Năm mới về đâu?
Các Website khác - 02/01/2009
 Thường thì đầu năm mới là thời điểm công nhân làm không hết việc, nhưng năm nay họ đứng trước nguy cơ mất việc làm do doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công để đối phó với “cơn bão” khủng hoảng tài chính thế giới. Nhiều người tính nước về quê, không ít người cố bám thành phố để mong “sau cơn mưa trời lại sáng”, họ được nhận trở lại làm việc.
Đó là những cảnh đời công nhân được phóng viên Báo GĐ&XH ghi nhận ở một số Khu công nghiệp của 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Khổ sở vì mất việc…

Chị Linh, SN 1986, quê ở Phú Thọ, lấy anh Giáo, SN 1983, ở Sóc Sơn, Hà Nội và cả hai đều làm ở Công ty FuJikin. Phòng trọ của hai vợ chồng rộng khoảng 10m2, chẳng khác gì nhà trọ của sinh viên nghèo. Tài sản của họ chỉ là 1 chiếc bếp dầu, lọ nước mắm, bao gạo, vài chiếc nồi, một chiếc tủ vải đựng quần áo, giường không có nệm và 1 tấm chăn mỏng.
 
Hỏi Linh về những khó khăn của hai vợ chồng, giọng Linh buồn rầu, lo lắng: “Ở đây mất việc thì chỉ còn nước ra đường nhặt rác. Hôm qua, ông quản đốc vừa nói cho mọi người biết về tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới. Công ty bên cạnh công ty em chẳng có việc làm, mỗi người làm một nilon đi nhặt rác phế liệu kiếm thêm thu nhập”.

Công ty mà vợ chồng Linh làm việc có 400 công nhân, mỗi tháng thu nhập khoảng 1.400.000 - 1.500.000 đồng. Tình trạng mất việc diễn ra thường xuyên, hai vợ chồng thu nhập bấp bênh nên chỉ có thể duy trì một cuộc sống tạm bợ. Linh nói: “Nếu mất việc thì em sẽ về quê rồi tính sau. Mới cưới nên nợ nần nhiều, về quê cũng chẳng biết làm gì để trả nợ”. Được nghỉ Tết dương lịch những 8 ngày, do sức khoẻ không tốt nên Linh ở nhà, còn chồng cô phải cùng bạn ra ngoài kiếm việc làm thêm để lo cho cái Tết Nguyên đán đang sầm sập đến.
 

Những sạp quần áo tạm bợ là nơi để nhiều công nhân nghèo sắm Tết.


Vợ chồng Trần Thị Huyền và Lê Tuấn Nghĩa cùng là công nhân của Công ty ToTo. Hai vợ chồng có 1 con nhỏ gửi ở quê cho ông bà nuôi. Làm việc được 3 - 4 năm nay nhưng lương của hai vợ chồng cộng lại mỗi tháng chưa đầy 3 triệu. Họ phải thuê phòng trọ mất 400.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước và chi phí ăn uống.
 
Huyền kể: “Những ngày có việc làm thì còn đảm bảo thu nhập, chứ nghỉ việc nhiều như dịp này thì không biết tương lai ra sao. Mà nguy cơ mất việc đã được lãnh đạo công ty thông qua, thậm chí công ty em còn khuyến khích công nhân viết đơn xin nghỉ việc trước hợp đồng sẽ hưởng lương 70% trong 3 tháng. Nhưng cũng chẳng mấy ai làm điều đó. Vì mất việc chúng em biết làm gì, trình độ không có, công việc đặc thù của chúng em chẳng biết sử dụng vào việc gì cả”.

… Khó càng thêm khó

“Khủng hoảng kinh tế và tình trạng mất việc làm tôi cũng chỉ nghe qua người quản đốc” - anh Hưng, công nhân thuê trọ ở thôn Bầu tâm sự. Không nghe đài, không đọc báo, không xem ti vi là tình trạng chung của nhiều công nhân ở các khu công nghiệp. Không phải vì họ không có nhu cầu mà vì điều kiện làm việc và thu nhập. “Số tiền lương ít chỉ đủ trang trải cuộc sống tằn tiện nhất, tiền đâu mà mua ti vi và sách báo”- anh Hưng nói. Vợ chồng anh Hưng, chị Huyền thuê căn phòng rộng 10m2. Họ có 1 con nhỏ chưa đầy 1 tuổi, vừa rồi lại nhỡ kế hoạch có thêm đứa thứ 2.

Theo ông Lê Văn Cảnh, ở đội 5, thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội, người dân thôn Bầu chủ yếu sống nhờ vào việc cho công nhân thuê nhà trọ. Nếu công nhân mất việc làm thì cuộc sống của các chủ nhà trọ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Gia đình ông Cảnh có 10 phòng cho thuê, giá 350.000 đồng/phòng/tháng. Khi nghe chị Huyền, anh Hưng nói ra năm công ty anh chị sẽ giảm 30% số lao động, ông Cảnh vừa lo cho khách trọ vừa lo cho mình.
 
Chưa hết, những ngày cuối năm, xóm trọ của thôn Bầu lại bị trộm “ghé thăm” thường xuyên. Ông Cảnh uất ức: “Đúng là chó cắn áo rách, các cháu công nhân vất vả, tài sản có gì ngoài mấy bộ quần áo và chiếc xe đạp đi làm. Thế mà vẫn mất trộm thường xuyên đấy!”. “Công nhân chỉ đủ tiền mua quần áo rẻ tiền hoặc quần áo cũ rồi về luộc lại cho sạch sẽ”- chị Thuỷ, bán hàng ở khu vực chợ công nhân xã Kim Chung chia sẻ. Mỗi chiếc áo len, hoặc áo khoác được bán với giá 40.000 đồng/chiếc. Quần áo trẻ con cũng được bày bán rất rẻ, phù hợp với túi tiền của công nhân.
 

Khu nhà trọ nghèo thường xuyên bị trộm "viếng thăm".

 
Chị Thiện, 27 tuổi,  làm công nhân của công ty lắp ráp điện thoại cho biết, mùa đông năm nay, chị chỉ mua được cho con 2 cái áo cũ rồi về nấu lại để đảm bảo vệ sinh. “Việc làm của bố mẹ ngày có ngày không, lương chỉ đủ trả tiền nhà và ăn uống, lấy đâu ra mua sắm đồ mới cho con”- chị Thiện nói chua xót.
 
Do tình trạng mất việc nên nhiều người không về quê mà ở lại khu nhà trọ tìm những việc làm khác để chờ cơ hội quay lại với nghề công nhân. Vợ chồng anh Hoàng, cùng làm ở Công ty Canon, vợ mất việc nên đi buôn rau ở chợ, còn chồng thì đi bán điện thoại di động thuê. 

Chợ công nhân ở thôn Bầu, xã Kim Chung cuối năm buồn tẻ, từng tốp công nhân đi lại ngắm nghía nhưng ít ai mua. Có thể họ đi để giết thời gian rỗi rãi của những ngày tháng ít việc làm.
 
Rất nhiều doanh nghiệp đã thông báo cắt giảm lao động do sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, như Công ty Canon (KCN Thăng Long), với khoảng 2.000 lao động, Công ty Nissei Electric khoảng 300 lao động... hoặc tạm ngưng việc hoặc nghỉ việc ăn lương từ 50-70%. Công ty đèn hình Orion - Hanel ở KCN Sài Đồng B (Long Biên) vừa phá sản cũng khiến hàng nghìn lao động bơ vơ. 
 
(Thống kê của Ban quản lý các KCN-KCX  Hà Nội)
 
(Còn tiếp)
Theo Giadinh.net