Các nghệ sĩ bị xử lý gồm có: Công Ninh, Thuý Nga, Việt Hương, Hữu Lộc, Cát Phượng, Bảo Trí, Hà Linh, Bảo Chung, Tấn Beo, Hữu Phương, Hồng Tơ, Tiết Cương, Đàm Vĩnh Hưng… Lý do là nhiều trích đoạn tấu hài trong đĩa có nội dung bóp méo, xuyên tạc hết sức thô thiển và làm dung tục các nhân vật anh hùng hảo hán trong tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng Thuỷ Hử của Trung Quốc, cảnh trí bừa bãi, trang phục cẩu thả, thậm chí hở hang, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Trong đĩa còn có sự tham gia biểu diễn của một số ca sĩ hải ngoại bị cấm biểu diễn tại Việt Nam. Và một điều cơ bản là các nghệ sĩ trong nước có mặt trong đĩa ca nhạc, tấu hài này chưa hề được phép của cơ quan chức năng để tham gia biểu diễn trong một sản phẩm băng đĩa, nhất là sản phẩm này lại có một thành phần tham gia sản xuất là một công ty đang ở nước ngoài.
Trước hết, là chuyện nghệ sĩ biểu diễn…
DVD “108 anh hùng Lương Sơn Bạc” là sản phẩm của Trung tâm Thuỷ Hử (đặt trụ sở tại Mỹ). Có rất nhiều nghệ sĩ trong nước đang được công chúng yêu mến đã tham gia biểu diễn trong DVD này. Khi cơ quan chức năng hỏi, các nghệ sĩ đều có câu trả lời giống nhau là nhận lời mời biểu diễn thông qua Trung tâm băng đĩa nhạc Lạc Hồng, mà không hề biết là do công ty nước ngoài làm.
Cách trả lời này gợi đến một trường hợp tương tự đã xảy ra cách đây mấy năm, đối tượng là các người mẫu nổi tiếng của Việt Nam, trong bộ đĩa “Tuyển chọn nghệ sĩ” cũng do một trung tâm sản xuất băng đĩa nhạc hải ngoại thực hiện.
Nếu câu trả lời này là đúng sự thật, thì sẽ là điều hết sức đáng buồn cho nền nghệ thuật nước nhà, bởi hàng chục nghệ sĩ tham gia trong DVD này đang là những tên tuổi được công chúng yêu mến, tài năng đang độ chín và con đường cống hiến cho nghệ thuật còn rộng mở. Nhưng với một câu trả lời như vậy, họ lại bộc lộ khả năng nhận thức hết sức non kém, cả về khía cạnh luật pháp và văn hoá.
Có thể thấy thói quen làm việc theo thoả thuận miệng đã và vẫn tiếp tục ăn sâu trong giới nghệ sĩ, cho dù việc thu thuế thu nhập cá nhân đối với các nghệ sĩ đã bắt đầu được họ nghiêm túc thực hiện.
Cũng do thói quen này, nên hầu như chắc chắn rằng không có nghệ sĩ nào quan tâm xem nhà sản xuất đã được cấp phép sản xuất chưa, dù theo quy định, sản phẩm băng đĩa phải được duyệt kịch bản mới được tiến hành sản xuất, và khi hoàn thành, phải được duyệt sản phẩm mới được phát hành.
Nếu quả thật đây là sai phạm hết sức ngẫu nhiên của các nghệ sĩ, thì họ đã nhận được một bài học sâu sắc về việc hiểu biết và tuân thủ luật pháp- đòi hỏi tất yếu đối với mỗi cá nhân trong một xã hội văn minh, cả trong môi trường lao động nghệ thuật.
Sau sự kiện bộ đĩa “Tuyển chọn nghệ sĩ”, dư luận xã hội đã lên tiếng báo động về trình độ nhận thức của giới người mẫu, một đối tượng có ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống, nhất là giới trẻ. Nhưng nếu với các người mẫu thời trang, sự phê phán ít nhiều không quá nặng nề, bởi ngành nghề này vốn mang nặng tính tự phát, chưa có hệ thống đào tạo bài bản, quy củ. Thì, với những nghệ sĩ tham gia “108 anh hùng Lương Sơn Bạc”, sự lo ngại về trình độ nhận thức của các nghệ sĩ lại có phần nặng nề hơn, bởi các nghệ sĩ hầu hết đều là những người trưởng thành từ các trung tâm đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản về nghề nghiệp và được trang bị kiến thức văn hoá, nghệ thuật. Khi đưa ra những tiểu phẩm hài dung tục, làm sai lệch hình ảnh những nhân vật nổi tiếng của một tác phẩm văn học bất hủ, các nghệ sĩ có lẽ đã không hình dung hết những tác động phi thẩm mỹ và văn hoá mà mình có thể gây ra. Thêm một bằng chứng cho thấy cần phải tăng cường hiệu quả công tác giáo dục nhận thức và trau dồi vốn văn hóa cho sinh viên trong các trung tâm đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp hiện nay.
“Chiếc áo” đã quá chật…
Nhiều người trong nghề, nhất là những người gắn bó lâu năm với thị trường sản xuất và phát hành băng đĩa, nghe chuyện, lại không dành sự bất bình cho các nghệ sĩ, mà cho rằng nguyên nhân chính từ những quy định đã lỗi thời trong lĩnh vực này. Khi “chiếc áo” đã quá chật, không thủng chỗ này, sẽ “bục” chỗ khác.
Một chuyên viên của Bộ Văn hoá- Thông tin cho biết, ông đã nghe về chuyện Trung tâm Thuỷ Hử về nước quay phim lậu từ cuối năm 2005, trong khi chưa có đơn vị trong nước nào đứng ra xin duyệt kịch bản, nên đã thông báo cho các sở văn hoá để không cấp phép cho chương trình này, tưởng đã chặn được, không ngờ “nó” lại được lưu hành bằng băng đĩa lậu.
Cùng với sự phát triển của thị trường giải trí trong nước, trình độ sản xuất băng đĩa của các nhà sản xuất “nội” đã ngày càng được nâng cao. Người ta cũng tìm nhiều hình thức để nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi điều kiện kinh tế, kỹ thuật chưa cho phép tự làm, bằng cách đưa các sản phẩm đã hoàn chỉnh về nội dung ra nước ngoài để hoàn thiện, hay mời các chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn và thực hiện sản phẩm.
Nghĩa là, rất nhiều sản phẩm băng đĩa trong nước khi tham gia vào thị trường đã có “yếu tố nước ngoài”. Nhưng, theo văn bản pháp luật mới nhất trong lĩnh vực này là “Quy chế sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu hành, kinh doanh băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình ca nhạc, sân khấu” ban hành kèm theo Quyết định 55/1999/QĐ-BVHTT ngày 5-8-1999, không hề đề cập “yếu tố nước ngoài”. Trong khi nhiều lĩnh vực đã có sự tham gia của các đơn vị liên doanh, thậm chí 100% vốn nước ngoài, các đơn vị sản xuất băng đĩa lại phải đứng ngoài cuộc, hoặc tiến hành những hình thức như bán danh nghĩa cho các trung tâm băng đĩa nước ngoài mạnh về tiềm lực và kỹ thuật.
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm có bàn tay của các chuyên gia nước ngoài, không chỉ đạt chất lượng kỹ thuật hoàn hảo hơn, mà còn đem đến những cách cảm nhận mới trong nghệ thuật.
Trước rất nhiều bất cập mà quy chế cũ không còn đáp ứng được, từ giữa năm 2005, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hoá- Thông tin) đã tiến hành xây dựng Dự thảo “Quy chế hoạt động phát hành, xuất khẩu, nhập khẩu, băng, đĩa, ca nhạc, sân khấu”, trong đó, đáng chú ý là dành hẳn một chương, chương 3 “Hoạt động phát hành, xuất khẩu, nhập khẩu băng, đĩa ca nhạc, sân khấu có yếu tố nước ngoài”.
Theo nội dung bản dự thảo mới nhất đang được tổ chức lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện, thì các đơn vị trong nước có thể liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài để sản xuất, phát hành băng đĩa, hoặc tiếp nhận đầu tư thông qua hình thức hỗ trợ phương tiện kỹ thuật. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cũng được phép tham gia phát hành, xuất khẩu, nhập khẩu băng đĩa.
Cũng có ý kiến lo ngại sự mở rộng này sẽ tạo nên những khó khăn cho công tác quản lý khi đối tượng mở rộng, và cách nhìn, cách nghĩ của những đối tác nước ngoài không dễ hài hoà với đời sống văn hoá, xã hội Việt Nam, trong khi sản phẩm lại mang giá trị đặc thù, có diện ảnh hưởng rộng lớn. Nhưng xem xét vấn đề ở một khía cạnh khác, nhiều người cho rằng tạo một hành lang pháp lý cởi mở nhưng chi tiết, chặt chẽ lại là cơ hội tốt để sàng lọc những sản phẩm có giá trị, còn hơn ngăn cấm nhưng không kiểm soát được tình hình, phải chạy theo giải quyết những vụ việc kiểu như “108 anh hùng Lương Sơn Bạc”, và có thể còn nhiều hình thức khác nữa, mà kiểu giải quyết cũng đều ở trong tình thế mọi sự “đã rồi”…
Dự thảo Quy chế lần này còn có một điểm mới được các nhà sản xuất trông đợi, là quy định rút ngắn thời gian cấp phép phát hành, cấp phép nhập khẩu và cấp nhãn kiểm soát xuống còn không quá 7 ngày làm việc, một tác động sẽ có lợi cho nhà sản xuất để đối phó với tình trạng băng đĩa lậu lan tràn hiện nay.
Cuối cùng, chuyện muôn thưở của mọi quy chế, lại vẫn là hiệu quả của công tác quản lý, cụ thể là hoạt động thanh tra, kiểm soát, xử lý kịp thời những sai phạm. Hy vọng, “chiếc áo” mới khi được đưa vào sử dụng sẽ giúp thị trường băng đĩa tạo được dáng vẻ hấp dẫn hơn.
Còn một chuyện nữa, nhỏ thôi, nhưng cũng xin nói ra đây. ấy là trong quyết định của Thanh tra Bộ Văn hoá- Thông tin về việc xử lý DVD “108 anh hùng Lương Sơn Bạc” có quy định thu hồi toàn bộ số đĩa đang lưu hành trên thị trường. Nhưng DVD này vốn là đĩa lưu hành trái phép, nên có người hỏi “cắc cớ”: Đã là đĩa lậu thì dĩ nhiên phải thu hồi rồi. Thanh tra Bộ nói thế là quá thừa, hay chỉ “108 anh hùng Lương Sơn Bạc” bị thu hồi thôi, còn các đĩa lậu khác được phép lưu hành? Mà vốn đĩa lậu vẫn đang được bày bán tràn lan khắp mọi nơi, bất chấp những cố gắng của các cơ quan chức năng. Nhưng đấy lại là một câu chuyện khác- chuyện băng đĩa lậu, nan giải và chưa dễ có hồi kết.
|