Sao Hollywood hết thời trên phim quảng cáo Nhật (1)
Các Website khác - 10/10/2005
Brad Pitt quảng cáo trang phục jean Edwin.
Brad Pitt quảng cáo trang phục jean Edwin ở Nhật năm 1996. Trong đoạn phim, anh phát âm sai số 503.

Brad Pitt đã làm việc này. George Clooney và Meg Ryan cũng từng làm. Và khi còn là một ngôi sao hành động, Arnold Schwazenegger rất, rất giỏi về khoản này. Nhưng ngày nay không ai trong số họ còn đi đóng quảng cáo ở Nhật nữa.

Từng là một chuyện bí mật của Hollywood, những quảng cáo trên truyền hình Nhật thường được người Mỹ nói đến kèm theo một cái nháy mắt và lắc đầu. Hàng đống tiền được trả cho các sao để rao bán đủ thứ từ rượu whiskey, thuốc lá, ôtô đến cà phê, mỳ ăn liền tới đồ uống nóng, miễn là đừng ai nói cho các fan của họ ở quê nhà biết chuyện. Các bạn có biết Dennis Hopper từng quảng cáo sản phẩm tắm rửa? Còn Leonardo DiCaprio không biết đã ăn bao nhiêu cho đoạn phim về ôtô thể thao? Một hay ba triệu đô?

Harrison Ford quảng cáo bia Kirin khoảng giữa thập kỷ 1990.
Harrison Ford quảng cáo bia Kirin khoảng giữa thập kỷ 1990.
Buồn thay, những ngày mà Harrizon Ford uống ừng ực bia Kirin có lẽ sẽ chấm dứt. Các ngôi sao Mỹ chưa biến mất hẳn khỏi ngành quảng cáo Nhật, nhưng việc sử dụng hình ảnh của họ đã giảm mạnh so với thời hoàng kim những năm 1990, khi mà cả anh chàng lẹt đẹt như Mickey Rourke cũng được coi là có giá ở đây.

“Thời nay sao Hollywood ế ẩm hơn nhiều”, Al Soiseith, chủ trang web japander.com chuyên sưu tầm các hình ảnh quảng cáo ở Nhật có các diễn viên phương Tây tham gia, nhận xét.

Các nhà phân tích lĩnh vực quảng cáo đưa ra một loạt nguyên nhân cho sự sụt giảm này. Nền kinh tế Nhật không còn phồn vinh như xưa, ngân sách cho marketing khả dĩ lắm cũng chỉ còn một nửa so với trước kia. Trong khi đó, các sao Hollywood vẫn muốn kiếm cả 3 triệu USD chỉ cho một buổi chiều đóng phim quảng cáo mà không nói đúng được một câu tiếng Nhật đơn giản.

Các nhà quảng cáo Nhật bắt đầu sử dụng các diễn viên phương Tây một cách rầm rộ những năm 1960, khi Hollywood đại diện cho một góc của nền văn hoá Mỹ. Nhưng theo một số nhà phân tích, Internet và toàn cầu hoá đã khiến cho nền văn hoá Mỹ trở nên dễ tiếp cận hơn nhiều đối với người tiêu dùng Nhật và kèm theo đó, nó không còn sự huyền ảo như trước.

“Sự huyền bí đã tàn lụi” Akihiko Sasamoto, phụ trách chi nhánh của Hakuhodo ở châu Á, một trong những hãng quảng cáo lớn nhất Nhật nhận xét. “Người ta không còn có sự phân biệt giữa các nghệ sĩ nước ngoài và nghệ sĩ Nhật. Vì thế chúng tôi cũng không cần đổ nhiều tiền vào một ngôi sao Hollywood”.

Các công ty của Nhật ngày càng dùng nhiều những tài năng ở trong nước, thậm chí những người mẫu thời trang để giảm bớt giá thành. Các ngôi sao thể thao, dù là gà nhà như vận động viên bóng chày Ichiro Suzuki hay nước ngoài như cầu thủ bóng đá Zinedine Zidane, cũng đóng một vai trò quan trọng.

Hình ảnh đáng yêu của Que-chan.
Hình ảnh đáng yêu của Que-chan.
Các công ty khác của Nhật còn dùng hình ảnh hoạt hình, thậm chí những động vật thật. Nghiên cứu tại riêng khu vực Tokyo cho thấy Que-chan – nhân vật chú cún có chủ nhân suốt ngày đi vay tiền với mức lãi 28% để mua quà cho chó yêu của mình – đã có sức tác động mạnh mẽ hơn hầu hết các ngôi sao hai chân trong năm nay. Một loạt những đoạn quảng cáo hài hước của Que-chan, trong đó có cảnh chú ta ngồi trên ván trượt từ trên núi xuống, được coi là giúp làm dịu hình ảnh nặng nề của lĩnh vực cho vay. Chú cún thật đã trở nên nổi tiếng đến mức ra được cả tập sách ảnh và đĩa CD riêng.

Còn tiếp

M.C. (theo LA Times)