Xem Romeo và Juliet: Phiêu diêu với cái lạ
Các Website khác - 29/05/2006

 

Hận thù của hai dòng họ được hóa giải bằng một bi kịch tình yêu - "rượu" cũ nhưng đựng trong cái "bình Việt" rất lạ - Ảnh: H.O.

TT - Từ cách đây hai tháng, dư luận đã rộ lên chuyện hai đạo diễn Mỹ tự bỏ tiền túi sang VN dựng vở kịch kinh điển Romeo và Juliet theo phong cách Việt.

Sau những ngày tập luyện miệt mài, cuối cùng vở cũng đã ra mắt tại sân khấu nhà hát Thế Giới Trẻ (Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) trong ba đêm 25, 26 và 27-5.

Phông sân khấu là một chiếc áo dài Việt cổ truyền được căng ra, hai mặt của một chiếc áo cứ được đẩy qua đẩy lại để thấy đằng sau vẻ hào nhoáng quí tộc là những ngục tù trong tâm hồn, khi người với người không đến được với nhau vì những hận thù truyền kiếp.

"Rượu" cũ nhưng “bình” rất mới và bắt mắt, vở kịch Romeo và Juliet kiểu Việt của hai đạo diễn Mark Woollett và Candace Clift vì thế được xem là một cơ hội để diễn viên và khán giả Việt phiêu diêu với cái lạ.

Đúng như lời hứa hẹn úp mở ban đầu, những "miếng" khá sốc đã được tung ra: Romeo mặc quần jean, áo pull phóng xe máy rất điệu nghệ từ ngoài... đường vào sân trường, cuộc ẩu đả của hai nhà Montague và Capulet xảy ra tại đây. Các khán giả đang đứng xem xung quanh tự nhiên được lôi ngay vào kịch, trong vai... đám đông tò mò trước cảnh ẩu đả.

Khi vào hồi hai của kịch với buổi yến tiệc của nhà Capulet, nhân vật Peter (người hầu nhà Capulet) đã lôi kéo khán giả rất tự nhiên: "Các anh, các chị lên trên lầu dự tiệc nào!" (trên lầu là khán phòng của nhà hát Thế Giới Trẻ). Màn di chuyển sân khấu khá độc đáo ấy đã để lại ấn tượng thú vị nơi khán giả, không chỉ là chuyển đổi cảnh diễn mà còn chuyển đổi luôn không gian tiếp nhận của người xem.

Điều này tuy mới nhưng xem ra khó nhân rộng ở Việt Nam vì ý thức của khán giả chưa cao, nếu không khéo sẽ dễ dẫn đến tình trạng lộn xộn, ồn ào khi di chuyển, ảnh hưởng đến tiến độ của vở diễn.

Với ý tưởng về một sự vô định của không gian và thời gian nên bản dựng lần này của hai đạo diễn Mỹ đã cứ thế mà "tung hoành" với những điều có vẻ... rất vô lý: Romeo chạy xe tay ga đời mới nhưng lại chiến đấu bằng kiếm trên nền nhạc disco; buổi khiêu vũ ở nhà Capulet quí tộc của nước Ý lại có những điệu múa cung đình Huế; những công tử, tiểu thư của thành Verona lại ăn mặc rất hợp mốt Hàn; những bá tước, hầu tước thì chỉnh tề áo dài khăn đóng, còn vị chủ thành đáng kính lại lộng lẫy như một diễn viên cải lương...

Nếu không có hai chữ "thể nghiệm" được đóng dấu từ trước thì có lẽ khó mà hình dung đây là một vở chính kịch nghiêm túc. Ở nhiều lớp diễn, khán giả cười ồ lên và đó là điều không mong muốn của những người làm bi kịch kinh điển.

Giá như cứ để một mình Lan Phương hay Anh Thơ đóng Juliet trọn vở thì sẽ không có cảm giác chông chênh khi thay người giữa chừng, giá như nhân vật tu sĩ Lawrence cứ để cho một nam diễn viên đảm nhận và khai thác rõ hơn khía cạnh nội tâm, giá như nhân vật nhũ mẫu (Thùy Dương đóng) tiết chế bớt việc gào thét, giá như đài từ sân khấu của họ chỉn chu hơn một chút...

Nhưng dù gì, với một dàn diễn viên trẻ chủ yếu là các sinh viên đang theo học tại trường, hóa thân vào những vai diễn lạ trong một vở kịch lạ mà làm chủ được một sân khấu hộp không micro như vậy là tương đối ổn.

Theo lời của trợ lý đạo diễn Hồ Minh Thương thì họ cũng đã đáp ứng được khoảng 70% yêu cầu của hai đạo diễn Mỹ, vấn đề còn lại là nỗ lực tìm tòi và niềm say mê nghệ thuật.

Không dám khẳng định cái lạ này là chân lý, cũng không dám chắc các diễn viên của nhà hát Thế Giới Ttrẻ sẽ vì thế mà diễn tốt hơn, nhưng trong tình hình các sân khấu thành phố đang sáng đèn hằng đêm với những vở hài nhẹ hẫng thì sự xuất hiện của những gì thể nghiệm và không toan tính vẫn là điều đáng quí.           

HOÀNG OANH