Theo thống kê của IOM, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ buôn bán người cao nhất trên thế giới, trong đó ASEAN là một trong những khu vực xảy ra vấn nạn buôn bán người nhức nhối nhất. Trong số 2,5 triệu người bị buôn bán thì đa phần đến từ châu Á-Thái Bình Dương. Có 1/3 nạn nhân bị buôn bán là phụ nữ và trẻ em trên thế giới đến từ các quốc gia Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, theo tổng điều tra, rà soát năm 2016, trong 5 năm (2010-2015) có 2.596 trường hợp, trong đó có 1.162 nạn nhân; 1.414 người nghi bị mua bán và 26 người chưa thành niên trở về cùng nạn nhân. Các địa phương có nhiều nạn nhân nhất là Sơn La (367 người), Lào Cai (267), Nghệ An (263). Có tới 97% người bị buôn bán là phụ nữ.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Qua phân tích thì có tới 68% nạn nhân bị buôn bán là người chưa lập gia đình. Hầu hết nạn nhân đều có kinh tế khó khăn thuộc hộ nghèo (chiếm 84%), 71% là người làm ruộng hoặc không nghề nghiệp. Đa phần nạn nhân không biết chữ hoặc chỉ học xong tiểu học. Có 98% nạn nhân bị mua bán người ra nước ngoài, trong đó 90% là sang Trung Quốc.
Tại Thừa Thiên-Huế, trong những năm qua đã xảy ra 12 vụ liên quan đến tội phạm mua bán người, với hơn 50 nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài, còn số nạn nhân chưa lập hồ sơ ước tính trên 250 người, chủ yếu là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, nhiều nhất là huyện A Lưới với 30 nạn nhân. Tại Nghệ An, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm nay các cơ quan chức năng đã hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho 23 nạn nhân bị mua bán trở về.
Riêng một số địa phương đặc thù có đường biên giới giáp Trung Quốc như Lào Cai, Quảng Ninh, tình hình tội phạm mua bán người rất phức tạp, thường được tội phạm sử dụng làm nơi trung chuyển. Theo số liệu thống kê, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 609 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó số nạn nhân trong tỉnh là 265 người, số còn lại thuộc các tỉnh khác, có 2 nạn nhân là người Lào, 82% nạn nhân là người dân tộc thiểu số.
Tương tự, tại Quảng Ninh, giai đoạn 2011-2016, tỉnh này đã tiếp nhận 197 nạn nhân, trong đó 6 nạn nhân là người địa phương, còn lại là người các tỉnh thành khác. Riêng trong 8 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 34 nạn nhân bị mua bán trở về.
“Đa phần các trường hợp buôn bán đều nhằm mục đích cưỡng ép kết hôn và bóc lột tình dục (chiếm 80% nạn nhân). Có tới 60% nạn nhân được giải cứu hoặc trao trả song phương, chỉ có 40% là tự tìm được cách trở về”, ông Lê Đức Hiền cho biết.
Hiện Bộ LĐTB&XH đang triển khai đề án “Tiếp nhận xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. Theo đó, tất cả các nạn nhân khi trở về có khai báo và được hỗ trợ ban đầu về tâm lý và hòa nhập cộng đồng; đồng thời triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An…
Về một số giải pháp phòng, chống mua bán người trong thời gian tới, ông Phạm Văn Công, Cục Pháp chế và Cải cách thủ tục hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh, triệt phá, cần làm rõ các khái niệm mua bán người, xác định nạn nhân là trẻ em, cụ thể là độ tuổi trẻ em. “Điều này sẽ đặt ra yêu cầu: khi Việt Nam thực hiện công ước sẽ đặt ra vấn đề xử lý thế nào cho người từ độ tuổi 16-18 tuổi. Do vậy, nếu không làm rõ các khái niệm này sẽ khó có biện pháp phòng chống, xử lý” – ông Công nói.
Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai chia sẻ, ông đã tiếp cận với nhiều nạn nhân từ nhiều tỉnh thành của Trung Quốc trở về qua cửa khẩu Lào Cai. Qua hỗ trợ và tư vấn, đa phần nạn nhân không hiểu biết gì về buôn bán người và đều đến từ những vùng vùng khó khăn, gia đình nghèo khó. “Vì vậy, nên truyền thông tại cụm, truyền thông trực tiếp tại địa phương ở thôn, bản, đặc biệt là những vùng khó khăn để người dân hiểu và cảnh giác nhận thấy cạm bẫy buôn người mà đề phòng”, ông Long kiến nghị.
▪ Việt Nam tích cực tham gia Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người (30/09/2017)
▪ Cảnh sát Mỹ và ‘bài toán hóc búa’ về LGBTI (29/09/2017)
▪ 9 tháng đầu năm, công tác cai nghiện có nhiều chuyển biến (26/09/2017)
▪ Khuyến khích thành lập cơ sở trợ giúp xã hội (22/09/2017)
▪ Cuộc tìm kiếm những cô dâu Việt bị bắt cóc sang Trung Quốc (20/09/2017)
▪ 120 nghìn người đã được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV (16/09/2017)
▪ Phòng, chống HIV/AIDS: Cần lấp đầy những khoảng trống (15/09/2017)
▪ Ma túy trộn thuốc giảm đau nguy hiểm gấp 15 lần heroin (13/09/2017)
▪ Vì sao ADN là trợ thủ đắc lực trong giám định dấu vết tội phạm? (11/09/2017)
▪ Tham vấn Đề án Quốc gia về Phát triển trẻ thơ toàn diện (08/09/2017)