Nhiều cây bị đổ trên đường Nguyễn Trãi, thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Tối 18/9, sau khi vào Nghệ An, bão số 6 đã suy yếu, và tiếp tục đi sâu vào đất liền qua địa phận nước Lào, rồi tan dần. Trong vòng 12 tiếng đồng hồ đổ bộ vào đất liền, bão số 6 đã gây mưa rất to, giật sập nhiều ngôi nhà, cướp đi sinh mạng của 2 người, 3 người khác bị thương.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, thống kê sơ bộ đến 7h sáng nay, có 2 cháu bé thiệt mạng. Một cháu 11 tuổi ở xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, bị cây đổ vào người. Một cháu 12 tuổi ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, bị nhà sập và đè chết. Cũng tại xã Nghi Thiết, gió bão mạnh cấp 8-9, giật trên cấp 10 đã làm tốc mái, giật sập nhiều ngôi nhà, khiến 2 người bị gãy chân, 1 người bị chấn thương sọ não.
Hôm qua (18/9), bão số 6 đã gây ra gió mạnh cấp 8-9, giật trên cấp 10 ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Trung Bộ; cấp 7-8, giật trên cấp 9 ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh; cấp 6-7, giật trên cấp 8 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Sau khi di chuyển dọc theo bờ biển Quảng Bình - Hà Tĩnh, tối 18/9, bão số 6 đã đổ bộ vào đất liền thuộc địa phận tỉnh Nghệ An. Tối 18/9, bão số 6 đã suy yếu đi một ít và tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc khoảng 20 km một giờ, đi sâu vào đất liền qua địa phận nước Lào, rồi tan dần. Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu gió đông nam sau bão nên ngày và đêm nay ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa còn có mưa, có nơi mưa vừa. |
Bão đổ bộ đúng vào thời điểm triều cường đã nhấn chìm nhiều khu vực dân cư. Rất may, trước đó địa phương đã di dời 1.630 hộ dân. Trong đó có 1.000 hộ ở các xã Diễn Vạn, Diễn Thành, Diễn Trung (huyện Diễn Châu); 300 hộ ở các xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lương, Sơn Hải, Quỳnh Thanh, An Hòa (huyện Quỳnh Lưu) và 30 hộ ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc.
Bão gây ra những đợt sóng cao, đập thẳng vào tuyến đê biển gây sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, tuyến đê qua xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh, Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu); đê Diễn Trung, Diễn Ngọc, Diễn Kỳ (huyện Diễn Châu) và đê xã Nghi Yên, Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc) đã bị sạt lở rất nhiều điểm, với tổng khối lượng 45.000 m3 đất đá. Đặc biệt nghiêm trọng, đập Khe Gang ở xã Ngọc Sơn, và đập Cù Chính Lan ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu có nguy cơ vỡ. Hiện nước tràn qua đập, có nhiều điểm bị xói lở.
Về giao thông, tuyến quốc lộ 7A, đoạn qua huyện Đô Lương bị ngập sâu 0,3 m; quốc lộ Tràn Khe Tò đoạn qua huyện Nghĩa Đàn ngập sâu 1 m gây tắc đường. Các tuyến tỉnh lộ như: 545 (đoạn qua cầu sông Hiếu, Tràn Dinh); 598A (đoạn qua Nghĩa Đàn) bị ngập và sạt lở nhiều đoạn, giao thông bị gián đoạn.
Với lượng mưa phổ biến 200 mm, có nơi xấp xỉ 300 mm đã nhấn chìm 11.000 ha lúa hè thu đang thời kỳ thu hoạch, 20.000 ha lúa mùa mới gieo cấy và 10.000 ha hoa màu vụ đông. Thiệt hại về thủy sản hiện chưa được thống kê.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, thiệt hại về vật chất khoảng 50 tỷ đồng. Nhưng đây chưa phải là con số cuối cùng bởi các huyện hôm nay mới xem xét toàn diện, báo cáo chính xác mức thiệt hại.
Hà Tĩnh: Thông tin liên lạc bị gián đoạn
Là tỉnh nằm sát vị trí tâm bão, Hà Tĩnh bị thiệt hại khá nặng nề. Gió bão giật đổ nhiều cột điện, cây xanh, khiến nhiều huyện bị mất điện liên tục suốt từ đêm qua đến sáng nay vẫn chưa khắc phục. "Ngay phòng thường trực ban chỉ đạo phòng chống bão lụt tỉnh cũng bị mất điện từ sáng sớm đến hơn 10h mới có. Hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn, các huyện thị không thể fax báo cáo nhanh về cho ban chỉ đạo. Trong 11 huyện thị, chúng tôi mới nhận được báo cáo của Thạch Hà", một nữ cán bộ thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh, phản ánh.
Vẫn theo cán bộ này, đến 10h sáng nay, toàn tỉnh có 2 người chết, cùng ở huyện Đức Thọ. Một người đang điều khiển xe gắn máy bị mưa lũ cuốn trôi. Một cụ già 84 tuổi, nửa đêm đi ra ngoài, bị trượt chân ngã và dòng nước lũ đã nhấn chìm.
Quảng Bình: 1 người dân bị lũ cuốn trôi
Ông Nguyễn Ngọc Giai, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống lụt bão và quản lý đê điều, cho biết đến 9h sáng nay, mới có 2 huyện Quảng Ninh và Bố Trạch trên tổng số 7 huyện thị báo cáo về tình hình thiệt hại do bão số 6. Tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, bão đã gây mưa lũ, cuốn trôi một cô gái 18 tuổi và 2 ngôi nhà của dân. Trường học của xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch bị tốc mái. Rất may ngày 18/9 là chủ nhật, học sinh được nghỉ học nên không có thương vong.
Bão đã gây mưa rất to, tạo thành dòng lũ cuốn trôi 500 m đê ngăn mặn của sông Kiến Giang (huyện Quảng Ninh). "Do nước lũ đang ở báo động 2 nên nước biển chưa thể xâm nhập. Ngay khi lũ rút, chúng tôi sẽ cho hàn khẩu", một cán bộ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết.
Về nông nghiệp, có 20 ha hoa màu, 160 ha lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch đang chìm trong biển nước. Hiện toàn tỉnh có khoảng 500 ha lúa hè thu chưa thu hoạch.
Ngoài ra, thiên tai cũng làm sạt lở 6.500 m3 đường giao thông nông thôn, sạt 7.800 m3 đất vùng bờ của các hồ nuôi tôm. Diện tích nuôi thủy sản vụ ba bị ngập khoảng 90 ha.
Quảng Ninh: Đắm một tàu chở than, chủ tàu mất tích
Nằm xa tâm bão, hôm qua Quảng Ninh chỉ có gió mạnh cấp 3-4, giật cấp 7-8, mưa lác đác. Trên đất liền hầu như không có thiệt hại. Tuy nhiên, ở ngoài khơi, gió bão khá mạnh đã nhấn chìm 1 tàu chở 50 tấn than tại khu vực đảo Thiên Cung. Trên tàu có 3 người, lực lượng cứu nạn của Quảng Ninh mới cứu được 2, còn chủ tàu (68 tuổi, quê Hải Dương) đã mất tích.
Như Trang
▪ Con sâu nối giáo cho giặc (19/09/2005)
▪ 'Vầng trăng nhân ái' đến với trẻ em nghèo (19/09/2005)
▪ Cứu sống 20 thuyền viên gặp nạn trên biển (19/09/2005)
▪ Lời kể của một nữ sinh viên thoát khỏi ổ buôn người (19/09/2005)
▪ Cty xăng dầu KV2 nhận huân chương lao động hạng nhất (19/09/2005)
▪ Bão số 6 hết nguy hiểm (19/09/2005)
▪ Tháng 6/2006 mới GPMB xong đường vành đai I Hà Nội (19/09/2005)
▪ Hàng ngàn ha đất được giao khoán cho ai?! (18/09/2005)
▪ Đà Nẵng cấp số đỏ cho cả đất chờ quy hoạch (19/09/2005)
▪ Vá quần áo thời hàng hiệu (17/09/2005)