''Cây cao bóng cả'' khắp nơi mang NGHỀ về dự hội
Các Website khác - 29/09/2005
Tai nghe, mắt thấy, tay... nâng niu sản phẩm làng nghề (Ảnh: Lê Anh Dzũng).

(VietNamNet) - Tối qua (28/9), khuôn viên Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật VN (số 2 Hoa Lư - Hà Nội) đã thực sự trở thành đêm hội của các nghệ nhân cao tuổi đến từ khắp miền đất nước.

Các nghệ nhân người Kinh, người Mường, người Thái, người Chăm... vượt ngàn dặm xa, vẫn tươi như hoa, nâng niu các sản phẩm chính tay họ làm: những chiếc lều lá, đèn tre, bộ bình ''Thiếu nữ''; từng mảnh chăn lụa ''Hạnh phúc'', túi cói đan ren, vòng cổ ''Sương thu'' bằng vỏ ốc, bạc, đá màu...

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị và nhiều lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể và đông đảo người dân đã đến chia vui cùng ''Ngày hội người cao tuổi với phát triển làng nghề Việt Nam'' này.

Tại đây, người ta thấy sự xuất hiện trở lại đầy rạng rỡ của sản phẩm nhiều làng nghề tưởng đã mai một như: gốm Chu Đậu... và cả những nghề mới tinh như: trồng cây hông lấy gỗ...

Những chiếc vòng trang sức thủ công mỹ nghệ cuốn hút các ''kiều nữ'' (Ảnh: Lê Anh Dzũng).

Cũng trong buổi tối hôm qua, lễ trao giải cuộc thi ''Sáng tạo kiểu dáng sản phẩm'' trong khuôn khổ chương trình ''Tôn vinh thủ công mỹ nghệ - làng nghề Việt Nam'' đã diễn ra. Từ 834 tác phẩm ''hand-made'' (dưới dạng bản ảnh) nhận được của các nghệ nhân mọi miền suốt từ khi phát động cuộc thi vào tháng 5/2005, Ban giám khảo (gồm nhiều nhà chuyên môn trong và ngoài nước) đã chọn ra 70 sản phẩm xứng đáng nhận giải ''Chữ V vàng''.

Đặc biệt, ngoài 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích, cuộc thi còn có 1 giải ''Sản phẩm dành cho thị trường Nhật'' và 5 giải cho việc sử dụng nguyên liệu độc đáo. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng tặng riêng 5 giải cho các sản phẩm có tiềm năng mở ra hướng phát triển mới cho làng nghề Việt Nam.

Các nghệ nhân đang giới thiệu sản phẩm gốm Chu Đậu (Ảnh: Lê Anh Dzũng).

Theo ông Phạm Gia Túc, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong tình hình tất cả các doanh nghiệp, làng nghề trên thế giới đều đang phải đối mặt với thách thức của quá trình toàn cầu hóa - việc tạo dựng thương hiệu cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có mẫu mã đẹp, hữu dụng, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường quốc tế là một việc làm cần thiết và đúng lúc.

Bộ bàn ghế mây tre vừa dân tộc, vừa hiện đại (Ảnh: Lê Anh Dzũng).
Đây là lần thứ 2 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức cuộc thi này. Tuy mới mẻ nhưng giải thưởng ''Chữ V vàng - Golden V'' đã được các nhà sản xuất, thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam coi là cầu nối quan trọng giữa văn hóa Việt và thị hiếu khách hàng thế giới.

''Ngày hội người cao tuổi với phát triển làng nghề Việt Nam'' còn kéo dài đến hết ngày 2/10/2005. Ngoài việc giới thiệu và bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề, các nghệ nhân còn tham gia các trò chơi dân gian, khám chữa bệnh đông y và dạ hội ''Người cao tuổi Việt Nam hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội''.

  • Hoàng Huy