Ăn thịt gà kiểu "tháo khoán"
Các Website khác - 11/01/2006

(VietNamNet) Sau hơn 3 tháng không được thưởng thức thịt gia cầm, khi Bộ NN-PTNT vừa công bố hết dịch nhiều gia đình ở Hà Nội đã mua ngay thịt gia cầm về ăn, các quán ăn lại nườm mượp khách.

Soạn: AM 673839 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Sau bữa trưa phụ vụ chóng mặt cô bán hàng mới nở được nụ cười. Ảnh: Lệ Hà

Ăn cho thỏa thích bù những ngày bị cấm

Mỗi ngày siêu thị Intimex bán khoảng trên 100 con gà và 2.000 trứng của ''thương hiệu'' Phúc Thịnh. Đó là chưa kể tới lượng gà Label (hay còn gọi là gà Pháp thả vườn đã qua kiểm dịch) mỗi ngày siêu thị cũng bán vài chục con. Số lượng tiêu thụ này cho thấy sức mua của người dân đã tăng lên rất mạnh.

Mới đầu giờ chiều ngày 9/1 gian bán gà sạch Phúc Thịnh đã không còn một con. Chị bán hàng cho biết: mấy hôm nay số người mua gà rất đông. 180 con gà Phúc Thịnh nhập về siêu thị chiều qua đã bán hết sạch, giờ chỉ còn gà Label. Có khách hàng mua một lúc 2-3 con. Các bà nội chợ bước chân qua gian hàng này hầu như ai cũng mua ít nhất một con gà ''sạch''.

Còn tại các cửa hàng ăn, những con ngan, gà, vịt béo múp vàng ươm đã luộc chín bày trông ngon mắt. Một địa điểm bán ngan nổi tiếng ở Hà Nội là Ngan Khoa trên phố Hai Bà Trưng. Cửa hàng đã bắt đầu mở cửa trở mấy tuần nay sau mấy tháng vắng bóng.

Huế: Cháy" gà "sạch" ngay ngày đầu tiên
(VietNamNet) - Ngày đầu tiên bày bán gà "sạch" (10/1), siêu thị Thuận Thành tiêu thụ ngay lập tức 100 con, phải cáo lỗi nhiều khách do không đủ hàng phục vụ.

Quán bún thang, phở gà Nga Tám trên đường Giảng Võ đã phải chuyển sang bán bún mọc, phở bò vài tháng nay. Dù không phải là ''món tủ'' nhưng không có thịt gà nên khách vẫn phải vào ăn. Từ hôm Hà Nội công bố hết dịch cửa hàng lại bắt đầu bán bún thang và phở gà.

12h trưa, quán đông nghịt khách. 4 cô bán hàng không kịp trở tay. Một nhân viên bán hàng cho hay: từ hôm có gà món bún mọc ế ẩm hẳn. Khách chủ yếu gọi phở gà và bún thang. Dù mới bán trở lại vài hôm nhưng mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 10 con gà''.

Món ăn không kém phần hấp dẫn đó là lẩu vịt trên phố Kim Mã, nằm gần UBND phường. Khách chủ yếu phải ngồi vỉa hè nhưng không vì thế mà giảm đi sức hấp dẫn. Vị cay cay của nồi lẩu tỏa ra ngào ngạt một khoảng phố. Cùng chung số phận với những món ăn có gia cầm khác, quán mới mở cửa trở lại được vài tuần.

Soạn: AM 673843 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Khay thịt gà đầy ắp đã gần hết trong khi món mọc còn nguyên. Ảnh: Lệ Hà

Tầm 7h quán đã đông lắm. Khách ngồi dọc cả vệ đường. Chủ quán cũng khẳng định 100% với khách hàng vịt bán ra là vị sạch, đã qua kiểm dịch. Bán hàng phải giữ chữ tín nếu không chẳng thể ''tiếng lành đồn xa''. Dù mời mở cửa trở lại nhưng mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ hàng chục con vịt sạch''.

Nhà hàng lớn "bóp miệng", quán vỉa hè thoải mái

Soạn: AM 673733 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Vì ''thèm'' ăn gà ta không mấy ai bận tâm quá đến vấn đề kiểm dịch. Ảnh: Kiều Minh

Quá thèm gà trong những ngày ''nhịn vì dịch'', mấy bữa nay nghe người ta nói đã có thể ăn gà, chị Ánh (Trung Hòa, Nhân Chính) rủ rê bạn bè đi ăn. Vào nhà hàng nào chị cũng gọi đầy háo hức: ''Cho tôi ngay 1 con gà ta luộc kỹ, chặt miếng to, rắc lá chanh mang ra ngay cùng muối ớt, còn lòng mề để nấu miến ăn sau''- nhưng rồi chị Ánh thất vọng khi nhà hàng nào cũng lắc đầu ''chưa có gà''.

Lên quán Ông già, quán Phương Nguyên trên đường Tô Ngọc Vân gọi món ''sở trường'' của quán là gà (hấp, nướng) ăn với xôi (nổi tiếng không kém món ốc -NV) cũng nhận được kết quả tương tự. Hóa ra, các quán ăn lớn, các nhà hàng ở Hà Nội hầu như bán đồ ăn gà. Một nhân viên quán Thavi (Láng Hạ) cho biết, nhiều thực khách đến ''đòi'' ăn gà nhưng cho đến giờ này nhà hàng vẫn ''chưa dám'' bán. Lý do: sợ bị ''phạt'' vì đoàn vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu chưa bán để bảo đảm an toàn cho mọi người.

Nhà hàng chưa có gà ta, nhưng tại các quán ăn vỉa hè hay các quán ăn bình dân, các quán lẩu thì ''gà gì cũng có''. Hỏi các quán này thì quán nào cũng khẳng định mua gà có kiểm dịch. Nhưng nói chung khách hàng chỉ hỏi đến đó theo... quán tính chứ chẳng mấy ai quan tâm tiếp xem kiểm dịch như thế nào!

Soạn: AM 673735 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Gà kiểm dịch không còn là sự lựa chọn duy nhất... Ảnh: Kiều Minh

Một thực khách khi ăn xong bát bún ''gà da thịt nâu'' mỉm cười rất mãn nguyện: ''Ăn thì cũng lo lo nhưng có thấy ai... chết nữa đâu. Với lại, mình ở giữa thủ đô tòan các bệnh viện lớn nên có sao cũng cứu kịp chán. Với lại, nghe nói tùy kháng thể mỗi người chứ có phải ai ăn cũng dính bệnh đâu!''

Thế là, những người thích ăn gà ta như chị Ánh phải ''lần mò'' về tận quê (Nam Định) gọi gà ta ăn cho ''sướng miệng. Hỏi có sợ không? chị Ánh cười ''nấu chín trên 70 độ là hết nguy hiểm rồi, có gì mà phải sợ!''.

Trào lưu về quê ăn thịt gà ta như chị Ánh không phải là ít, anh Đức (Cầu Giấy) đã phải lần mò về tận Thái Nguyên để nhờ mẹ mua cho con gà ta luộc ăn cho đỡ thèm. Anh Đức kể, ở Hà Nội, vợ anh mua 1 con gà ở siêu thị về nhưng để mấy ngày không hết, cái miệng quen ăn thịt gà ta ''vừa săn, vừa ngọt thịt quen rồi, gà công nghiệp thịt bã quá!''. Lại hỏi có sợ không? anh Đức cười ''ăn thịt gà ta thì phải chấp nhận không được an toàn 100% rồi!''.

Ở Hà Nội, thời điểm này, những người ăn gà như bà Lý đã trở nên ''phố biến''. Bây giờ câu chuyện ăn gà đã trở nên rôm rả từ cơ quan cho tới gia đình, cứ mua sẵn về chỉ việc nấu chín thì ''làm gì bệnh chạm đến mình''. Thậm chí, gia đình chị Ngân (Cát Linh) ăn gà từ cách đây gần 2 tháng. Chị ăn ''gà nhà''. ''Gà nhà'' chị Ngân ăn do ông bố chồng nuôi ở quê (Đông Tảo, Hưng Yên) mang lên Hà Nội. Ông bố chồng chị Ngân quây chuồng tre, rắc vôi bột, tiêm và cho uống thuốc đúng chỉ định của y tế. Sau đó, ông thịt sẵn luộc chín ở quê (vì lúc đó đang cao điểm không cho mang gà vào thành phố-NV).

Chị Ngân nêu ''bí quyết'' ăn gà ta của mình: ''Cứ về quê mà mua gà, những nhà nuôi nhỏ lẻ vẫn có đầy, chỉ cần đảm bảo tiêm dịch rồi là yên tâm. Với lại, những vùng trọng điểm mới lo chứ những nơi hết dịch và không có dịch thì lo gì!''

Cảnh giác khi ăn gia cầm

Ngay thời điểm dịch cúm gia cầm tạm lắng, khi nhiều người đã chủ quan bắt đầu ăn thịt gia cầm, Bộ Y tế đã phải liên tục cảnh báo. Tại các cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống viêm phổi do vi-rút Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn nhắc đi nhắc lại, nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm tiềm ẩn vẫn còn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm này, lượng gia cầm di chuyển từ vùng này sang vùng khác khá cao. Người dân do chủ quan nên tiếp tục tiêu thụ thịt gia cầm với số lượng lớn mà không phân biệt "thịt sạch" và thịt chưa qua kiểm dịch. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và cộng đồng là mọi người chỉ nên sử dụng thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm đã qua kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm dịch.

Khi chế biến gia cầm phải đeo găng tay, khẩu trang, kính đề phòng dịch tiết của gia cầm bắn vào mắt, miệng, mũi. Gia cầm phải được nấu chín ở nhiệt độ cao trước khi ăn.

  • Lệ Hà - Kiều Minh