Dịch vụ buồn
Các Website khác - 26/12/2008

Số lượng công nhân mất việc lên đường về quê ngày càng nhiều khiến cho chủ các cơ sở dịch vụ phục vụ công nhân như nhà trọ, chợ, quán ăn cũng đứng trước nguy cơ thất nghiệp

Ám ảnh thất nghiệp

Những dây chuyền may ngày càng thưa vắng công nhân. Ảnh: B.M

Chị Trần Thị Xuân quê ở Thanh Hoá, làm công nhân cho công ty Sangtain khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương, được ba năm kể: “Hơn tháng nay công ty của chị không có đơn hàng. Tuần trước công ty đưa giấy xuống thông báo tuần làm, tuần nghỉ. Tuần nào làm thì hưởng lương hết, còn tuần nghỉ thì hưởng 50% lương, ai đồng ý thì ký vào làm tiếp còn không đồng ý thì nghỉ hẳn”. Lương căn bản của chị Xuân chỉ có 1,1 triệu đồng một tháng, không đủ sống khi giá cả leo thang hồi giữa năm, nay cũng không dư được mấy khiến chị càng lo hơn. Khoảng năm tháng nữa, chị Xuân phải nghỉ làm để sinh em bé. Tất cả khoản chi trong thời gian tới trông cậy vào lương của chồng cũng làm công nhân cho một công ty gỗ của Đài Loan. Thế nhưng, mấy ngày trước chồng chị chẳng may vi phạm một lỗi nhỏ liền bị công ty cho thôi việc. Chị nói: “Năm nay việc ít người nhiều, không khéo là công ty sa thải mình luôn”. Khi hỏi về những dự định sắp tới, chị Xuân chỉ biết trông chờ vào vận may cho người chồng kiếm được chỗ làm mới. Nếu không, theo chị, hai vợ chồng đành phải dắt díu về quê, sống tạm theo kiểu “có gì ăn nấy”.

Anh Lê Văn Thống, công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần được gần hai năm, cho biết, đa số các công ty đều muốn giảm biên chế. Vài tháng nay, cảnh đưa bạn về quê là chuyện thường xảy ra với anh. May mắn hơn mấy người bạn vì vẫn còn việc làm, nhưng theo anh, cũng không biết chắc có tránh được cảnh thất nghiệp hay không.

Buồn theo công nhân

Hai tháng nay, khu nhà trọ nơi anh Thông ở ngày càng vắng dần. Quãng đường chạy dọc khu dân cư tổ 16, ấp Đồng An, xã Bình Hoà huyện Thuận An, Bình Dương chỉ độ chừng hai cây số nhưng có đến cả trăm cái biển đề có phòng trọ cho thuê. Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, công nhân ở trọ khu này cho biết: “Ngày trước muốn tìm một phòng trọ mờ cả mắt cũng không ra, người mới phải ở ghép với người cũ. Giờ chỗ nào cũng có ba, bốn phòng để không. Phòng nào cũ quá chẳng ai thèm ngó ngàng tới”. Vắng khách, các quy định nghiêm ngặt như chỉ cho nữ thuê hay giới hạn giờ đóng cửa cũng phải nới lỏng dần. “Giờ nhiều chủ nhà trọ còn hạ giá để kéo người đến thuê”, chị Huyền nói.

Phòng trọ trống, chợ búa cũng chẳng hơn gì. Chợ 50, phục vụ chủ yếu cho công nhân, buổi chiều tan ca không khí vắng lặng không còn tiếng cười nói, tiếng í ới trả giá. Thỉnh thoảng vài tốp công nhân nữ ghé lại ở hàng rau, hàng trứng. Một bà bán thịt heo ngao ngán: “Qua tháng chắc còn ế hơn”. Buôn bán ế khiến cho tiền lãi hàng tháng phải trả của bà như to hẳn ra. Theo bà, hoàn cảnh của bà cũng chả khác gì công nhân ở đây. “Ai mong tết chứ tôi chả mong tí nào”, bà nói.

Không khá gì hơn hàng thịt, chị Phan Thị Hiến, mở quán giải khát được ba năm, cho biết, năm nay buôn bán ế ấm. Chị nói: “Tiền thuê mặt bằng cộng với tiền điện nước mỗi tháng ba triệu đồng, nhưng tháng rồi lỗ vì tiền mặt bằng”. Lỗ nhưng chị Hiến vẫn tiếp tục bán do hợp đồng thuê mặt bằng qua năm mới kết thúc. Chỉ tay vào mấy người khách đang uống nước trong quán, chị nói: “Cũng toàn công nhân chờ việc cả. Sáng giờ chỉ kêu mấy ly nước mía, rồi ngồi suốt buổi xem phim. Sang năm, cứ như vậy, thì tôi nghỉ bán về nhà lo cơm nước cho chồng con”.

Theo SGTT