Tây nguyên: hôm qua anh hùng, hôm nay giàu đẹp
Các Website khác - 30/03/2006

TT - Hai ngày diễn ra Đại hội đại đoàn kết các dân tộc Tây nguyên (28 và 29-3), cả Tây nguyên hùng vĩ rực rỡ đủ sắc màu thổ cẩm - trang phục độc đáo của 11 dân tộc anh em. Tiếng cồng chiêng trầm hùng, ngân nga, giục giã khắp đại ngàn...

Chủ tịch nước Trần Đức Lương chụp ảnh chung với các đại biểu dự đại hội - Ảnh: TTXVN

“Đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Trước kia, hiện nay và mãi mãi về sau, vấn đề dân tộc và tôn giáo luôn luôn là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận các tỉnh Tây nguyên đã quan tâm cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả nhất đội ngũ cán bộ là con em đồng bào các dân tộc Tây nguyên trên mọi lĩnh vực. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta nhất định sẽ xây dựng Tây nguyên thành địa bàn trù phú tươi đẹp nổi tiếng của đất nước ta...”.

(Trích phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại Đại hội đại đoàn kết các dân tộc Tây nguyên tổ chức tại Pleiku, Gia Lai)

Một lòng son sắt

Tháng ba Tây nguyên là mùa lễ hội tưng bừng nhất trong năm, mùa lễ hội Pơ Thi, mùa trai gái lên rẫy làm nương, trỉa hạt, mùa muông thú sinh sôi. Và tháng ba năm nay, sau 60 năm, cộng đồng các dân tộc Tây nguyên tề tựu đông đủ tại TP Pleiku, một lần nữa nghe đọc thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19-4-1946).

60 năm trôi qua, nhiều chàng trai, cô gái Ê Đê, Jơ Rai, Ba Na, M'Nông, Xê Đăng ngày ấy đi theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng đánh Tây rồi đánh Mỹ, giờ đây râu tóc bạc phơ. Nhà giáo ưu tú Siu Pơi nay đã ngoài 70, vẫn còn minh mẫn, vẫn đều đặn những chuyến điền dã về khắp các buôn làng.

Rồi cụ Ksor Ní - một trong những cán bộ lãnh đạo cốt cán tỉnh Gia Lai thời kháng Pháp. Bác sĩ Sô Lây Tăng - nguyên bí thư Tỉnh ủy Kontum, được đồng bào phong tặng danh hiệu “thầy thuốc của buôn làng” bởi cả đời ông gần như lặn lội ở cơ sở. Bên hành lang hội trường lúc giải lao, câu chuyện tâm đắc của các cụ vẫn là những năm tháng hào hùng đánh giặc, giữ làng.

Rồi bàn chuyện hôm nay, chuyện điện đã về tận các buôn làng biên giới của Chư Prông, Đức Cơ, Chư Pah, Ia Grai, đường giao thông xẻ núi về với “ốc đảo” Kon Pne - vùng căn cứ kháng chiến.

Rồi đường giao thông, chợ búa, trường học, trạm xá và những cánh đồng bạt ngàn, quanh năm xanh ngắt nhờ hệ thống thủy nông Ayun Hạ. Tây nguyên hôm nay là vùng kinh tế động lực, vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp dài ngày. Những nông trường cao su, cà phê, hồ tiêu, chè bát ngát.

Trong không khí thiêng liêng, trong âm vang cồng chiêng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hà Sơn Nhin (dân tộc Ba Na) trịnh trọng đọc thư Bác Hồ. Cả hội trường im phắc, nhiều cụ già xúc động, mắt rưng rưng. Có những người con của đại ngàn được nhắc lại như cụ Nay Phin - chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến lãnh đạo đồng bào Jơ Rai, Ba Na đánh Pháp.

Như bác sĩ Y Ngông Nie K’Đăm đã từng thay mặt đồng bào Tây nguyên nói lên ý chí sắt đá: “Có sức mạnh nào cản nổi những dòng sông Tây nguyên không đổ về biển cả?

Có sức mạnh nào cản nổi núi rừng Tây nguyên không theo cách mạng? Không, không có sức mạnh nào cản nổi các dân tộc Tây nguyên đi theo cách mạng. Núi rừng Tây nguyên luôn thương nhớ và mãi mãi đi theo Bác Hồ”...

Đoàn kết là truyền thống của dân tộc
(Ý kiến của các đại biểu)

* Mục sư Siu Y Kim (đại biểu Gia Lai):

“Các dân tộc anh em đã chung sức chung lòng đoàn kết đấu tranh để giữ vững nền độc lập. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động của các tôn giáo. Và bản thân các tôn giáo đã đóng vai trò tích cực trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc”.

* Tiến sĩ Y Ghi (đại biểu Đắc Lắc):

“Một trong những vấn đề đáng quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên hiện nay là mặt bằng dân trí còn hạn chế. Đảng và Nhà nước cần quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục - đào tạo đối với khu vực Tây nguyên. Tôi xin nhấn mạnh là tạo điều kiện để mọi người đều có cơ hội học tập chứ không phải dễ dãi trong đánh giá kiến thức, dẫn đến ưu tiên vùng trong thi tuyển, xét tuyển”.

* Nhà giáo ưu tú Siu Pơi (đại biểu Gia Lai):

Phát triển giáo dục - đào tạo cho Tây nguyên là cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đó cũng là cơ sở để bà con các dân tộc Tây nguyên bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, góp phần làm nên bản sắc văn hóa VN.

T.NGUYÊN - M.DƯỠNG

Tây nguyên với những tên đất, tên người gắn với lịch sử cả dân tộc như căn cứ Cư Pao, làng Stơr - An Khê, chiến thắng Đăk Pơ, Pleime và thung lũng Ia Drăng, Đắc Tô - Tân Cảnh và tên tuổi những người anh hùng, những người con ưu tú đã đi vào lịch sử đánh giặc giữ nước như anh hùng Núp, Bok Mêt, Nơ Trang Lơng, Rơ Ô Cheo, Kpa Klơng, anh hùng A Sanh - người lái đò đưa bộ đội vượt sông Pô Kô huyền thoại...

55 tham luận và ý kiến trình bày tại đại hội cho thấy Tây nguyên luôn là một sức mạnh tiềm tàng của lòng yêu nước, một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ. “Mỗi tên núi, tên sông, tên buôn, tên làng trên cao nguyên hùng vĩ này là một nhân chứng lịch sử, là một bản anh hùng ca về lòng yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về mối tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc, các tôn giáo, giữa đồng bào Bắc - Nam ruột thịt” - Chủ tịch nước Trần Đức Lương khẳng định.

Vòng tay Tây nguyên

Tây nguyên trong những năm qua như vòng tay bao dung của người mẹ đón những đứa con lầm lạc trở về để rồi trở thành những người tốt. Y Yip (đại biểu Gia Lai) trình bày một tham luận xúc động.

Anh trở về buôn làng sau 10 năm theo bọn phản động Fulro, được chúng phong là thiếu tá. Yip được Nhà nước khoan hồng, được dân làng giúp đỡ làm ăn. Bây giờ gia đình anh đã khá giả, các con anh học hành giỏi giang.

Bà H’Peo Êban (đại biểu tỉnh Đắc Lắc) ngày trước mấy mẹ con thiếu ăn, quanh năm đi hái măng rừng, đào củ mài trong rừng sâu. Nhờ Nhà nước cho vay vốn, dân làng góp công góp sức, giờ đây gia đình bà đã có thu nhập trên 100 triệu đồng từ 2ha cao su tiểu điền, 2ha cà phê, ba sào ruộng.

Gia đình bà đã có hai con làm giáo viên, hai người con khác là cán bộ ở Cư M’Gar, một người là kỹ sư nông nghiệp. Bà là một tấm gương điển hình về hoạt động tương thân tương trợ của buôn làng.

Rất nhiều điển hình về sản xuất giỏi, về những hoạt động tích cực nhằm thắt chặt tình đoàn kết keo sơn các dân tộc. Tất cả đã nói lên sức mạnh Tây nguyên. Sức mạnh đoàn kết đã làm nên một Tây nguyên anh hùng hôm qua - một Tây nguyên giàu đẹp hôm nay.

BẢO TRUNG

Ảnh: T.T.D.

Sáng 28-3, trước thời điểm khai mạc Đại hội đại đoàn kết các dân tộc Tây nguyên, tỉnh Gia Lai đã khánh thành tấm bia đá ghi tạc thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại thành phố Pleiku.

Tấm bia đá ghi tạc thư Bác Hồ là công trình mang tính nhân văn sâu sắc, có giá trị về tinh thần đoàn kết và yêu nước nồng nàn của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bia đá ghi toàn văn thư Hồ Chủ tịch gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (19-4-1946) là một tấm bia đá nguyên khối cao 6,1m, rộng 2,9m, dày 1,5m, nặng 60 tấn. Tấm bia đá này được đưa vào từ Thanh Hóa, đặt trang trọng tại khuôn viên Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai (1 Hai Bà Trưng, TP Pleiku).

Đây là công trình chào mừng Đại hội đại đoàn kết các dân tộc Tây nguyên, là biểu tượng của lòng dân Tây nguyên đoàn kết một lòng sắt son đi theo Đảng, Bác Hồ.

>> Đêm hội Cồng chiêng giữa Tây nguyên đại ngàn
>> Ngày hội của tình đoàn kết dân tộc
>> Cồng chiêng Tây Nguyên trong ngày hội lớn