Làng phim Việt: Sân chơi cũ, trò chơi mới
Các Website khác - 16/06/2006

TTO - Làng phim VN đang “trở mình”: hãng phim tư nhân thành lập; giới kinh doanh xây dựng rạp tiêu chuẩn quốc tế, vốn đầu tư phim trường lên hàng triệu đô la; chiến lược đầu tư nhân lực được chú trọng...

6.000 m2 tại Thủ Đức của Công ty BHD thuê dựng bối cảnh khi làm phim Hồn Trương Ba, da hàng thịt sẽ được triển khai mở rộng thành phim trường nội quy mô, đảm bảo tiêu chuẩn cơ bản nhất để làm phim, chương trình truyền hình với vốn đầu tư  vài triệu đô la. Ảnh tư liệu

Đầu tư phim ảnh: “món mới” của giới kinh doanh

Hãng phim Thiên Ngân đầu tư cụm rạp tư nhân đầu tiên tại VN kinh phí 1 triệu đô. Công ty truyền thông Trí Việt xây dựng phim trường lớn nhất VN kinh phí 20 triệu đô.

Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam và công ty liên doanh Megastar Media JV VN vừa khánh thành cụm rạp tiêu chuẩn quốc tế với kinh phí đầu tư 5 triệu đô la… Phim ảnh có phải đang là thị trường “hot” của giới kinh doanh?

Sôi động xây rạp, phim trường

Sự than vãn thiếu hụt phim trường của giới làm phim VN đang được giới kinh doanh phim ảnh “đáp trả” bằng hàng loạt dự án cỡ bự (so với mặt bằng phim ảnh VN). 2.000m² tại Khu công nghiệp Tân Thới Nhất, Q.12 với kinh phí gần 1 triệu đô của diễn viên Nguyễn Chánh Tín đang thi công hứa hẹn sẽ chuyên nghiệp theo ý tưởng của Hollywood.

Bà Lê Thị Phương Thủy, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty truyền thông Trí Việt, chủ đầu tư phim trường Cánh đồng ước mơ dẫn chứng rất sinh động: “Bill Gates dự đoán chỉ 10 năm nữa thì không chỉ có truyền hình cho số đông mà còn có cả truyền hình “cá nhân hóa”  từ vô số khả năng của truyền hình nay mai.

Ngành công nghệ truyền hình VN cũng vậy, sẽ bùng nổ trong tương lai. Nói thật, đầu tư  nghệ thuật là loại kinh doanh không an toàn, thậm chí nguy hiểm bởi  đây là ngành chưa được tư nhân hóa rộng rãi, chính sách luật, thuế, ưu đãi chưa rõ ràng. Chưa kể nguồn nhân lực trong ngành này ở VN hầu như zero. Nhiều người đã hỏi tôi, đầu tư nhiều vốn thế này thì liệu chừng nào lấy lãi? Dự án muốn hoàn vốn nhanh chính là ở đầu tư con người”.

Hãng phim Gia đình Việt ra mắt bằng bộ phim truyền hình dài 100 tập Mùi ngò gai kết hợp với công ty CJ Media Việt Nam (của Hàn Quốc) thuê 10.000 m2 đất, đầu tư xây dựng phim trường ngọai và nội ở quận 9.

Kinh phí lớn và quy mô nhất là phim trường Cánh đồng ước mơ do công ty truyền thông Trí Việt (100% vốn VN) xây dựng tại Bình Dương với số tiền hơn 20 triệu đô la. Gồm 4 trường quay phim truyện, các chương trình truyền hình, khu sản xuất đạo cụ, thiết kế sân khấu, phòng hóa trang, bảo trì… Tất cả theo quy trình khép kín: từ dàn dựng, quay thu trực tiếp đến hậu kỳ. Theo chủ đầu tư thì có khả năng sẽ mở rộng thành  8 trường quay, dĩ nhiên số vốn đầu tư sẽ dôi lên rất nhiều.

Phim trường vừa được đề-pa khá tốt, các nhà kinh doanh bắt đầu “nhấn ga” khoản đầu tư rạp - đầu ra quan trọng của kinh doanh phim ảnh. Năm 2005, cụm rạp tư nhân đầu tiên do hãng phim Thiên Ngân đầu tư với kinh phí 1 triệu đô la đã tạo “cú hích” hiệu quả.

Mới đây Thiên Ngân tuyên bố hợp tác với tập đoàn  Warner Bros. (Mỹ) kế hoạch đầu tư thêm nhiều cụm rạp nữa tại TP.HCM. Hãng phim BHD Công ty BHD cũng chẳng kém cạnh với cụm rạp Citizen ở Đà Nẵng. Gần đây nhất là cụm rạp 5 triệu đô la với 8 rạp chiếu do công ty liên doanh Megastar Media JV VN và Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam vừa khánh thành tại Hà Nội.

Ở Hàn Quốc, phim trường được nhà nước đầu tư kinh phí khoảng 80%. Trong ảnh là một góc phim trường Dae Jang Kum, sau khi công chiếu đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng. Ảnh: H.Nam
Đây chỉ là bước đầu tiên, hai công ty này còn có 4 cụm rạp đang triển khai tại Hùng Vương Plaza TP.HCM, TD Plaza Hải Phòng, trung tâm thương mại Paragon và Coopmart Biên Hòa… Nhìn sơ “bức tranh” làng phim Việt thời gian qua có vẻ khởi sắc, nhất là cơ sở hạ tầng được giới kinh doanh bắt đầu dòm ngó. Phim ảnh VN có phải là “món mới” đem lại nhiều lợi ích cho giới đầu tư?

Kinh doanh phim ảnh: mảnh đất màu mỡ?

Sự trở mình của nhà nước: không nhộn nhịp như các hãng phim tư nhân, đàn anh nhà nước cũng đang phấn đấu “đua” phim trường. Hãng phim Giải phóng tận dụng diện tích  ít ỏi của trụ sở hãng để xây dựng một tòa nhà với các  studio làm phim và cả hệ thống rạp, kinh phí xây dựng khoảng 160 tỷ.

Dự kiến khoảng hơn 1 năm nữa sẽ hoàn thành nhưng đến nay chỉ mới xong phần… đổ móng với lí do là tiền đang được rót từ từ. Dự án xây dựng phim trường rộng gần 50 héc ta với vốn đầu tư hàng trăm triệu đô của Đài truyền hình TP.HCM triển khai từ năm 2001. Gần đây nhất là một công ty Giải trí Xuyên lục địa LLC (Mỹ) đã đến thăm dò hợp tác nhưng kế hoạch cụ thể thực hiện thì…chưa có.

Ông Millard Ochs, Chủ tịch tập đoàn Warner Bros với ý định kết hợp với Thiên Ngân đầu tư cụm rạp ở VN đã nhìn nhận: “VN là một thị trường điện ảnh đầy tiềm năng, với dân số 80 triệu người nhưng hiện chỉ có 60 rạp chiếu phim đang họat động thì việc xây dựng rạp tại VN là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi”.

Bà Nguyễn Minh Ngọc, Phó Giám đốc Thiên Ngân nhấn mạnh: “Lý do chúng tôi đầu tư xây dựng rạp dựa trên nhu cầu ngày càng cao về giải trí nói chung và phim ảnh nói riêng của người dân. Thiên Ngân đã có dây chuyền sản xuất, nhập, phát hành phim thì  đầu tư xây rạp là bước tiếp trong chiến lược kinh doanh, tiến tới một công ty có quy trình khép kín về điện ảnh”.

Ở góc độ kinh doanh là thế, còn ở góc độ người làm phim. Bà Huỳnh Thanh Diệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng phim Gia đình Việt ví dụ cụ thể: “Với sự phát triển phim ảnh VN hiện nay thì chủ đầu tư được lợi từ việc cho thuê đi thuê lại phim trường, hoặc có thể làm du lịch.

Còn người làm phim thì lời đủ thứ: thời gian, công sức, kết quả công việc…Ví dụ cách Mùi ngò gai quay hiện nay (có phim trường) khoảng ba ngày/một tập. Để xong 100 tập Mùi ngò gai sẽ cần khoảng 1 tháng. Còn nếu quay theo cách như nhiều đoàn phim đang thực hiện (không có phim trường ) thì nhanh nhất cũng phải 2 năm. 

Bà Ngọc Hiệp, Giám đốc Hãng phim Việt, chi nhánh phía Nam cụ thể: "Việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho nghệ thuật như vậy thì vẫn quá ít trong mặt bằng chung của VN. Mình không đủ lực làm lớn thì ít nhất cũng đầu tư vào phim trường, Xác định xây  phim trường thì chúng tôi đã tính khai phá, tận dụng lợi ích của nó như thế nào".

Chưa nói đến thành công hay thất bại, điều khấp khởi mừng là các “mắt xích” của guồng máy nghệ thuật Việt (chủ yếu là tư nhân) đang từ từ chuyển động. Sự “trở mình” này không chỉ ở bề nổi cơ sở hạ tầng mà sâu xa hơn các nhà đầu tư phim ảnh VN đang chú trọng đến “mặt chìm” không thể thiếu: con người .

HOÀI NAM