 Ðược sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2-6-2004, Bộ LÐ-TB và XH (Việt Nam) đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Lao động (Hàn Quốc) về việc đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Luật cấp phép, bắt đầu thực hiện từ tháng 8-2004. Từ năm 1993 đến nay, hơn 27 nghìn lao động Việt Nam đã vào Hàn Quốc làm việc theo con đường tu nghiệp sinh (TNS) dưới danh nghĩa học nghề kết hợp lao động. Năm 2004, Chính phủ Hàn Quốc quyết định sẽ từng bước dừng và bỏ hẳn chế độ TNS. Thay vào đó, Hàn Quốc nhận trực tiếp lao động theo Luật cấp phép. Ðược sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2-6-2004, Bộ LÐ-TB và XH (Việt Nam) đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Lao động (Hàn Quốc) về việc đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Luật cấp phép, bắt đầu thực hiện từ tháng 8-2004. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LÐ-TB và XH làm việc với các bộ Quốc phòng, Công an tuyển chọn lao động là bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ; học sinh học nghề dài hạn ở các trường dạy nghề. Phía Hàn Quốc chấp nhận cách làm này của Việt Nam vì giúp nâng cao tính kỷ luật và trình độ tay nghề của lao động Việt Nam. Phóng viên báo Nhân Dân đã phỏng vấn Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nướcNguyễn Thanh Hòa (Bộ LÐ-TB và XH) chung quanh vấn đề nêu trên. Hỏi: Ðề nghị Cục trưởng cho biết kết quả cụ thể sau một năm đưa lao động Việt Nam vào Hàn Quốc làm việc theo Luật cấp phép của Hàn Quốc? Trả lời: Chương trình đưa lao động Việt Nam vào làm việc ở Hàn Quốc theo Luật cấp phép của bạn được bắt đầu từ tháng 8-2004. Từ tháng 8 đến 31-12-2004, chúng ta đưa 6.500 lao động vào Hàn Quốc làm việc (vượt chỉ tiêu 500 lao động). Từ tháng 1 đến 31-8-2005, phía Việt Nam đã giới thiệu gần 15 nghìn hồ sơ lao động, và phía Hàn Quốc đã chấp nhận 9.000 lao động trong số hồ sơ đó được sang Hàn Quốc làm việc, tỷ lệ chấp thuận đạt hơn 80%. Ðiều ấy chứng tỏ, cách tuyển chọn của Việt Nam là hợp lý, chất lượng lao động Việt Nam thông qua cách tuyển chọn này là rất tốt. Nhìn chung, lao động ta ở Hàn Quốc có việc làm ổn định, thu nhập khá cao, từ 800 đến 1.000 USD mỗi lao động/tháng. Hỏi: Thưa Cục trưởng, bên cạnh mặt thuận lợi và cách tuyển chọn hợp lý như kể trên, đã nảy sinh vấn đề gì cần lưu ý xem xét, và khắc phục ? Trả lời: Phải nói rằng, phía Hàn Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình thực hiện việc tuyển chọn lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Luật cấp phép có hiệu lực thi hành từ tháng 8-2004. Tuy nhiên, cuối tháng 7-2005, phía Hàn Quốc lại đề nghị Việt Nam thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về đợt kiểm tra tiếng Hàn Quốc của người lao động, theo đó người lao động muốn kiểm tra tiếng Hàn Quốc để đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này có thể tự do đăng ký trực tiếp với cơ quan kiểm tra của Hàn Quốc (Hội ngôn ngữ học Hàn Quốc), hoặc thông qua Website của tổ chức này với điều kiện phải đủ sức khỏe, có hộ chiếu và nộp phí 30 USD. Chúng tôi cho rằng việc nâng cao chất lượng tiếng Hàn Quốc cho người lao động đến Hàn Quốc làm việc là cần thiết, nhưng việc đăng ký tự do (trong điều kiện Việt Nam hiện nay) sẽ gây lãng phí, vì chắc chắn số lượng lao động đăng ký để học, dự kiểm tra tiếng Hàn Quốc, khám sức khỏe và làm hộ chiếu rất nhiều, nhưng số lao động được đi có giới hạn vì phía Hàn Quốc đã ấn định. Ðồng thời, cách làm này sẽ tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân xấu lợi dụng, lừa đảo người lao động. Hơn nữa, do mức độ phổ cập tin học ở Việt Nam còn chưa cao, cho nên, lao động ở nhiều vùng quê của Việt Nam chưa thể có điều kiện đăng ký xin học, và dự thi tiếng Hàn Quốc. Vì những lẽ đó, phía Việt Nam đã đề nghị Hàn Quốc tiếp tục chấp nhận cách làm hợp lý, phù hợp điều kiện Việt Nam trong thời điểm hiện nay. Ðồng thời, chúng tôi ghi nhận đề nghị về cách làm của Hàn Quốc, sẽ thực hiện từng bước, khi điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam cho phép. Hỏi: Ðề nghị Cục trưởng giải thích rõ hơn, vì sao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LÐ-TB và XH chỉ tuyển đối tượng bộ đội xuất ngũ, học sinh học nghề đi lao động ở Hàn Quốc, mà chưa mở rộng tới các đối tượng khác? Trả lời: Thời gian qua, lao động nước ta vào Hàn Quốc theo con đường TNS do các doanh nghiệp XKLÐ thực hiện đã tỏ ra hạn chế về ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật, thường vi phạm hợp đồng ra cư trú bất hợp pháp. Mặt khác, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề trước khi đi làm việc ở nước ngoài còn thấp. Chủ trương của Nhà nước ta là bằng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu để nâng cao hiệu quả của XKLÐ, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động, tăng cường khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam với lao động của các nước XKLÐ trong khu vực. Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tuyển chọn những đối tượng là chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đã hoàn thành nghĩa vụ, vừa ra quân và học sinh đang học nghề không những góp phần khắc phục những mặt hạn chế nêu trên mà thông qua đó còn thực hiện chính sách công bằng xã hội, góp phần động viên thanh niên chấp hành, thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, tích cực tham gia học nghề để lập thân, lập nghiệp. Thông qua báo Nhân Dân, chúng tôi đề nghị các gia đình và người lao động ủng hộ chủ trương đúng đắn nêu trên; đồng thời để mọi người trong xã hội hiểu rõ đối tượng, quy trình tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc năm 2005 nhằm tránh bị một số tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLÐ và không được tham gia chương trình lợi dụng để lừa đảo.
|