120 nghìn người đã được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV
Báo Tiếng Chuông - 16/09/2017
Đó là thành quả đạt được của công tác chăm sóc điều trị HIV/AIDS mà Bộ Y tế triển khai trong thời gian qua. Nhờ được điều trị ARV, số người tử vong do AIDS đã giảm đáng kể.

 

Tư vấn điều trị HIV cho người nhiễm. Ảnh: Thùy Chi

Bên cạnh đó, khi người bệnh được điều trị tốt, tải lượng HIV trong máu giảm xuống ở mức không đo đếm được đã khiến virus khó lây nhiễm cho người khác. Góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Công tác chăm sóc, điều trị HIV/AIDS được coi trọng triển khai từ những năm đầu của thế kỷ XX, lúc đầu chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, về sau mở rộng diện điều trị. Đến năm 2005 mới chỉ điều trị cho được 5.000 bệnh nhân tại các bệnh viện lớn của trung ương và một số bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố.

Tuy nhiên, từ năm 2016, với sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn của Chương trình hỗ trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) và Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét, Việt Nam đã mở rộng điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV trên phạm vi cả nước.

Điều trị ARV đã nhanh chóng cải thiện được sức khỏe cho người bệnh, giảm mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm tử vong và giảm lây nhiễm HIV. Chính vì vậy, điều trị ARV được xem là giải pháp dự phòng tích cực. Đến tháng 6/2015, Việt Nam đã đạt mốc điều trị cho 100.000 người nhiễm HIV và đến cuối năm 2015 điều trị cho 106.423 bệnh nhân, vượt mục tiêu kế hoạch quốc gia đề ra là 105.000 bệnh nhân. Đây là một nỗ lực vượt bậc và thành công đáng ghi nhận của hệ thống điều trị HIV/AIDS nước nhà.

Tiếp đà thành công, chương trình điều trị ARV đã được mở rộng liên tục, đến tháng 7/2017, trên toàn quốc có trên 119.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV. Việt Nam bắt đầu thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV thường quy cho bệnh nhân đang điều trị ARV trên toàn quốc. Tỷ lệ người bệnh đang điều trị ARV dưới ngưỡng ức chế (1000 bản copy/ml) là 94,2%.

Theo nghiên cứu theo dõi điều trị ARV tại Quảng Ninh bằng theo dõi đo tải lượng HIV, kết quả nghiên cứu cho thấy sau 6 tháng điều trị có 92,9% bệnh nhân có tải lượng virus dưới 200 copies/ml, sau 48 tháng điều trị tỷ lệ này tăng 96,7%. Với mức virus dưới 200 copies/ml thì tỷ lệ lây truyền HIV rất thấp dưới 1%. Do đó, theo nghiên cứu 96% bệnh nhân điều trị ARV không làm lây nhiễm HIV. Vì vậy, điều trị ARV sớm có tác dụng điều trị dự phòng lây nhiễm HIV.

Trong bối cảnh nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS hạn hẹp, nhờ triển khai mở rộng công tác chăm sóc, điều trị ARV, Việt Nam đã tránh cho 150.000 người thoát khỏi tử vong do AIDS trong vòng 15 năm qua. Người nhiễm HIV đã ngày càng tự tin hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia vào các hoạt động chăm sóc, điều trị và các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong cả nước.

Cùng với công tác điều trị ARV tại cộng đồng, chúng ta đã mở rộng điều trị trong các trại giam, trại tạm giam và Trung tâm 06, tạo môi trường thuận lợi để nâng cao sức khỏe cho các phạm nhân, ngăn chặn lây lan HIV trong khu vực khép kín.

Mặc dù đạt được những thành công, nhưng một điều đáng luu ý là trong hơn 10 năm qua, 80% chi phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và 95% kinh phí dành cho chăm sóc, điều trị ARV ở Việt Nam là dựa vào viện trợ quốc tế. Nguồn viện trợ này đang giảm dần và sẽ chấm dứt trong tương lai gần. Để giải quyết bài toán chăm sóc, điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS, Chính phủ có chủ trương chuyển chi trả điều trị ARV từ bao cấp thông qua viện trợ quốc tế sang bảo hiểm y tế. Đó chính là giải pháp bền vững cho công tác chăm sóc, điêu trị HIV/AIDS trong thời gian tới.

Việt Nam đã tiến hành đấu thầu tập trung ARV để cung cấp cho bệnh nhân tại các tỉnh, thành phố với chất lượng tương đương thuốc của chương trình quốc tế viện trợ và giá thành rẻ hơn, như vậy việc cung ứng thuốc ARV thay thế nguồn thuốc viện trợ quốc tế đã có hướng giải quyết khả thi. Hy vọng, trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS để kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.