Hóa chất làm giảm sút sức khỏe
Các Website khác - 09/01/2006
Phun thuốc trừ sâu trên
cánh đồng Mỹ Hào,
Hưng Yên.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cộng với sự thiếu hiểu biết của người lao động đang dẫn tới nguy cơ mất an toàn và giảm sút sức khỏe.
Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Hiện nay, do cơ chế thị trường và do không thể kiểm soát được, nên khó ước tính được lượng hóa chất bảo vệ thực vật (HC BVTV) sử dụng cụ thể. Pha chế, đóng gói và sử dụng không hợp lý HC BVTV đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và cộng đồng.

Điều tra về sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp tại 19 xã - thuộc 10 tỉnh trong cả nước với 534 hộ nông dân, do Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động tiến hành, đã phản ánh tình trạng: Mức sử dụng thuốc BVTV ở đồng bằng sông Cửu Long thuộc loại cao hơn so với các vùng khác trong cả nước. Trong khi các xã thuộc đồng bằng sông Hồng sử dụng từ 9-16 loại thuốc, thì các xã thuộc đồng bằng sông Cửu Long sử dụng 16-35 loại thuốc khác nhau.

Có thể nói, tình trạng lạm dụng các loại thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, nhất là thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ rau quả đang ở mức báo động. Ngoài thuốc BVTV do các công ty hóa chất sản xuất trong nước, người nông dân còn sử dụng nhiều loại thuốc của nước ngoài nhập lậu qua biên giới như thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, thuốc kích thích tăng trưởng... trong đó có cả loại thuốc cấm như Wofatox, Monitor. Vấn đề này không chỉ gây sự hỗn loạn trên thị trường hóa chất BVTV, mà còn gây ô nhiễm môi trường sống, làm tăng các trường hợp ngộ độc. Điều đáng nói là, phần lớn các hộ nông dân giữ thuốc BVTV mới mua về hoặc dư thừa sau khi dùng không bảo đảm an toàn, dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho người và gia súc.

Sức khỏe giảm sút

Theo TS Đặng Quốc Nam - Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động: Trong 1.752 lao động ở 19 xã của 10 tỉnh, có 175 lao động làm công việc phun thuốc BVTV. Cũng từ công việc này mà người lao động thường gặp phải một số triệu chứng đặc trưng là đau đầu, mỏi mệt, dị ứng ở chân, tay, mặt.

Cụ thể, tỷ lệ lao động thấy chóng mặt chiếm 78%, nhức đầu 69,71%, mẩn ngứa 36,57%. Mặc dầu ít lao động xuất hiện triệu chứng buồn nôn, kém ăn, kém ngủ, song tỷ lệ số người nhận thấy các triệu chứng trên như sau: 17,71% buồn nôn; 20% kém ăn; 13,14% kém ngủ. Do mức sử dụng thuốc BVTV ngày càng cao và sử dụng không theo quy định về an toàn, nên có ba trường hợp nhiễm độc cấp tính và mạn tính để lại tổn thương thực thể do sử dụng thuốc BVTV trong tổng số lao động điều tra. Ngoài ra, hai trường hợp nhiễm độc da với các triệu chứng viêm đặc trưng, một người bị nhiễm độc hô hấp phải đi cấp cứu ở bệnh viện, 40/175 lao động không hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc thuốc BVTV, số còn lại do bốn nguyên nhân chính dẫn đến nhiễm độc thuốc BVTV (dính vào da khi pha chế, cháy bình bơm, phun ngược chiều gió, phun giữa trưa nắng).

Để bảo vệ sức khỏe người lao động và bảo đảm môi trường, các DN hoạt động hóa chất cần xây dựng chương trình quản lý an toàn, phân tích, thao tác vận hành, huấn luyện, phòng ngừa sự cố, kế hoạch cấp cứu và sự đáp ứng. Còn đối với các hộ nông dân, cần được nâng cao nhận thức thông qua các lớp tập huấn về sử dụng an toàn thuốc BVTV, giảm định mức sử dụng thuốc BVTV bằng cách áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, quản lý tốt việc lưu thông thuốc BVTV trên thị trường. Lao động nhà nông cũng là đối tượng mà các cấp CĐ cần quan tâm trong công tác tuyên truyền, tư vấn các kiến thức nói chung, trong đó có vấn đề AT-VSLĐ.

Theo Theo Lao động