Hãy hướng về khán giả
Giải phóng Sài Gòn, bộ phim tốn hàng chục tỉ đồng nhưng rất ít người xem - Ảnh tư liệu |
Ngoài ý kiến của hai đạo diễn Bảo Trung và Lê Hoàng, còn lại là từ khán giả. Những góp ý chân thành, phê bình thẳng thắn của bạn đọc đều xoay quanh vấn đề các đạo diễn VN nên làm phim như thế nào để kéo khán giả VN đến với phim Việt, ủng hộ phim Việt và hi vọng ở phim Việt trong tương lai...
Làm phim cho người bình thường?
Các đạo diễn làm phim cho ai xem? Đối tượng phục vụ của nhà sản xuất phim là ai? Khán giả bình dân, khán giả trí thức, anh xe ôm, chị bán rau hay ông giáo sư... vẫn là khán giả. Phần lớn ý kiến đóng góp đều nói về vấn đề này, nhiều ý kiến bất bình về việc phân chia lớp khán giả là bình dân hay trí thức.
Bạn Lê Hữu Thuận (Chơn Thành, Bình Phước) viết: "Tại sao lại chia ra hai loại khán giả xem phim: bình dân và trí thức? Thật ra chỉ có khán giả thôi. Đọc một quyển truyện, trình độ tiểu học thì khó nhận ra cái hay nhưng truyện đó dựng thành phim, có diễn viên diễn tả tâm tư, tình cảm, cảm xúc của nhân vật bằng cử chỉ, tiếng nói... thì người xem cảm được cái hay. Đối tượng khán giả nào chăng nữa thì khi xem phim xong vẫn muốn sẽ phải suy nghĩ về bộ phim khi phim hướng về giá trị chân thiện mỹ gần với khán giả".
Ý kiến từ một nhà sản xuất: Điện ảnh không phải trò đùa Anh Phùng Tuấn nói đúng, khán giả VN không chỉ trình độ ngày càng cao mà sự đòi hỏi chất lượng của phim cũng khắt khe hơn bao giờ hết. Tuy lời anh có nghiệt ngã thật nhưng chúng tôi tin điều đó chứng tỏ bản thân anh nói riêng và bạn đọc nói chung vẫn quan tâm tới những bộ phim VN. Bên cạnh các hãng phim gạo cội của Nhà nước, thị trường điện ảnh VN hiện nay đã có thêm nhiều hãng phim tư nhân đồng nghĩa với việc nhiều bộ phim theo phong cách khác nhau ra đời và khán giả cũng có thêm lựa chọn. Đây là dấu hiệu tích cực đáng mừng. Tuy nhiên, mặt tiêu cực cũng có. Không phủ nhận một số phim quá lạm dụng các chiêu tiếp thị câu khách, để rồi xem nhẹ chất lượng và nội dung, vẫn ra đời. Chúng tôi, những người làm phim, luôn hiểu điện ảnh không phải trò đùa. Làm phim, với chúng tôi, là cố gắng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh VN, tiếp bước các bậc tiền bối đi trước để làm sao chinh phục không chỉ khán giả mình mà còn đưa nền điện ảnh của ta ra thế giới. Chúng tôi thật sự mong khán giả không chỉ công tâm trong vấn đề phê bình, mà còn mong mỏi một cái nhìn bao dung, nâng đỡ, sẻ chia từ quí vị. Con đường chuyên nghiệp hóa điện ảnh nước nhà không đơn giản, nhưng chúng tôi tin mình sẽ làm được nếu còn khán giả bên cạnh, nếu còn những người biết đau, biết giận, biết nói thẳng nói thật để giúp chúng tôi nhìn rõ mình hơn như anh Phùng Tuấn. Hãng phim Thiên Ngân |
Bạn Hoàng Mai Anh (Q3, TP.HCM) bày tỏ: "Tôi thấy các đạo diễn sao cứ hay nói: "Anh làm phim nghệ thuật cho giáo sư, còn tôi làm phim thị trường cho người bình dân...". Sao không thấy ai làm phim cho người bình thường xem.
Người bình thường - giới trẻ chúng tôi đây - chỉ thích những gì vui vẻ, nhẹ nhàng, gần gũi cuộc sống. Tôi nghĩ người bình dân hay mấy vị giáo sư cũng không ai nỡ chê những bộ phim lành mạnh, ý nghĩa và cũng không kém phần hấp dẫn như... phim Hàn Quốc!".
Anh Lê Hồng Hải (Hiệp Phú, Q.9) khá thẳng thắn: "Các đạo diễn VN nên hướng về đâu? Tôi xin thưa ngay, đó là công chúng. Đã mang chức danh đạo diễn, diễn viên, tức là người của công chúng, thì công chúng đòi hỏi anh phải phục vụ tốt, không thì họ tẩy chay, thế thôi. Công chúng ở đây bao gồm tất cả những người biết suy nghĩ, không phân biệt địa vị, ngành nghề, những người muốn xem hay không muốn xem phim của anh".
Làm phim như thế nào để thu hút khán giả?
Các khán giả đều nhớ như in và nhắc lại đầy vẻ nuối tiếc những bộ phim VN đi vào lòng người như Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm, Cánh đồng hoang, Chim vành khuyên, Mùa gió chướng, Hòn đất, Đường về quê mẹ... Nhắc đến các bộ phim VN đang chiếu trên màn ảnh rộng cũng như màn ảnh nhỏ hiện nay, ai nấy lặng lẽ thở dài.
Nhiều người còn an ủi nhau: "Thôi tạm chấp nhận bỏ qua vài hạt sạn thì "coi được", còn săm soi thì phim nào cũng lấn cấn sạn. Phần lớn khán giả đều háo hức với những bộ phim được quảng cáo, ca tụng rộng rãi, nhưng khi xem rồi cảm thấy trình độ của mình kém cỏi, không đủ kiên nhẫn xem tiếp để hiểu ý đồ đạo diễn từ tiết tấu lê thê, ngôn ngữ khuôn sáo, cứng nhắc, cốt truyện rời rạc, thiếu cao trào, quá cường điệu, quá vô lý..., thậm chí có bạn sau khi viết lá thư dài bốn trang giấy phân tích tại sao phim VN dở và kết luận: có lẽ đạo diễn VN "dễ tính".
Bạn Hoàng Mai Anh góp ý: "Tôi thắc mắc sao mấy đạo diễn hay nói: "Tôi là người trẻ, tôi biết người trẻ muốn gì...". Như thế có quá chủ quan không khi lấy ý kiến của mình áp đặt cho toàn bộ những người trẻ khác. Đâu phải người trẻ nào cũng thích người mẫu, gái nhảy... Người trẻ bây giờ biết sống có ích. Họ cần những bộ phim giúp họ biết sống thế nào cho có ý nghĩa, phim về tình yêu, tình thương...Người VN sẽ chẳng bao giờ quay lưng với phim VN, giới trẻ lại càng không nếu như có những bộ phim thật sự dành cho họ".
Diễn đàn "nóng" lên vì tương lai phim Việt, sự chờ đợi và kỳ vọng vào các đạo diễn. Bạn Nguyễn Bá Hà Linh (Thanh Khê, Đà Nẵng) hi vọng: "Thời gian và người tiêu dùng những sản phẩm điện ảnh sẽ sàng lọc tất cả. Khán giả VN đủ khôn ngoan và trình độ để không dễ bỏ ra những đồng tiền thấm ướt mồ hôi mua vé thưởng thức những tác phẩm mà họ không thể nuốt trôi".
Bạn Huỳnh Thanh Liễu (Bình Thạnh, TP.HCM): "Phim ảnh VN ngày nay được quảng cáo tốt hơn, đội ngũ diễn viên trẻ đẹp hơn, trang phục bắt mắt hơn, đầu tư nhiều hơn, nhưng gần như ép khán giả phải chấp nhận dụng ý của nhà làm phim, tình tiết vô lý đến không thể chấp nhận được. Nhưng tôi vẫn hi vọng phim VN sẽ có những kịch bản hay, những đạo diễn có tài và tâm để có những bộ phim đi vào lòng khán giả".
Diễn đàn “Các đạo diễn nên hướng về đâu?” xin khép lại tại đây bằng ý kiến của bạn T. Trinh (TP.HCM): "Chúng tôi không quay lưng với điện ảnh VN, nhưng để chúng tôi quay lại thì các đạo diễn VN nên tôn trọng chúng tôi bằng cách làm những bộ phim nghiêm túc, có giá trị nghệ thuật thật sự. Hãy nhìn về hướng chúng tôi - những khán giả bình thường và làm phim phù hợp với hướng nhìn ấy".
HOÀI NAM
▪ Phim truyền hình mới: Hoa thủy tinh (17/08/2005)
▪ Nhạc kịch Đất nước đứng lên: Đã vi phạm tác quyền (16/08/2005)
▪ "Đại cương về văn hoá VN": Những nhận định sai lầm và thiếu cơ sở (16/08/2005)
▪ Jennifer Lopez (16/08/2005)
▪ Bi quyết chinh phục Nhật Bản! (16/08/2005)
▪ Triệu Vy đóng phim truyền hình mới với Lục Nghị (16/08/2005)
▪ Tuần lễ Elvis trên khắp thế giới (16/08/2005)
▪ Show truyền hình đầu tiên của Maradona (16/08/2005)
▪ “Tiếng nói của John. Âm nhạc John. Câu chuyện John!” (15/08/2005)
▪ Hồ Ngọc Hà dự LHP châu Á - Thái Bình Dương (16/08/2005)