Trẻ em vẫn bị lãng quên
Các Website khác - 23/03/2006
Hầu như trẻ em vẫn bị lãng quên khi chúng ta đánh giá những nguy cơ và tác động của HIV/AIDS. Đó là ý kiến chung của các đại biểu đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, khi tham dự Hội nghị tư vấn khu vực về Trẻ em và HIV/AIDS tổ chức tại Hà Nội từ 22 đến 24-3.
Thực tại đáng buồn

Hiện nay, trên thế giới đã có khoảng 2,2 triệu trẻ em chết vì HIV/AIDS, chiếm gần 10% tổng số người chết do HIV/AIDS (theo con số thống kê của UNICEF).

Theo số liệu công bố tại Hội nghị, HIV/AIDS đang lan truyền với tốc độ rất nhanh ở Đông Á, nhanh hơn bất kỳ một nơi nào khác trên thế giới. Tính đến cuối năm 2005, có khoảng 450 nghìn trẻ em trong khu vực bị mất cha mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ do AIDS, và hàng trăm nghìn trẻ em khác phải sống với cha mẹ luôn đau ốm hoặc sắp chết. Ngoài ra, có hơn 30 nghìn trẻ em trong khu vực (đang sống chung với HIV/AIDS, trong đó gần 11 nghìn em mới bị nhiễm. Xu hướng này sẽ không thể thay đổi được nếu không có sự đầu tư vào các chương trình phòng ngừa, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ cho trẻ em và thanh niên.

HIV/AIDS là một đại dịch khủng khiếp đối với nhân loại, nhưng bi thảm nhất là nó lại tác động trục tiếp tới trẻ em. Đô thị hóa và mở rộng các nền kinh tế hiện đại đều liên quan đến các tỷ lệ gia tăng về bán dâm, buôn bán trẻ em, ma túy và các rủi ro khác đối với trẻ em, đồng thời phá vỡ cấu trúc các gia đình và các mạng lưới an toàn xã hội khác đã mở rộng. Kết cục sẽ là, trẻ em bị bỏ mặc thiếu an toàn và dễ bị tổn thương hơn đối với các rủi ro nguy hiểm; kể cả sự lan tràn HIV/AIDS và các hậu quả của nó. Trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS theo một loạt con đường trực tiếp hay gián tiếp, tất cả những hậu quả này hủy hoại các quyền cơ bản của trẻ em.

Nằm trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trẻ em Việt Nam cũng không tránh khỏi là nạn nhân của đại dịch HIV/AIDS. Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam có khoảng 8.500 trẻ em từ 0 đến 15 tuổi đang sống chung với HIV/AIDS và 22 nghìn em mồ côi vì mất cha mẹ do AIDS. Dự báo, đến năm 2010, ở Việt Nam có gần 351 nghìn trường hợp nhiễm HIV trung bình mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 20 nghìn đến 30 nghìn trường hợp nhiễm mới

Nguyên nhân do đâu?

Theo các đại biểu tham dự hội nghị, nguyên nhân chính khiến các chương trình phòng chống AIDS của khu vực không hiệu quả là do thiếu các số liệu chính xác và nhất quán về trẻ em và thanh niên. Hiện tại, chỉ có một vài nước trong khu vực đã thu thập các số liệu này. Tuy nhiên các số liệu chỉ dừng ở cấp tỉnh.

Bà A-nu-pa-ma Rao Xinh, Giám đốc UNICEF khu vực Châu Á và Thái Bình Dương khẳng định: "Hầu như trẻ em vẫn bị lãng quên khi chúng ta tiến hành xem xét và đánh giá những nguy cơ và tác động của HIV/AIDS. Chúng ta có thể thay đổi tình trạng này bằng cách tăng cường hơn nữa các hoạt động vì cộng đồng".

Một cuộc điều tra trong thanh niên mới đây của các Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ở sáu nước trong khu vực đã chỉ ra rằng mặc dù nhiều trẻ em và thanh niên biết được các thông tin về HIV/AIDS nhưng các thông tin này thường không chính xác và thiếu hiệu quả. Hơn nữa, các trẻ em dễ bị tổn thương nhất nói rằng các em không được sử dụng các . dịch vụ phòng tránh HIV.

Chia xẻ kinh nghiệm

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng, Hội nghị tư vấn khu vực về trẻ em và AIDS là cơ hội để các quốc gia trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo vệ trẻ em trước đại dịch HIV/AIDS. Hội nghị diễn ra ở thời điểm thích hợp khi các nước đang tích cực thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và các nghị quyết đề ra tại Khóa họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về HIV/AIDS. Phó Thủ tướng cho biết, "Việt Nam sẽ tiến hành các hoạt động chung hiệu quả để mang lại nhiều phúc lợi cho trẻ em hôm nay, cho thế giới ngày mai".

Trong khi đó, bà A-na I-xa-ben Xoa-dơ, Trưởng đoàn Đông Timor, Giám đốc Cung cấp dịch vụ y tế thuộc Bộ Y tế Đông Timor, cho rằng trẻ em và thanh niên, với gần nửa tỷ người trong toàn khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cần phải được đặt ở trung tâm của chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Theo bà A-na, nên thiết lập một mạng lưới trao đổi thông tin về HIV/AIDS giữa các quốc gia trong khu vực để từ đó lập ra các kế hoạch cụ thể, trong đó trẻ em sẽ là đối tượng ưu tiên hàng đầu.

Ông Crít-tốp-phơ Mác Đi-mốt, thành viên của USAID (Cơ quan Phát triển viện trợ Mỹ), lại cho rằng làm sao để người dân có thể ý thức được đại dịch HIV/AIDS, từ đó mới phối hợp lập kế hoạch cho việc phòng chống HIV/AIDS đạt hiệu quả. Bắt đầu từ việc lập các câu lạc bộ đồng cảm, là nơi để cho những người nhiễm HIV/AIDS và những người đang sống chung với AIDS, trong đó có trẻ em, trao đổi kinh nghiệm phòng bệnh, chăm sóc những người nhiễm HIV/AIDS. Việc đó Việt Nam đã làm rất tốt và là một điển hình khu vực trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Theo ông Đi-mốt, các quốc gia trong khu vực nên nắm bắt kinh nghiệm này của Việt Nam và áp dụng tại chính nước mình.

Theo Quân đội nhân dân