Báo Kinh tế & Đô thị ra ngày 10/3/2008 đã có bài viết đề cập việc quy hoạch rừng Sóc Sơn theo hướng du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường sẽ đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Đúng như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã có lần nói: Rừng Sóc Sơn là vốn quý của Hà Nội, cần được quản lý, sử dụng hợp lý để rừng phát huy hiệu quả. Dù quy hoạch thế nào cũng phải có quy định rõ ràng về cơ chế quản lý, chính sách cho người dân gắn bó lâu năm với rừng. Vì ở đây dân có trước rừng, dân là người trồng ra rừng. Khai thác rừng Sóc Sơn là khai thác lợi ích du lịch, sinh thái, môi trường do rừng mang lại...
11 xã nằm trong vùng quy hoạch
Theo thống kê, tổng số diện tích đất đồi gò của Sóc Sơn hiện là 5.818 ha, trong đó 4.557 ha sử dụng vào mục đích lâm nghiệp với tổng trữ lượng rừng là 224.468,1m3, diện tích rừng trùng lấn trong khu dân cư khoảng 974,2 ha. Tổng dân số nằm trong khu vực đồi, gò quy hoạch là 111.436 người (chiếm 42,2% dân số toàn huyện), mật độ trung bình 588 người/km2, với tổng lao động là 60.175 người. Với dự án "Quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Sóc Sơn" đã được Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội thông qua thì: Vùng quy hoạch gồm 11 xã, thị trấn vùng đồi, gò và Lâm trường Sóc Sơn cách thủ đô Hà Nội 40km về phía bắc. Theo đó, thành phố sẽ quy hoạch toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp Sóc Sơn thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường với tổng diện tích 4.557ha. Trong đó, đất rừng 4.360,4ha; đất không có rừng 191,1ha; đất vườn ươm cây 5,5ha. Các khu chức năng rừng được quy hoạch kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ.
Theo hướng quy hoạch trên, khu du lịch văn hoá kết hợp với nghỉ ngơi cuối tuần Đền Sóc (Đền Gióng) có diện tích 274,8ha; khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái và nghỉ cuối tuần hồ Đồng Đò, xã Minh Trí có diện tích 191ha; làng sinh thái, du lịch và nghỉ cuối tuần Minh Phú có diện tích 389,7ha; khu du lịch sinh thái hồ Hoa Sơn - hồ Hàm Lợn, xã Nam Sơn có diện tích 100,6ha; khu Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn, xã Tiên Dược, có diện tích 12,1ha. Theo định hướng quy hoạch từ năm 2008 - 2015, diện tích của 11 xã, thị trấn với khoảng 40% dân số huyện Sóc Sơn sẽ trở thành khu liên hợp du lịch khổng lồ.
Đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng
Theo quy hoạch, khu vực xã Phú Linh sẽ xây dựng khu du lịch văn hoá Đền Sóc với diện tích 274,8 ha. Tại 3 xã Minh Phú, Hiền Ninh, Nam Sơn sẽ xây dựng thành Làng sinh thái, du lịch nghỉ ngơi cuối tuần Minh Phú với tổng diện tích quy hoạch là 389,7 ha. Tại xã Nam Sơn sẽ quy hoạch thành Khu du lịch hồ Hoa Sơn, hồ Hàm Lợn với diện tích 11,6 ha. Xã Minh Trí là Khu vui chơi giải trí cuối tuần và du lịch sinh thái hồ Đồng Đò với diện tích 191,0 ha.
Dự kiến, tổng kinh phí để thực hiện toàn bộ dự án quy hoạch rừng Sóc Sơn vào khoảng 170.840,9 triệu đồng. Trong đó, có 4 dự án sẽ được ưu tiên thực hiện từ năm 2008 đến 2015. Dự án đầu tư xây dựng rừng phục vụ du lịch, nghỉ ngơi cuối tuần cũng nằm trong hạng mục các dự án ưu tiên đầu tư trước.
Quan điểm, định hướng của lãnh đạo thành phố là phát triển rừng Sóc Sơn kết hợp với phát triển bền vững giữa các ngành kinh tế xã hội. Phát triển rừng Sóc Sơn trên cơ sở cải thiện đời sống của người dân làm nghề rừng, đẩy mạnh xã hội hoá nghề rừng, huy động các nguồn lực để phát triển rừng. Đồng thời, việc quy hoạch, phát triển rừng phải đảm bảo tính đồng bộ giữa đầu tư công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững với đầu tư xây dựng các khu du lịch, nghỉ ngơi cuối tuần.
Như vậy, để thoả mãn yêu cầu giữ được rừng Sóc Sơn với vai trò lá phổi của thành phố, vừa khuyến khích được người dân chăm sóc, quản lý rừng tốt hơn, lại phù hợp với luật pháp quy hoạch rừng Sóc Sơn thành rừng phòng hộ môi trường. Khi đó, rừng Sóc Sơn hoàn toàn có thể biến thành khu du lịch sinh thái khổng lồ, bởi khi đã được xem là rừng phòng hộ môi trường thì được phép khai thác, làm đường, xây dựng công trình trên một phần diện tích nhất định để phục vụ du lịch.