Văn bản đồng bộ
Ngày 3-2-2000, Thủ tướng Phan Văn Khải có Quyết định số 18/2000/QĐ-TTg phê duyệt đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, trong đó giao Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư và Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh là đại diện chủ đầu tư.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20-4-2000, Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 926/QĐ-GTVT phê duyệt kế hoạch, phương án và chính sách GPMB đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, và ngày 22-10-2002, Thứ trưởng Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức ký Quyết định số 3445/QĐ-GTVT, phê duyệt phương án GPMB đoạn từ Xuân Mai (Hà Tây) đến Thạch Quảng (Thanh Hóa). Theo đó, đối với đoạn qua khu dân cư tiến hành đền bù, thu hồi đất trên toàn bộ phạm vi giữa hai cọc lộ giới đường bộ (LGĐB) và GPMB (từ giới hạn chiếm dụng vĩnh viễn của công trình ở giai đoạn 1 ra mỗi bên 20m, hoặc mép ngoài cùng của hè nếu đi qua khu vực đô thị có quy hoạch).
Toàn bộ công trình công cộng phải di chuyển ra khỏi phạm vi cọc LGĐB. Phạm vi dải đất giữa cọc GPMB và LGĐB dọc theo hai bên tuyến đường, tiến hành kiểm đếm hiện trạng và thông báo với địa phương không cấp đất và không cho phép xây dựng mới. Sau này nếu phải thu hồi để xây dựng công trình, chỉ tiến hành đền bù đất, tài sản theo hiện trạng đã kiểm kê.
Thực hiện Quyết định 3445 của Bộ Giao thông vận tải, ngày 28-10-2002, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Thắng, đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ làm đại diện chủ đầu tư có Công văn số 1882/QLDA yêu cầu các ban chỉ đạo GPMB các tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Thanh Hóa và các ban GPMB các huyện, thị xã có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua thực hiện công tác GPMB theo các quy định nêu trên.
Để phục vụ công tác đền bù, GPMB được nhanh chóng, thuận lợi, ngày 23-5-2003, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Nguyễn Doãn Thuận ký Quyết định số 665/QĐ-UB phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn từ thị trấn Xuân Mai đến xã Trần Phú, thuộc địa phận huyện Chương Mỹ.
Dựa trên các quyết định liên quan dự án đã được phê duyệt, tám xã, thị trấn trong huyện Chương Mỹ khẩn trương tổ chức kiểm đếm và báo cáo lên Hội đồng GPMB của huyện diện tích đất phải thu hồi để xây dựng công trình, với tổng diện tích là gần 500 nghìn m2. Căn cứ tờ trình của các xã, thị trấn, UBND huyện Chương Mỹ trình UBND tỉnh phê duyệt quyết định thu hồi đất. Ngày 1-10-2004, UBND tỉnh Hà Tây ký Quyết định số 973/QĐ-UB thu hồi 497.713,9 m2 đất trên địa bàn tám xã, thị trấn thuộc huyện Chương Mỹ, đồng thời giao Hội đồng bồi thường GPMB huyện Chương Mỹ lập phương án bồi thường trình duyệt theo quy định.
Thực tế vênh nhau
Đến nay, hơn một năm đã trôi qua, kể từ khi Quyết định 973/QĐ-UB của UBND tỉnh Hà Tây có hiệu lực thi hành, theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hoàng Văn Thụ Nguyễn Tiến Dũng, thì nghịch lý đầu tiên là trong tám xã, thị trấn chỉ có hai xã Mỹ Lương, Trần Phú người dân đòi giải tỏa mét nào thì phải đền bù mét đó, nên không đồng ý bàn giao mặt bằng khi chưa được đền bù, thì các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tây, một mặt phải phê duyệt ngay dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ gần 300 hộ dân hơn 4,2 tỷ đồng; mặt khác, đã phải tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thậm chí thực hiện cả biện pháp mạnh là bắt giam, đưa ra truy tố trước pháp luật ba đối tượng cố tình chống đối, cản trở đơn vị thi công xây dựng công trình.
Ngược lại, hầu hết các xã khác trong huyện Chương Mỹ, như xã Hoàng Văn Thụ, mặc dù chưa hề nhận được một đồng tiền đền bù nào, nhưng khi được giải thích là làm đường Hồ Chí Minh thì 292 hộ đã tự giác tháo dỡ các công trình đang sử dụng để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công, trong đó có 36 hộ hết 100% diện tích và 27 hộ chỉ còn dưới 20 m2. Nhờ vậy, hơn 10 km đường đi qua các xã này đã hoàn thành trước tiến độ, chỉ còn hơn 3 km đoạn qua hai xã Mỹ Lương, Trần Phú do GPMB chậm, dự kiến cuối năm 2005 này mới hoàn thành, làm chậm tiến độ thi công gần bảy tháng.
Nghịch lý thứ hai là, các văn bản đá nhau. Trong lúc đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Chương Mỹ nhiều đoạn thi công đã xong và đưa vào sử dụng đã lâu mà tiền đền bù chưa thấy đâu, thì ngày 26-4-2005, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Thắng ký Công văn số 670/CBXD gửi Hội đồng đền bù GPMB huyện Chương Mỹ, thông báo khá chi tiết về việc đền bù GPMB, trong đó đoạn qua Trường Sĩ quan Đặc công khu vực thị trấn Xuân Mai thì thực hiện với chiều rộng là 22m. Các đoạn tuyến còn lại thực hiện GPMB trong phạm vi tính từ mép ngoài phạm vi chiếm dụng vĩnh viễn của công trình ra mỗi bên là 3 m đối với đường và 7 m đối với công trình cầu. Theo một số cán bộ có trách nhiệm, về mặt pháp lý, nội dung Công văn 670 do ông Nguyễn Đức Thắng ký đã phủ nhận Công văn số 1882/QLDA cũng chính do ông Thắng ký ngày 28-10-2002, cách đây gần ba năm và điều khó hiểu hơn là Thông báo 670 còn phủ quyết cả Quyết định 3445/QĐ-GTVT của Bộ Giao thông vận tải. Chẳng lẽ, một thông báo của Ban quản lý dự án - đơn vị đại diện chủ đầu tư lại có giá trị hơn cả một quyết định của Bộ Giao thông vận tải - đơn vị chủ đầu tư công trình? Công văn 670 không chỉ tùy tiện về mặt thủ tục, mà còn gây tác động dư luận xã hội không tốt. Bởi lẽ, trước khi thi công công trình, việc GPMB được triển khai thực hiện theo quy định này, khi đường đã xong lại đền bù theo hướng khác. Có nghĩa là tất cả các công việc đã làm trước đây của Ban chỉ đạo GPMB tỉnh Hà Tây, cũng như Hội đồng GPMB huyện Chương Mỹ, với sự tham gia của hàng trăm con người từ xã, đến huyện, tỉnh nay đã trở thành vô nghĩa. Bây giờ lại phải đến từng hộ gia đình giải thích, vận động, thuyết phục đo đạc, kiểm đếm từng mét vuông đất, xác định từng loại nhà, đếm lại từng gốc cây, bụi chuối,.. đếm đi, đếm lại mà tiền thì chưa thấy đâu (!)
Nghịch lý thứ ba là, các cơ quan liên quan đùn đẩy trách nhiệm. Quá bức xúc, một số hộ dân xã Hoàng Văn Thụ đã có đơn gửi nhiều cơ quan ở T.Ư và địa phương đề nghị kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ quan chức năng về đền bù, GPMB đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.
Chúng tôi nêu vấn đề này với Ban quản lý dự án thì được trả lời là cứ có quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường của UBND tỉnh Hà Tây là sẽ chuyển tiền ngay! Gặp lãnh đạo huyện Chương Mỹ thì được giải thích các xã chưa nhận được tiền vì Ban quản lý thay đổi phương án thi công và quy hoạch tuyến đường cũng thay đổi! Còn Ban bồi thường GPMB thì cho rằng, nguồn gốc đất phức tạp, các xã kê khai không đúng quy định, phải xem xét lại! Vậy mà UBND tỉnh lại ra được Quyết định thu hồi đất số 973/QDD-UB ngày 1-10-2004.
Một số kiến nghị
Trong quá trình thi công Đường Hồ Chí Minh, đã có hàng nghìn gia đình tự nguyện tháo dỡ nhà cửa, phá bỏ vườn tược, hoa màu để phục vụ thi công con đường, nhưng không vì ý thức tự giác của người dân mà các cơ quan chức năng lại quên quyền lợi của họ. Đoạn đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây khởi công xây dựng từ ngày 19-5-2003, đến nay con đường đã cơ bản hoàn thành, vậy không thể có lý do gì khi hàng trăm gia đình trên dọc tuyến đường đã tự nguyện dời bỏ đất đai, nhà cửa cho con đường, nay chưa nhận được tiền đền bù.
Theo chúng tôi, UBND tỉnh Hà Tây, Ban quản lý dự án cần khẩn trương kiểm tra, làm rõ và có biện pháp giải quyết dứt điểm việc đền bù cho các hộ dân. Hoặc là thực hiện đền bù thu hồi đất trên toàn bộ phạm vi giữa hai cọc LGĐB và GPMB theo Quyết định 3445 của Bộ Giao thông vận tải để tránh tình trạng phải giải tỏa đi, giải tỏa lại nhiều lần. Nếu đền bù từ mép đường trở ra 3m như thông báo 670 của Ban quản lý dự án thì UBND tỉnh Hà Tây phải hủy Quyết định thu hồi đất số 973/QĐ-UB ngày 1-10-2004 và Bộ Giao thông vận tải cũng phải thu hồi Quyết định 3445/QĐ-GTVT, trả lại khoảng đất còn lại để nhân dân sử dụng.
Công khai công bố quy hoạch trên toàn tuyến đường để nhân dân biết và thực hiện theo quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch xong để đấy, vừa lãng phí đất, vừa không quản lý được công trình.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ TRỊNH DUY HÙNG: Đề nghị UBND tỉnh có văn bản điều chỉnh Quyết định 973/QĐ-UB ngày 1-10-2004. Trước mắt, dự án đường Hồ Chí Minh chưa mở rộng, thì tạm thời giao lại cho các hộ có diện tích đất tiếp tục sử dụng, khi nào Nhà nước thu hồi sẽ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ CAO ÁNH H?NG: Ngày 21-11-2005, UBND xã Hoàng Văn Thụ đã tổ chức họp với tất cả các hộ có đất được đền bù dọc đường Hồ Chí Minh, 100% số hộ đều không nhất trí với phương án xây dựng đền bù 3 m theo văn bản số 670/CBXD của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh. Vì vậy, UBND xã không thực hiện được việc hoàn thiện phương án đền bù đất. Ông NGUYỄN MẠNH HÀ, người dân thôn Văn Phú, xã Hoàng Văn Thụ: Thật thiệt thòi cho chúng tôi, những người dân Chương Mỹ (Hà Tây) chỉ biết hy sinh, tạo thuận lợi cho Nhà nước xây dựng đường Hồ Chí Minh ngay từ khi chưa được đền bù. Nay đường đã làm xong mà nhân dân chúng tôi không hề nhận được một đồng tiền đền bù và cũng chẳng nhận được một lời giải thích nào từ phía cấp trên. Giám đốc Công ty cổ phần giao thông Hà Tây VŨ NGỌC SAI: Hiện tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Chương Mỹ đã thi công xong hơn 10 km, còn hơn 1km đang chuẩn bị thảm nhựa dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Nguyên nhân chậm là do vướng giải phóng mặt bằng ở hai xã Mỹ Lương và Trần Phú làm ảnh hưởng tiến độ thi công gần bảy tháng. Trưởng phòng chuẩn bị mặt bằng Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, BÙI VẮN HUẾ: Việc chuyển kinh phí đền bù cho các địa phương được thực hiện qua Kho bạc Nhà nước. Trên cơ sở quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của tỉnh Hà Tây, Ban quản lý dự án sẽ làm thủ tục đề nghị Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Tây chuyển kinh phí về Hội đồng giải phóng mặt bằng của huyện Chương Mỹ để chi trả cho các hộ dân. Vì vậy vướng mắc chủ yếu là do địa phương chưa hoàn thành các thủ tục để chuyển tiền. Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Chương Mỹ TẠ HỒNG PHƯƠNG: Việc giải phóng mặt bằng đường Hồ Chí Minh được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 kiểm đếm đất nông nghiệp, đã đền bù trên toàn tuyến cơ bản xong từ năm 2003. Giai đoạn 2 đất dân cư, các xã kê khai có một số sai sót, chủ yếu là nguồn gốc đất, vượt quy định của tỉnh, nên phải xem xét lại.
|
|