Vừa ôn lại những ký ức về đời làm báo với sự lãnh đạo của Bác Hồ và các nhà cách mạng tiền bối, ông vừa liên hệ với thực tế: Trước kia, tiêu chí về cái đúng, cái sai nó rõ ràng...
Trong cuộc trò chuyện với Pháp luật TP.HCM về nhà báo và nghề báo nhân sinh nhật lần thứ 118 của Bác Hồ, nhà báo lão thành Đỗ Phượng - nguyên Tổng Giám đốc TTXVN khuyên các phóng viên trẻ như thế.
Bác yêu cầu luôn phải trung thực
. Thưa ông, chúng ta đang vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. với các nhà báo, cuộc vận động này có ý nghĩa như thế nào?
+ Sau khi có cuộc vận động, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức một hội thảo với chủ đề như anh vừa nêu. Lúc đó tôi có viết một bài gửi anh Lê Quốc Trung (Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam). Trong đó, tôi nói rằng đề tài hội thảo quá rộng, tư tưởng Hồ Chí Minh rộng lớn, bao la, không ai có thể học hết được, chỉ có thể tùy điều kiện, tùy trình độ mà chọn, học và làm theo những gì thật cụ thể mà thôi. Vì vậy, tôi chỉ kể một vài mẩu chuyện trong số rất nhiều kỷ niệm với Bác Hồ có liên quan đến đời làm báo của tôi và tôi không bình luận, phân tích gì thêm.
Tôi nhớ một chuyện lúc tôi làm Báo Cứu quốc ở Liên khu 3 (Việt Bắc). Trong điều kiện khó khăn nhưng chúng tôi viết rất hăng, báo ra hàng ngày. Một hôm, nhận được ý kiến của Bác Hồ. Trước hết là Bác khen ngợi anh em ra được báo hàng ngày, phản ánh nhiều sự kiện là rất tốt. Nhưng Bác lưu ý hai điểm: Thứ nhất là nhiều bài viết sử dụng ngôn từ và văn phong không sát với đối tượng đọc, khiến người ít chữ đọc không hiểu. Thứ hai là khi nêu những người tốt việc tốt thì lại có chuyện đem người nơi nọ gắn vào nơi kia. Cho dù đó đều là những chuyện thật nhưng không có người thực việc thực. Viết không đúng thì dân mất tin.
Sống bằng thông tin
. Có lúc nào ông thấy Bác Hồ giận vì bị giấu thông tin hoặc là thông tin đến muộn không?
+ Tôi nhớ một chuyện xảy ra năm 1968, một hôm Bác gọi sang TTXVN, chỉ nói một câu: “Sao các chú không gửi bản tin sang cho Bác...”. Nói một câu xong, Bác cúp máy xuống. Thì ra hôm đó Bác không nhận được bản tin của TTXVN. Lúc đó tình hình chiến sự rất ác liệt, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đang diễn biến phức tạp. Sức khỏe Bác yếu nên các đồng chí lãnh đạo không muốn Bác tiếp cận với những thông tin có thể làm Bác quá xúc động. Thế là Bác giận.
. Có nghĩa là báo chí lúc đó là một kênh thông tin vô cùng quan trọng của Bác?
+ Rất quan trọng. Đối với Bác thì sáng nào cũng phải đọc, tối cũng phải đọc. Tôi biết thông tin TTXVN gửi sang là Bác đọc hết. Mà không chỉ có mình Bác, đối với những nhà lãnh đạo tiền bối thì thông tin là không thể thiếu được. Anh Năm (Trường Chinh), anh Tô (Phạm Văn Đồng), anh Văn (Võ Nguyên Giáp), anh Ba (Lê Duẩn)... đọc thường xuyên và rất cẩn thận. Lúc Bác yếu, Bác vẫn làm việc và đề nghị phải báo cáo đầy đủ thông tin cho Bác. Bác nói rằng lãnh đạo mà không có thông tin thì như người vừa điếc vừa mù.
Sẵn sàng đối thoại với báo chí
. Bác Hồ và các nhà lãnh đạo tiền bối có thường từ chối trả lời báo chí không?
+ Không. Bác Hồ là người sẵn sàng gặp tất cả các báo, kể cả báo của địch. Bác luôn tế nhị trước các nhà báo.
Các nhà cách mạng tiền bối cũng thế, sẵn sàng trả lời báo chí và luôn biết cái gì trả lời, cái gì từ chối trả lời, cái gì nói thẳng đốp vào mặt người ta. Tôi nhớ có lần một phóng viên nước ngoài hỏi anh Tô rằng tại sao Mỹ rút khỏi miền Nam rồi mà quân đội miền Bắc Việt Nam vẫn ở lại. Anh Tô nói ngay: “anh đã suy nghĩ gì chưa mà anh đặt ra với tôi câu hỏi đó? Tôi nhắc lại một lần nữa, đây là đất nước Việt Nam, nơi nào trên đất nước tôi còn có kẻ xâm lược thì nơi đó có người Việt Nam chống xâm lược...”.
. Với những người lãnh đạo luôn sẵn sàng trả lời, người làm báo thật hạnh phúc?
+ Trước đây, bạn bè quốc tế là các nhà báo có nói với tôi như thế này: Các anh làm báo thật sung sướng và hạnh phúc vì lãnh đạo đất nước toàn những bậc thầy của báo chí. Từ Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng đến Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh... Các nhà lãnh đạo am hiểu về báo chí, am hiểu cả cách viết báo và nghệ thuật làm báo và đều là những người trực tiếp làm báo cho nên thông cảm sâu sắc với nhà báo...
Làm báo ngày trước ít nguy hiểm hơn
. Xét một cách toàn diện, ông có nghĩ rằng làm báo bây giờ khó hơn xưa?
+ Bây giờ các vấn đề báo chí phản ánh rộng rãi hơn, toàn diện hơn, phức tạp hơn, thông tin nhiều hơn chứ không phải như thời trước. Ngay chuyện một anh cán bộ, anh doanh nghiệp làm sai, đúng như thế nào cũng phải xem xét cẩn thận. Vì trước kia tiêu chí nó rõ ràng: làm thế này là đúng, làm thế kia là sai. Bây giờ tiêu chí nó cũng có nhưng rất là linh hoạt. Cơ chế thị trường và các quan hệ xã hội phức tạp hơn nên xem xét vấn đề nó không dễ dàng như trước.
Theo tôi, làm báo bây giờ khó hơn.
. Và nguy hiểm hơn?
+ Trong thời chiến tranh thì là sự nguy hiểm của bom đạn. Nhưng nói về nghề nghiệp thì ngày xưa làm báo không nguy hiểm như bây giờ.
. Tại sao, thưa ông?
+ Trước đây, các vấn đề xã hội đặt ra không khó và cách tiếp cận không phức tạp như bây giờ. Ngày xưa tôi là nhà báo đến gặp ông bí thư tỉnh ủy, ông chủ tịch xã hay gặp một người dân đều rất đơn giản. Nhưng bây giờ khó hơn. Bây giờ anh muốn gặp một người dân, một nhà doanh nghiệp mà đòi hỏi người ta nói thật hết với anh thì hơi khó. Ít nhất phải có sự tiếp cận nào đó, một sự tin cậy nào đó người ta mới nói cho anh sự thật về cái khó khăn, thuận lợi, phức tạp của cơ quan, của công ty người ta.
. Điều này có nguyên nhân từ đâu?
+ Cơ chế thị trường, đồng tiền chi phối. Cái ghế chi phối. Lợi ích cá nhân chi phối. Tất nhiên lúc nào cũng có tiêu cực nhưng ngày xưa người ta nghĩ đến giữ ghế ít lắm. Ghế tự nhiên nó đến, tự nhiên Đảng giao việc này, việc kia, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì rớt. Bây giờ thì khác rồi...
Sáng suốt trước rồi mới dũng cảm
. Thời của ông, vấn đề chống tiêu cực trên báo đã được đặt ra như thế nào?
+ Thực ra, vấn đề phê bình và tự phê bình đã xuất hiện từ những ngày đầu của nền báo chí cách mạng. Tôi nhớ, sau năm 1954 là thời kỳ khôi phục cho đến 1962, 1963 thì sự phê bình trên mặt báo tương đối cụ thể. Nhưng từ cuối 1963 trở đi thì giảm dần và rất ít.
. Vì sao vậy?
+ Thời điểm đó cuộc chiến tranh bước vào thời điểm ác liệt, chúng ta phải hạn chế việc phê bình, hạn chế nói về những nhược điểm công khai trên mặt báo. Nói ra trong hoàn cảnh chiến tranh là không tiện vì dễ bị địch lợi dụng.
. Như ông vừa nói thì trong cả một thời kỳ dài chúng ta rất ít đề cập đến việc phê bình nội bộ, chống tiêu cực nội bộ. Phải chăng lúc đó báo chí bị mất tính chiến đấu?
+ Tôi phải nói như thế này: Bên cạnh những tờ báo tiên phong chống tiêu cực, TTXVN lúc đó không đứng ngoài cuộc đấu tranh cho đổi mới, cũng có nhiều bài phê bình công khai, mạnh mẽ. Bị phê bình có cả bộ trưởng, chủ tịch tỉnh ... Đầu những năm tám mươi mà dám đánh như thế thì đó là những chuyện rất là ghê gớm chứ.
Tất nhiên, lúc đó và bây giờ, với người cầm bút thì khi đưa lên một vụ việc cũng nên cân nhắc lợi hại để điều chỉnh liều lượng của bài báo.
. Nếu như có một lời khuyên ngắn gọn cho người làm báo trẻ, ông khuyên gì để họ có thể tránh được những sai lầm và rủi ro?
+ Phải dũng cảm nhưng sáng suốt. Sáng suốt rồi mới dũng cảm.
. Xin cảm ơn ông.