Đa dạng hóa mô hình giải quyết việc làm
Các Website khác - 13/09/2005
Biểu đồ tỷ lệ thất nghiệp những năm gần đây luôn ở đường cong đi xuống; dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị cả nước năm 2005 ở mức 5,4%, một tỷ lệ chứng tỏ chúng ta bước đầu kiểm soát được tình trạng thất nghiệp. Trong năm năm (2001 - 2005), cả nước đã tạo ra được 7,5 triệu chỗ làm việc cho người lao động, trung bình mỗi năm 1,5 triệu người có việc làm.
Nhiều cách tạo việc làm mới

Chúng tôi về Quảng Ninh, một địa phương những năm gần đây có nhiều nỗ lực giải quyết việc làm. Ông Hà Minh Tâm, cán bộ Sở LÐ-TB và XH Quảng Ninh, cho biết: Từ tháng 1-2005 đến nay, Quảng Ninh đã giải quyết việc làm cho 16.600 người, gần đạt mục tiêu phấn đấu của năm 2005 là 22 nghìn lao động. Hướng tạo việc làm của Quảng Ninh khá đa dạng như theo dự án, doanh nghiệp đầu tư mới và mở rộng sản xuất, phát triển làng nghề và dịch vụ. Bên cạnh đó, Quảng Ninh làm tốt chương trình cho vay tạo việc làm theo dự án nhỏ, với 124 dự án, trị giá 7,8 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.200 lao động, chủ yếu ở khu vực sản xuất thủ công nghiệp, cơ khí nhỏ, chế biến nông sản, chăn nuôi và nuôi trồng hải sản.

Các nhà khoa học lao động cho rằng, xã hội thêm một người trong độ tuổi lao động có việc làm và thu nhập, không những nuôi được người đó, mà còn nuôi thêm được một người nữa. Ngược lại, một người thất nghiệp không những không thể nuôi mình, còn tiêu tốn ít nhất bằng một mức lương tối thiểu (300 nghìn đồng/tháng) và "ăn vào" vốn của gia đình và xã hội.


Chúng tôi về Công ty than Khe Chàm, chuyên khai thác than hầm lò. Từ đầu năm đến nay, công ty đã nhận hơn 300 lao động có nghề vào làm việc. Không chỉ ở Khe Chàm, mà cả ở ngành than cũng vậy, khai thác than bây giờ đã bớt cực nhọc, vì đã đưa vào sử dụng công nghệ, thiết bị khai thác than hiện đại, giảm hẳn sức người. Thế nhưng, tại sao ngành than vẫn tuyển thêm hàng nghìn lao động? Chính là do nhu cầu phát triển sản xuất, sản lượng khai thác than hằng năm tăng nhanh, năm 2005 dự kiến khai thác 30 triệu tấn than. Mỏ Khe Chàm cũng vậy, sản lượng than khai thác trước đây chỉ đạt 300 hoặc 400 nghìn tấn/năm, năm 2005 dự kiến khai thác 800 nghìn tấn, mỏ đang đầu tư mở rộng giếng lò mới để từng bước đưa sản lượng than khai thác lên một triệu, rồi hơn một triệu tấn/năm. Vì thế, mà tạo ra được việc làm cho người lao động. Ði đôi với phát triển sản xuất, tạo việc làm, mỏ Khe Chàm rất quan tâm đời sống của người lao động làm than, từ cung cấp đủ quần áo bảo hộ lao động, bữa ăn giữa ca, có nước phục vụ tắm giặt thoải mái... Thu nhập bình quân của lao động hầm lò ở đây đạt tới hơn bốn triệu đồng/tháng, không những đủ nuôi bản thân, còn chăm lo cuộc sống cho nhiều người khác trong gia đình.

Chúng tôi đến thăm Công ty cổ phần phát triển công nghiệp Cẩm Phả, một doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhưng rất nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh đa dạng, vì vậy thu hút hàng trăm lao động đến làm việc. Phó giám đốc Công ty Trần Ðức Nhượng cho biết: Vì là sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, cho nên lao động của công ty khá đa dạng, từ thợ kỹ thuật, thợ xe, máy đến nhiều loại thợ phổ thông khác. Ðặc biệt, do tạo được sự tin cậy đối với Tổng Công ty than Việt Nam, doanh nghiệp này đã ký được hợp đồng sàng tuyển than ở các bãi thải, than thì đem bán, còn đá, đất sỏi thì đổ chân ven biển theo quy định của tỉnh. Vì thế, doanh nghiệp này đã tuyển hơn 600 lao động ở Cẩm Phả (chủ yếu là vợ thợ hầm lò hoặc vợ công nhân mỏ đang thất nghiệp ở nhà) vào làm, có thu nhập gần một triệu đồng/tháng. Mà lượng đất, đá trong bãi thải ở ngành than nhiều lắm, tới hàng chục triệu m3, làm nhiều năm cũng không hết. Doanh nghiệp có kế hoạch liên doanh với công ty ở Trung Quốc sản xuất gạch từ nguyên liệu đất, đá bãi thải, tăng giá trị kinh tế lên rất nhiều, vừa làm sạch môi trường, vừa có sản phẩm phục vụ xã hội. Nói như thế để thấy rằng, trong cuộc sống, luôn nảy sinh cơ hội làm ăn, từ phế liệu vẫn có thể làm ra sản phẩm có ích, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Chúng tôi còn được biết, ở Quảng Ninh cũng như ở nhiều vùng khác trong cả nước, thanh niên bây giờ đã biết kén nghề, nhiều người không chịu làm những việc vất vả, lương thấp, mà chịu khó rèn nghề thành tài để được chủ sử dụng lao động tuyển chọn vào những vị trí làm việc đòi hỏi có kỹ thuật, thu nhập khá hơn.

Mở rộng xuất khẩu lao động

Bên cạnh giải quyết tốt việc làm ở trong nước, nhu cầu tất yếu của một quốc gia đang phát triển là đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Thị trường việc làm của lao động Việt Nam, mặc dù gặp khó khăn, nhưng vẫn có khả năng phát triển, nếu như lao động Việt Nam giữ được phong cách làm việc cần cù, sáng tạo, nâng cao tính kỷ luật và rèn giũa thêm trình độ tay nghề, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ.

Trong hai năm (2004 - 2005), xã Ðông Tân (Ðông Hưng, Thái Bình) đưa được gần 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài (chủ yếu là ở Malaysia), nhưng số tiền lao động gửi về cho gia đình tới hơn 12 tỷ đồng/năm, gần bằng giá trị sản xuất nông nghiệp của 6.800 gia đình làm ra trong một năm là 16 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hoàng Hiển, Giám đốc Sở LÐ-TB và XH Phú Thọ, một địa phương làm rất hiệu quả công tác xuất khẩu lao động (XKLÐ), cho biết: Nhờ nhận thức đúng và thực hiện tốt chương trình XKLÐ, từ năm 2002 đến nay, Phú Thọ đưa 7.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mỗi năm, Phú Thọ nhận được hàng trăm tỷ đồng của lao động gửi về, góp phần đáng kể vào XÐGN, cải thiện cuộc sống của nông dân và khu vực nông thôn. Chúng tôi về gia đình bác Lê Minh Phương ở thôn Văn Ðiểm, xã Vĩnh Lại (Lâm Thao, Phú Thọ) có bốn con trai, một đã có việc làm ở quê nhà, ba con của bác đang có việc làm ổn định ở Malaysia, dù thu nhập không cao so với lao động ở một số quốc gia khác, nhưng bác Phương nói hạnh phúc nhất là mọi người trong gia đình đều có việc làm, có thu nhập và cuộc sống yên ổn, không vướng vào tệ nạn xã hội. Ở thị trấn Tràm Chim (Tam Nông, Ðồng Tháp), đảng bộ, chính quyền và MTTQ thị trấn rất quan tâm vấn đề giải quyết việc làm, nhất là khuyến khích người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mới thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền có nhận thức đúng, có kế hoạch thực hiện tốt, ở đấy, người lao động không sợ thiếu việc làm. Nguyễn Thanh Khâm, Chủ tịch UBND thị trấn Tràm Chim, cho biết: XKLÐ không những tạo việc làm, mà còn là giúp người nghèo xóa đói, giảm nghèo. Dù mới tham gia chương trình XKLÐ, nhưng Tràm Chim đã đưa được hàng chục con em hộ nghèo đi làm việc ở nước ngoài, một số người đã có thu nhập, gửi tiền về giúp cha mẹ sửa chữa nhà ở, cải thiện cuộc sống. Khi chúng tôi ở đây, UBND thị trấn Tràm Chim cũng đang tuyển chọn gần 600 lao động trẻ cung ứng cho các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Bình Dương. Ði cả hai chân: tạo việc làm ở quê nhà, cung ứng lao động cho các khu công nghiệp trong nước, đồng thời khuyến khích lao động đi làm việc ở nước ngoài là hướng đi thực tế và hiệu quả trong lĩnh vực giải quyết việc làm.

Trong những năm tới (2006 - 2010), Nhà nước ta phải tạo việc làm cho tám triệu lao động, trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người, phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp trong cả nước xuống dưới 5%. Ðây là vấn đề bức xúc, nhưng không khó vượt qua, vấn đề là Nhà nước, cộng đồng xã hội, gia đình và bản thân người lao động đều tự chủ, năng động, tìm cho mình một việc làm phù hợp, sống được và phát triển sự nghiệp theo nghề nghiệp mà mình đã chọn.