Ba Thuận là nhân vật nữ có nhiều tầng sâu tâm lý. Tải, chồng Ba Thuận là lính của chế độ Sài Gòn; còn Hai Dân - anh ruột của Ba Thuận lại là một chiến sĩ cách mạng, nay là cán bộ huyện. Tải còn có vợ nhỏ, con riêng, đang vật lộn mưu sinh giữa muôn vàn khó khăn vây bủa, tại một vùng đất còn dày đặc bom mìn chưa tháo gỡ. Ba Dân có định kiến với Tải vì quá khứ của thằng em rể, càng ghét Tải hơn vì Tải vợ thêm con nếm.
Trong hoàn cảnh như thế nhân vật Ba Thuận như sống hai phần đời: Không tức giận, ghét bỏ mà vẫn thương yêu chồng, cảm thông và san sẻ với cô vợ nhỏ và những đứa con riêng của chồng. Không a tòng với anh ruột mà trái lại giơ lưng ra chở che cho chồng, giúp anh nhanh chóng chấp nhận cuộc sống mới.
Người phụ nữ nông thôn ấy đã nói một câu như bộc lộ tất cả nỗi lòng bao dung, nhân hậu của mình: "Tôi chỉ cần chồng tôi biết thương lấy đám trẻ là đủ rồi!".
Một nhân vật có trạng thái tâm lý, có tính cách - hay nói theo cách nói của dân trong nghề là "có đất diễn". Tuy nhiên, chỉ trừ vài cảnh mang tính kịch ra (gặp Tải ở cơ quan huyện cùng với Hai Dân, cùng vào nhà hộ sinh với cô vợ nhỏ của chồng), phần "đất diễn" kia như chìm lấp giữa các lớp lang câu chuyện, đặt ra nhiều thử thách đối với người thủ vai.
Với Sống trong sợ hãi , lần đầu tiên đạo diễn Bùi Thạc Chuyên làm phim truyện nhựa. Sắm vai Ba Thuận, Hạnh Thúy cũng bước ra trước ống kính máy quay phim truyện nhựa lần đầu. Hai sự khởi đầu ấy gặp nhau tưởng đâu sẽ có rất nhiều sự ngỡ ngàng, dè dặt. Nhưng mọi điều không xảy ra như vậy. Chỉ cần trò chuyện một lúc, đạo diễn liền trao phần kịch bản có liên can tới vai Ba Thuận cho Hạnh Thúy đọc. Rồi anh yêu cầu Hạnh Thúy diễn tả lời thoại của nhân vật. Và không cần diễn thử. Cũng không cần hóa trang để chụp ảnh thử. Đạo diễn nhanh chóng quyết định trao vai cho Hạnh Thúy.
Hạnh Thúy kể:
- Tôi sinh ra tại vùng Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre - quê hương dì Ba Định. Thành thử quanh tôi có rất nhiều các dì, các chị mang cuộc đời rất giống nhân vật Ba Thuận. Điều này gợi những liên tưởng giúp tôi vào vai! Nhưng khi xem phim, nếu bạn thấy tôi đảm đương vai không đến nỗi tồi, công lao ấy xin dành cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Tôi vẫn ao ước được trao những vai đa chiều tâm lý, khá tinh tế và phức tạp trong tính cách như như vậy!
Vóc dáng dỏng cao, gương mặt xương xương, một đôi mắt to tròn , thăm thẳm và đặc biệt là nụ cười thuần phác, đầy lòng vị tha, độ lượng. Có lẽ cả đạo diễn lẫn nữ diễn viên đã nhận ra sức "hút hồn" là ở đó nên đã tận dụng triệt để.
Kể về con đường đến với nghệ thuật, Hạnh Thúy cho biết: Tốt nghiệp lớp 12, muốn thi vào Đại học Sư phạm, cũng thích theo học tại trường Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh vì mê cải lương, mê những bộ phim, thích hình tượng nữ cán bộ cách mạng vùng giới tuyến của nữ diễn viên Trà Giang trong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Làm tiểu phẩm đứng đợi người yêu, từ trên sàn diễn nhìn rõ thấy các thầy Minh Ngọc, Công Ninh, Minh Nhí lắc đầu. Về quê, ít lâu sau không thể ngờ lại có giấy báo nhập trường. Thầy hướng dẫn lớp là diễn viên hài Minh Nhí. Thành thử bạn cùng khóa nổi lên một loạt tên tuổi như Việt Hương, Thúy Nga, Hoàng Mập...
Và bản thân Hạnh Thúy cũng gặt hái được thành công ở một số vai hài. Năm 1997, cô đầu quân về Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh. Vở diễn ít, tham gia nhóm múa, chụp ảnh quảng cáo, chụp lịch kiếm kế sinh nhai.
Đã tham gia một số phim truyện truyền hình từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường Sân khấu - Điện ảnh, vai nhỏ nên người nhớ người quên: Trăng không mùa, Cô gái Tràpeng, Mẹ con Đậu đũa. .. và gần đây là Công ty thời trang, Lẵng hoa tình yêu.
Trước khi nhận vai Ba Thuận trong phim Sống trong sợ hãi, Hạnh Thúy đã bỏ lỡ một vai "nặng ký" khác - vai nữ chính trong phim Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh.
- Từng ấy năm sống với sàn diễn và ống kính, đặc biệt là sau vai Ba Thuận trong bộ phim truyện nhựa Sống trong sợ hãi, Hạnh Thúy có thể coi mình là người thành đạt?
- Ồ, tôi không ảo tưởng vào bản thân đâu, anh ơi! Tôi vẫn luôn luôn chuẩn bị để... "rút chân" đấy! Nhưng khi còn chưa tìm cách đến với một cung cách sinh tồn khác thì lại thấy vẫn mê kịch, mê phim lắm! Mê đến độ... không hình dung nổi mình sẽ sống ra sao nếu thiếu đi không khí sàn diễn, trường quay!
|