Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trên trục đường xuyên Á, có mối liên hệ với tuyến đường Hồ Chí Minh, với hệ thống cảng biển, sân bay và mạng lưới đường sông thuận lơi. Các tuyến quốc lộ 51, 55, 56, tuyến đường ven biển nối liền khu vực miền trung Nam Bộ cùng hệ thống tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ đã và đang hình thành, tạo điều kiện liên kết du lịch của tỉnh với các tỉnh khác trong cả nước và quốc tế.
Có vị trí thuận lợi, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của tỉnh cũng khá đa dạng. Tỉnh có Vườn quốc gia Côn Ðảo rộng hơn 6.000 ha, gồm 16 đảo, khu bảo tồn Bình Châu Phước Bửu diện tích hơn 11.000 ha với nhiều hệ động vật, thực vật phong phú cùng khu suối nước nóng với nhiệt độ hơn 800oC và nhiều danh thắng như núi Minh Ðạm, núi Dinh, núi Lớn, núi Nhỏ. Thế mạnh nổi trội của du lịch tỉnh là hơn 100 km bờ biển với 72 km bãi tắm tốt, có thể khai thác để phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng. Ðây còn là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời với 31 di tích đã được Nhà nước công nhận xếp hạng quốc gia cùng 152 di tích khác được tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ quản lý. Trong đó có các di tích lịch sử kiến trúc, tôn giáo: Ðình thần Thắng Tam, Miếu Bà, Lăng Cá Ông, Thích Ca Phật Ðài, chùa Long Bàn.
Trong chiều dài lịch sử cách mạng, qua hai cuộc kháng chiến, nơi đây lưu giữ nhiều di tích cách mạng như: Ðịa đạo Long Phước, khu căn cứ kháng chiến Bàu Sen, Khu di tích lịch sử Côn Ðảo và Nghĩa trang Hàng Dương, căn cứ Minh Ðạm, bến Lộc An với đường Hồ Chí Minh trên biển và địa đạo Kim Long. Bên cạnh đó, là những giá trị văn hóa, lễ hội dân gian đặc sắc, thu hút đông nhân dân và du khách tham gia, nhất là các kỳ lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Miếu Bà Dinh Cô, lễ hội Ông Trần đảo Long Sơn.
Chính sự phong phú của tài nguyên du lịch tạo điều kiện để ngành du lịch tỉnh tổ chức được nhiều loại hình du lịch: sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp ở rừng-biển- đảo, vui chơi, thể thao biển, nghỉ cuối tuần, tham quan danh thắng, di tích lịch sử cách mạng, lễ hội, điều dưỡng, chữa bệnh và du lịch thương mại, hội nghị, hội thảo. Toàn tỉnh hiện có một trung tâm và bốn cụm du lịch, trong đó Vũng Tàu - Côn Ðảo - Bình Châu - Phước Bửu hình thành nên một tam giác du lịch đặc trưng của tỉnh. Hai khu du lịch Côn Ðảo và Long Hải - Phước Hải được Chính phủ xác định là khu du lịch quốc gia trong 20 khu du lịch quốc gia của cả nước.
Hiện nay, Bà Rịa- Vũng Tàu tập trung phát triển một số trung tâm, cụm du lịch từ nay đến 2010 và định hướng đến 2020 với hạt nhân là trung tâm du lịch TP Vũng Tàu và vùng phụ cận. Trong đó, xây dựng các loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, nghỉ dưỡng cuối tuần, giải trí, thi đấu thể thao và các trung tâm thương mại, hội nghị, hội thảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Cụm du lịch Côn Ðảo phát triển du lịch sinh thái, du lịch về nguồn như tham quan vườn quốc gia, lặn biển khám phá đại dương, các loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, thăm các di tích lịch sử cách mạng và trong tương lai không xa sẽ hình thành một đặc khu kinh tế và dịch vụ du lịch với một cơ chế chính sách mở.
Các cụm du lịch Bình Châu, Núi Dinh, Long Hải cũng đã được quy hoạch trở thành khu sưu tầm, bảo tồn sinh thái đặc trưng Ðông-Nam Bộ và các trung tâm nghỉ dưỡng, công viên giải trí kỹ thuật cao cùng các trung tâm văn hóa thể thao lớn mang tầm quốc tế.
Ðầu tháng 4-2006, được sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, tỉnh sẽ tổ chức Festival biển Vũng Tàu. Có nhiều hoạt động diễn ra tại liên hoan như thi hoa hậu biển, thi đắp tượng cát, trại điêu khắc đá, triển lãm tranh, trưng bày di vật về vua Thành Thái, triển lãm cổ vật khai quật được tại biển Vũng Tàu cùng các liên hoan nghệ thuật, thời trang ca múa nhạc, biểu diễn máy bay mô hình, lướt dù, lướt sóng và thi đấu quyền anh, v.v. Trong dịp này, tỉnh tiếp tục mở các tuyến du lịch bằng máy bay trực thăng tham quan TP Vũng Tàu, Côn Ðảo và các điểm du lịch nổi tiếng trong vùng.
|