Chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối nông sản của Hà Nội hồi 15 giờ ngày 10-1. Không khí họp chợ vẫn diễn ra sôi động như thường ngày. Gần 20 hộ buôn bán, kinh doanh sản phẩm gia cầm đều nghỉ chợ, chuyển hướng kinh doanh các mặt hàng thực phẩm khác. Tìm mua sản phẩm gia cầm sạch tại chợ Long Biên hết sức khó khăn, vì toàn bộ các hộ kinh doanh sản phẩm gia cầm đều nghỉ từ khi Hà Nội công bố có dịch cúm gia cầm. Tất cả các cửa hàng bán gia cầm trước đây đều được vệ sinh tiêu độc. Các cơ quan chức năng đã kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh gia cầm từ khi có dịch. Chi cục Thú y Hà Nội đã tiến hành vệ sinh tiêu độc, kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh gia cầm, các sản phẩm gia cầm.
Trong khi đó, việc kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các chợ Hàng Da, chợ Hôm (Hà Nội) vẫn diễn ra bình thường. Tại chợ Hàng Da, hiện có năm cơ sở buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Trong vai người đi mua sản phẩm gia cầm, chúng tôi đến cửa hàng bán sản phẩm gia cầm Luân-Quý. Chị Luân, chủ cửa hàng mời chào:
- Mua gà, trứng đi em. Yên tâm đi, gà, trứng của cửa hàng đều sạch, giá cả phải chăng.
- Chị có chắc trứng, gà sạch không?
- Sạch chứ em, có dấu kiểm dịch hẳn hoi.
Nhưng khi cầm các vỉ trứng lên, chúng tôi chỉ thấy duy nhất có dấu đỏ đề ngày sản xuất 9-1, tuyệt nhiên không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Ðem chuyện này kể với ông Nguyễn Văn Phòng, Trưởng ban quản lý chợ Hàng Da, ông cho biết: Theo hướng dẫn của Chi cục Thú y Hà Nội, tất cả các sản phẩm gia cầm phải có dấu kiểm dịch thú y. Các vỉ trứng của cửa hàng Luân-Quý không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y mà bày bán công khai là trái phép. Chúng tôi sẽ kiểm tra tình trạng này và sớm chấn chỉnh.
Chúng tôi gặp anh Phạm Xuân Nghĩa, 16 Hàng Bài (Hà Nội), tại chợ Hôm (Hà Nội). Anh Nghĩa cho biết: "Nghe các cơ quan chức năng khuyến cáo sử dụng sản phẩm gia cầm sạch, hôm nay tôi ra chợ mua con gà về cải thiện. Nhìn gà có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y mình rất yên tâm". Chị Trần Thị Loan, chủ cửa hàng kinh doanh gia cầm tại chợ Hôm (Hà Nội) bức xúc: Việc kinh doanh các sản phẩm gia cầm sạch nên khuyến khích. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Từ hơn một tuần nay, việc kinh doanh các sản phẩm gia cầm tại chợ Hôm đã diễn ra sôi động. Mỗi ngày, cửa hàng tôi bán khoảng gần chục con gà và hơn 50 quả trứng.
Sau khi nhiều địa phương trên cả nước công bố đã khống chế được cúm gia cầm, tình hình tiêu thụ mặt hàng thịt gia cầm đang bình thường trở lại ở hầu hết các chợ "cóc", chợ tạm Hà Nội và cả một số chợ "có tên tuổi" khác như Kim Liên, Nghĩa Tân...
Ðến chợ "cóc" Mai Ðộng vào khoảng 3 giờ chiều 10-1, khi chúng tôi hỏi "Ở đâu có bán thịt gà?", mấy bà bán trứng vịt lộn nhao nhao bảo: "Cứ hỏi nhà Huân, cái nhà xe máy dựng đầy sân, giữa chợ ấy". Chưa phải giờ "cao điểm" đi mua thức ăn của các bà nội trợ, nhưng vẫn có khá nhiều người đang chờ mua gà, làm thịt tại chỗ. Hỏi bà Thịnh, một khách hàng, rằng: "Không sợ cúm gia cầm sao?". Bà bảo: "Sợ gì, hết dịch, nhà tôi ăn gà lâu rồi. Vả lại, người nuôi, giết mổ mới sợ, chứ mình ăn đâu có sao".
Người mua đã vậy, còn người bán càng coi cúm gia cầm "bằng vung" hơn. Ðiều đó thể hiện ngay ở việc nhà chị Huân bố trí "trung tâm giết mổ gà" nằm ngay trước nhà, cạnh mương nước. Gà được nhốt hai lồng chặt trong nhà, ngay cạnh dây phơi quần áo và chạn bát đĩa. Khách mua con nào, vào mà chọn. Sau khi bắt gà cho khách, chị Huân tóm cổ con gà nhét qua cái phễu nhôm to, lấy dao cứa cổ, máu phun đầy cả ra sân. Rồi, gà được nhúng nước sôi và ném vào chiếc máy vặt lông chạy điện thô sơ bên cạnh. Gà mổ xong, lòng được rửa nháo nhào; tất cả phần ruột bỏ đi, nước bẩn, được hất vèo xuống con mương vốn đã đen ngầu. Nhìn họ làm gà, chúng tôi thầm lo, nếu gà cúm, dòng nước đen kia sẽ mang mầm bệnh đi khắp nơi, không ai kiểm soát nổi. Trong khi, chị Huân cho biết, từ chục ngày nay, mỗi ngày hàng gà này bán 20-30 con gà. Hỏi về xuất xứ gà, chủ nhà bảo "Yên tâm tuyệt đối, gà tôi bắt ở quê, Hà Tây, nơi chưa có dịch".
Dạo một vòng qua các chợ Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, ở các chợ xa trung tâm và thiếu sự giám sát chặt chẽ của lực lượng quản lý thị trường và chính quyền địa phương, như Mai Ðộng, Ngõ Gốc Ðề (Minh Khai), Nghĩa Tân... thịt gia cầm sống không rõ nguồn gốc đã được bày bán công khai và hoạt động bán mua đã bình thường gần như trước khi có dịch. Người mua, chả ai hỏi xuất xứ, nhưng các hộ bán thịt gia cầm đều bảo, nếu cần giấy chứng nhận gia cầm an toàn, chúng tôi cũng có. Tại cửa hàng bán trứng vịt lộn, gà tần, chim tần ở số 16, phố Mai Ðộng, chị chủ quán hãnh diện chỉ tôi xem tờ giấy kiểm dịch có dấu đỏ chót dán trên tường. Nhưng, xem kỹ, giấy chỉ có giá trị đến ngày 19-12-2005; nơi nhập hàng lại là một cửa hàng ở phố Tống Duy Tân.
Trong khi đó, ở một số chợ gần trung tâm, kể cả chợ "cóc", việc giết, mổ, buôn bán gia cầm vẫn bị cấm ngặt. Tuy nhiên, các chủ hàng lại có một "tuyệt chiêu" qua mặt các cơ quan kiểm tra. Ðó là, giết gia cầm một nơi, giao hàng một nơi. Vào chợ Ðồng Tâm, sau Trường đại học Kinh tế Quốc dân, tôi hỏi anh bảo vệ chợ chỗ mua gà, anh trả lời chắc nịch: "Chợ này không ai bán gia cầm". Nhưng, được nhiều người mách, tôi vào hàng nước trong chợ, một cô gái ăn mặc rất mốt chạy ra đon đả: "Anh mua gà hả, mấy con, đợi em phôn về nhà bảo người làm mang ra liền". Thấy tôi ngần ngừ, cô bảo: "Vô tư đi, gà sạch mà, từ sáng đến giờ em bán mấy chục con rồi. Giấy chứng nhận em cũng có, nhưng hôm nay có đoàn kiểm tra, họ soát còn ngặt hơn ma túy, nên em không dám mang gà ra đây". Ở chợ "cóc" ngõ 6, phường Phương Mai, sự việc cũng diễn ra tương tự. Khi hỏi mua gà, mọi người đều bảo, cứ vào nhà cô Hạnh trong ngõ. Thịt, bán gà ở đây, ai người ta cho bán.
Hiện nay, hầu hết các siêu thị ở Hà Nội đang bán gà đã qua giết mổ, chủ yếu là sản phẩm gà đã qua giết mổ của Công ty Cổ phần Phúc Thịnh được bao gói, kiểm dịch có nhãn mác rõ ràng. Ðiều này đã tạo niềm tin cho khách hàng.
* Sáng 10-1, Ðoàn kiểm tra liên ngành của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ dẫn đầu đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, nhờ đó đã cơ bản khống chế được dịch trên địa bàn. Gần hai tháng qua, Hà Nội không có ổ dịch mới phát sinh. Trong khu vực nội thành, nội thị đã ngừng chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia cầm sống. Các lực lượng chức năng duy trì hoạt động của tám chốt kiểm dịch tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố.
Công tác trọng tâm của Hà Nội hiện nay là tăng cường phòng dịch, kiểm soát dịch, quản lý việc tiêu thụ gia cầm. Hiện nay, thành phố mới có ba cơ sở giết mổ gia cầm tập trung bảo đảm vệ sinh thú y. Ðó là Công ty Cổ phần Phúc Thịnh, Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương và chợ đầu mối bắc Thăng Long. Tuy nhiên, công suất giết mổ gia cầm của ba cơ sở này mới chỉ đạt 20 nghìn con/ngày, đáp ứng được 50% nhu cầu của người dân Hà Nội.
Thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng tại mỗi huyện ngoại thành từ một đến hai điểm giết mổ gia cầm tập trung. Trước mắt, từ 10-1, Sở Thương mại tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh gia cầm mổ sẵn và các sản phẩm gia cầm sạch của các cửa hàng kinh doanh thực phẩm đường phố và các siêu thị, trung tâm thương mại, tiến hành thẩm định, để cấp giấy chứng nhận tạm thời cho các địa điểm đủ điều kiện, phục vụ nhu cầu tiêu thụ gia cầm trong dịp Tết.
* Ðến nay, TP Hồ Chí Minh đã làm tốt việc khống chế không để xảy ra ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán gia cầm đang được chuyển nghề có sự trợ giúp của thành phố về tài chính và dạy nghề. Cùng với công tác phòng, chống, dịch cúm H5N1, UBND thành phố đã tổ chức cơ sở giết mổ An Nhơn (quận Gò Vấp) của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn; Cơ sở Huỳnh Gia Huynh Ðệ (huyện Bình Chánh); cơ sở Phú An Sinh (quận 12), với tổng công suất 60 nghìn con gà/ca giết mổ để phục vụ người tiêu dùng ở thành phố. Ở TP Hồ Chí Minh thịt gà sạch bệnh, đã được kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thú y, đã được đưa ra phục vụ người tiêu dùng cách đây khoảng vài tuần, tại các siêu thị trong thành phố, cùng với các sản phẩm gia cầm khác như: trứng gà, thịt gà rán, gà nướng.
Bác Nguyễn Văn Liễn, một cựu chiến binh, là Tổ trưởng tổ dân phố số 110, phường 3, quận Gò Vấp cho biết: Thịt gà là món ăn khoái khẩu, lại là con vật được dùng để thờ cúng trong mâm cơm ngày Tết. Ðược phổ biến là cho phép tiêu dùng thịt gà sạch bệnh (đã qua kiểm tra của cơ quan thú y) gia đình tôi đã ra siêu thị Coop-mart Nguyễn Kiệm mua một lúc hai con gà đông lạnh, đóng nguyên trong bao ni-lông về để đãi cả nhà.
Chiều 10-1-2006 chúng tôi đã có dịp vòng qua một lượt ở chợ Gò Vấp và thấy trứng gà đã qua kiểm dịch cũng được bày bán khá nhiều.
Dù đang bận chọn mua gà tại Cửa hàng thực phẩm 178 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh, chị Lê Thị Hoa vẫn vui vẻ trả lời chúng tôi: "Trong thời gian còn dịch, bữa ăn trong gia đình tôi vắng hẳn món gà, nay dịch cúm gà đã được khống chế, dập tắt, gia đình tôi lại quay lại với món ăn ưa chuộng. Chỉ gà làm sẵn, có bao bì đàng hoàng và nhất là phải ghi rõ nơi cung cấp, phải có phiếu chứng nhận an toàn, sạch bệnh của cơ quan thú y thì tôi mới mưa".
Tại chợ Tân Ðịnh, không khí tiêu thụ thịt gia cầm cũng bắt đầu hồi phục. Là chợ thuộc loại lớn trong thành phố, lúc cao điểm chợ Tân Ðịnh có tới 13 hộ kinh doanh gà, vịt. Lúc có dịch, vẫn có sáu hộ kinh doanh mặt hàng này. Hàng trăm bà nội chợ chọn đến chợ Tân Ðịnh để mua thịt gà vì tin tưởng nguồn hàng ở đây được kiểm soát chặt về mặt an toàn thực phẩm. Chị Lê Thị Lan, nhà ở phường 8, quận 3 nói: "Gần tháng nay, đã ba lần tôi mua gà ở chợ Tân Ðịnh về ăn mà không lo ngại gì vì gà được đông lạnh, đóng bao kín, có địa chỉ cung cấp rõ ràng nên yên tâm". Ðể tạo niềm tin và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, sáng nào cũng vậy, ban quản lý chợ đều kết hợp với nhân viên trạm thú y quận đến từng quầy kinh doanh thịt, trứng gia cầm kiểm tra chặt chẽ từng con gà đóng gói.
Mới đây, ban quản lý chợ còn phối hợp với các cơ quan chức năng bắt buộc người kinh doanh thịt gia cầm phải trang bị tủ bảo ôn để cất trữ hàng, bảo đảm tình trạng vệ sinh tốt nhất trước khi bán cho người tiêu thụ.
Tuy dịch cúm gia cầm đã không còn nguy cơ bùng phát, cùng với việc khống chế dịch, quản lý tốt các cơ sở giết mổ, cần vận động, giáo dục các chủ kinh doanh sản phẩm gia cầm nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng, kiên quyết không bán sản phẩm chưa qua kiểm dịch, thiếu an toàn. Có như vậy người tiêu dùng mới hoàn toàn yên tâm khi sử dụng sản phẩm của ngành chăn nuôi.
Tổ phóng viên cơ động
|