạn bài xích Do Thái với thủ diễn Gregory Peck; năm 1993, Tom Hanks chiến đấu với căn bệnh thế kỷ AIDS bằng nghị lực phi thường trong Philadelphia; và năm 2000 Julia Roberts đã một nách con nhỏ, một nách hồ sơ lặn lội điều tra tình trạng kinh doanh bất lương gây ô nhiễm môi trường trong Erin Brockovich... đều giành Oscar một cách xứng đáng. Mùa Oscar vừa rồi, Million Dollar Baby của Clint Eastwood cũng giành giải khi đề cập vấn đề chết tự nguyện theo yêu cầu bệnh nhân.

Đề tài chính trị tất nhiên luôn là thể loại phim thông điệp. Tài năng Steven Spielberg năm nay góp mặt với Munich, nói về vụ ám sát vận động viên Israel tại Thế vận hội 1972 ở Đức. Thời sự về thùng thuốc súng Iraq cũng hiện diện màn bạc Mỹ cuối năm nay với Jarhead của đạo diễn Sam Mendes. Jarhead (tiếng lóng Mỹ, có nghĩa “thủy quân lục chiến”) nói về nhóm thủy quân lục chiến Mỹ tại chiến trường vùng Vịnh. Dù bối cảnh là cuộc chiến vùng Vịnh 1991 nhưng bộ phim không khỏi không gợi liên tưởng trực tiếp đến bi kịch mà lính Mỹ đối mặt hằng giờ hằng ngày tại Iraq hiện nay. Bộ mặt chính trị phức tạp Trung Đông còn thể hiện trong Syriana của đạo diễn Stephen Gaghan... Vấn đề rất thời sự của nước Mỹ – đồng tính – cũng được tô đậm. Ngoài Capote với Philip Seymour Hoffman, còn có Breakfast on Pluto với diễn viên Cillian Murphy. Jake Gyllenhaal và Heath Ledger trở thành cặp tình nhân nam trong Brokeback Mountain. Chưa hết, Peter Sarsgaard thủ vai một kịch tác gia Hollywood lăng nhăng (đồng tính) với một chủ hãng phim đã có gia đình trong Dying Gaul. Chủ đề đồng tính thắng lớn tại Oscar thật ra không hiếm. Boys Don’t Cry từng đem về Oscar cho Hilary Swank; và trong Monster, Charlize Theron cũng đã giật được tượng Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Và nói đến phim thông điệp xã hội với nội dung liên quan ít nhiều đồng tính, không thể không kể kiệt tác American Beauty của đạo diễn Sam Mendes (diễn viên chính Kevin Spacey và Annette Bening) từng giành 5 giải Oscar 1999.

Đoan Thư