Tác động mạnh đến giới trẻ
Theo Tiến sỹ Thomas Thaza, hiện đang làm việc tại Tổ chức hoạt động về Hợp tác kinh tế và phát triển xã hội trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Colombo Plan), phương triện truyền thông có ảnh hưởng, tác động to lớn, đặc biệt là đối với giới trẻ. Phương tiện truyền thông không chỉ là báo chí, tivi; đó là một thế giới thông tin rộng lớn có thể được tiếp cận dễ dàng thông qua mạng Internet.
Đặc biệt, chiếc điện thoại thông minh đã trở thành biểu trưng của giới trẻ hiện đại và cuộc sống của họ xoay quanh thiết bị này. Giới trẻ ngày nay tiếp nhận thông tin từ Internet nhiều hơn từ các nguồn khác. Việc tiếp xúc liên tục với phương tiện truyền thông củng cố các ý tưởng và hành vi là "bình thường" hoặc "thường xuyên". Các ý tưởng này thường được mặc nhiên chấp nhận, ảnh hưởng đến cách chúng ta ăn mặc, nói năng, hành động, vui chơi…
Hiện nay, có nhiều loại hình truyền thông, quảng cáo, phim ảnh đang trực tiếp và gián tiếp gây những tác động xấu đến người tiếp nhận thông tin, đặc biệt là giới trẻ trong việc nhận thức tác hại của các chất gây nghiện.
Tiến sỹ Thomas Thaza cho rằng, những hình ảnh, nội dung trên truyền hình, phim ảnh, quảng cáo khiến hành vi sử dụng chất kích thích dần trở nên thông thường, điều này gây những tác động xấu đến tâm lý cũng như nhận thức của giới trẻ. Nhiều chương trình truyền hình, thể thao,... có nhà tài trợ là các công ty thuốc lá, bia, rượu,… và được quảng cáo rộng rãi trên TV. Các bộ phim sử dụng hình ảnh người uống rượu, hút thuốc lá, sử dụng chất gây nghiện như một hành vi bình thường và có phần nào đó “quyến rũ”, "bí hiểm", “phiêu lưu”.
Hơn nữa, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, trong khi các trang web chống ma túy tồn tại, giới trẻ có thể dễ dàng tiếp cận những trang web có nội dung giới thiệu, phổ biến các chất gây nghiện, kể cả ma túy. 24/24h, các giao dịch nặc danh buôn bán chất kích thích, chất gây nghiện đang được thực hiện qua hệ thống Internet trên toàn cầu. Việc buôn bán các loại thuốc cấm sử dụng như cần sa, heroin, cocain…có thể được thực hiện online trên các website nặc danh bất kỳ với việc thanh toán qua thẻ tín dụng. Chỉ cần 1 cú click chuột để truy cập vào các website buôn bán các chất kích thích, chất gây nghiện.
Internet cung cấp các thông tin về cảm giác kích thích khi sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện một cách tự do mà không bị điều chỉnh, và không dẫn chiếu.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Thomas Thaza cho rằng, mặc dù phương tiện truyền thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng chất kích thích tràn lan nhưng nó cũng có thể đóng góp tích cực cho cuộc chiến chống chất gây nghiện.
Cần mang tính nhân văn hơn
Theo Tiến sĩ Thomas Thaza, truyền thông, báo chí có vai trò không thể thiếu đối với công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, đặc biệt trong việc giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác hại của ma túy; nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về phòng chống tệ nạn ma túy và tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.
Để nâng cao vai trò và hiệu quả của truyền thông, báo chí trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, Tiến sỹ Thomas Thaza cho rằng cần đào tạo được đội ngũ người làm truyền thông, nhà báo, phóng viên có trình độ, kiến thức và tâm huyết với công tác này. Các nội dung về phòng, chống tệ nạn ma túy phải được thường xuyên lồng ghép vào các hoạt động truyền thông, báo chí với hình thức đa dạng, đặc biệt dễ tiếp cận với giới trẻ.
Báo chí cần tập trung tuyên truyền về bản chất, tác hại của ma túy đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng; thông tin về thực trạng, nguyên nhân phát sinh, tồn tại và xu hướng phát triển của tệ nạn ma túy; phổ biến các thông tin liên quan đến công tác cai nghiện, chữa trị, phục hồi sau cai nghiện cho người nghiện và gia đình có nhiều cơ hội chữa trị và tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, báo chí cần tăng cường phổ biến những mô hình hoạt động phòng chống ma túy có hiệu quả; nêu gương những điển hình cai nghiện thành công, tái hòa nhập tốt với cộng đồng; nêu gương những cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác tố giác, đấu tranh tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy...
Còn theo ông Vũ Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông, vấn nạn ma túy diễn ra trên toàn cầu, mỗi cá nhân, cộng đồng xã hội rất quan tâm đến những hệ lụy, tác hại của ma túy mang đến cho con người, kinh tế. Thời gian qua, truyền thông đã thể hiện vai trò quan trọng trong công tác phòng chống ma túy, cả trên lĩnh vực giảm cung, giảm cầu và giảm hại. Trong khi Việt Nam đang thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện thì truyền thông càng trở nên quan trọng với nhiều vấn đề mới về nhận thức cần truyền tải một cách sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân như: phân biệt các loại ma túy và tác hại, các yếu tố nguy cơ dẫn đến nghiện ma túy, nhận thức mới về bản chất nghiện ma túy (bệnh rối loạn não bộ), các biện pháp cai nghiện, các yếu tố phòng ngừa lạm dụng ma túy, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nghiện…
Ông Vũ Thanh Sơn cho rằng, trước đây, công tác truyền thông về ma túy chủ yếu bằng hình ảnh cảnh báo, mang tính chất đe dọa tạo ra nỗi sợ hãi đến đối tượng truyền thông. Hiện nay công tác này cần tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ mang tính nhân văn cao hơn, chia sẻ, đồng cảm với người nghiện ma túy.
▪ Tâm thần, ngáo đá vì chơi ma túy tổng hợp (23/03/2016)
▪ Trao Kỷ niệm chương vì những đóng góp trong phòng, chống HIV/AIDS (22/03/2016)
▪ Lồng ghép cải tiến chất lượng điều trị HIV/AIDS với quản lý chất lượng bệnh viện (21/03/2016)
▪ Phát hiện virus khắc tinh của HIV (21/03/2016)
▪ Australia: Nghiên cứu thuốc sinh học trị HIV (19/03/2016)
▪ Virus HIV giảm độc tính (02/12/2014)
▪ Đại dịch AIDS kết thúc đe doạ vào năm 2030 (20/11/2014)
▪ Dùng vi rút HIV chữa ung thư máu (14/11/2014)
▪ Giải mã bí mật về 2 người có khả năng vô hiệu hóa HIV (13/11/2014)
▪ Vì một cộng đồng an toàn, mạnh khỏe và không nhiễm mới HIV (12/09/2014)