Hàng ngàn ha đất được giao khoán cho ai?!
Các Website khác - 18/09/2005

(VietNamNet) - Những ngày ròng rã đi thực tế tại huyện Tân Châu (Tây Ninh) chúng tôi rút ra một nghịch lý là: trong khi người dân thiếu đất sản xuất, thì nhiều cán bộ được giao khoán lại sở hữu hàng trăm ha đất, "thẳng cánh cò bay".

 

Ra Tòa vì chiếm đất công !?

 

Đối tượng mà chúng tôi tiếp xúc là 17 hộ nông dân xã Tân Hội (huyện Tân Châu) nguyên là những Việt Kiều Cam Pu Chia về nước sinh sống thời điểm 1973 – 1974 theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước. Những hộ này khai hoang đất để trồng lúa, mì, bắp để sinh sống, nhiều người đã phải đổ máu do bom mìn của Mỹ - ngụy, Pôn pốt cài lại

 

Soạn: AM 551679 gửi đến 996 để nhận ảnh này
                   Trang trại cao su bạt ngàn được cho là của ông Hai.N !?  

Năm 1981-1982 Nông trường Suối Nước Trong tiến hành quy hoạch toàn bộ diện tích đất của các hộ dân đang canh tác, giao lại cho các hộ dân nhận khoán, không đền bù sức lao động, công khai phá cho những người “mở đất”

 

Thực tế, đất giao cho những hộ nhận khoán làm không hiệu qủa, bỏ hoang; năm 1987 các hộ dân khai hoang xin lại đất canh tác, làm đơn gửi xin lại đất nhưng không thấy chính quyền hồi âm. Đến năm 1995 – 1997 xót xa trước cảnh đất hoang hóa, các hộ dân khai phá tự vào trồng mía, cao su, điều..để cải thiện đời sống vì họ cũng sống trong cảnh không “mảnh đất cắm dùi”  

 

Đùng một cái tới năm 2000, khi Nông trường Suối Nước Trong sát nhập với Nhà máy đường Nước Trong thành Xí nghiệp đường Nước Trong (sau này chuyển thành Công ty Cổ phần mía đường Nước Trong) thì các hộ dân phải ra hầu Tòa về hành vi bao chiếm đất công ?! Tiếp đó, trong các ngày 26/05/2005 và 14/06/2005 cơ quan công quyền huyện Tân Châu đã huy động cơ giới, tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với 5 hộ dân, giật đổ nhà và phá hủy hoa màu của họ..

 

Soạn: AM 551681 gửi đến 996 để nhận ảnh này
                 ...và căn nhà khang trang trong của trang trại ông Hai.N ?

Tiếp xúc với P.V VietNamNet, ông Nhâm Văn Thục – một trong số 17 hộ dân đã đưa cho chúng tôi xem danh sách hàng chục hộ dân xin giao khoán đất canh tác từ những năm 1987; ông nói “Trong khi người dân khai hoang, mỏi mòn chờ được giao đất thì Xí nghiệp đường Nước Trong tiền hành thu hồi đất của chúng tôi để giao cho cán bộ các cấp, cán bộ xí nghiệp canh tác..”

 

Theo phản ánh của ông Thục và nhiều bà con khác thì vụ cưỡng chế thi hành án ngày 14/06/2005 vừa qua mục đích lấy 07 ha đất của 3 hộ dân để giao cho ông S (Phó Công an huyện Tân Châu)                    

 

Ông Thục chua xót nói “Đáng lẽ những người dân nghèo, những người khai hoang, có công với cách mạng như chúng tôi cả phải được ưu tiên giao khoán đất để sinh sống chứ !? Người dân “không mảnh đất cắm dùi” trong khi đất giao cho cán bộ lại rộng thênh thang, hàng chục, hàng trăm ha..Như vậy có bất công quá không ?!”              

 

Liên hiệp các “trang trại quan” !?  

 

Những ngày ở đi thực tế tại huyện Tân Châu, chúng tôi liên tục đi từ bất ngờ này tới ngạc nhiên khác ! Trong khi rất nhiều các hộ dân sống kham khổ trong các căn nhà đất, mái rạ; nghề chính của họ là đi làm thuê mướn: cạo mủ, trồng mỳ, làm cỏ…thì không ít trang trại rộng hàng chục, hàng trăm ha thuộc quyền sở hữu của một số cá nhân lại rất bề thế, khang trang. Nếu so với ngày công lao động của một nông dân làm thuê tại đây chưa tới 20.000 đồng/ ngày, thì “thu nhập” của một chủ trang trại (thời điểm này cao su có giá – P.V) là hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng/ngày. Vì thế người dân gọi các trang trại thu bạc triệu/ngày này là “trang trại quan” (!)

 

Soạn: AM 551683 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Rất nhiều người dân xã Tân Hội, Thạnh Bắc..không "mảnh đất cắm dùi" phải đi làm thuê và sống trong cảnh nghèo khổ như thế này ?  

P.V VietNamNet đã cùng người dân “tận mục sở thị” các trang trại này. Nếu xuất phát từ chợ Tân Hội, chạy xe gắn máy khoảng 5 km tới địa bàn tổ 3, ấp Tân Lâm, xã Tân Hà gặp một rừng cao su xanh ngút tầm mắt, rộng hàng trăm ha, có độ tuổi từ 8 – 10 năm…chính là “lãnh địa” của ông Hai.N (UBND tỉnh Tây Ninh). Chúng tôi đã hỏi 10 người dân, thì có 9 người cho biết là đất của ông Hai.N; một người dân còn nhiệt tình tả hình dáng ông N, thậm chí còn tiết lộ cho chúng tôi lịch trình về thăm trang trại của ông này (?)

 

Kế tiếp đất của ông Hai.N, chạy xe khoảng 3 km tới Ngã Ba Xe Cháy là “liên hiệp trang trại” của 3 cán bộ khác (2 người đã nghỉ hưu là ông Năm.B; ông Ba.T; một cán bộ cấp tỉnh đương chức là ông Bảy.T). Các ông này có trang trại nằm sát nhau, diện tích hàng trăm ha, chủ yếu trồng mỳ, mía và cao su. Nói không ngoa rằng các trang trại này rộng “thẳng cánh cò bay” vì dù chúng tôi đã chạy xe cỡ 10 phút mà vẫn chưa đi hết trang trại của 3 vị này ?!

 

Soạn: AM 551685 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đi thăm trang trại bằng xe hơi, cảnh không hiếm gặp tại "liên hiệp các trang trại quan" ở huyện Tân Châu ?    

Chưa hết, trên tuyến đường DT 793 hướng về xã Tân Hội, người dân chỉ cho chúng tôi trang trại của ông H.K (cán bộ Nhà máy mía đường Nước Trong) rộng cỡ hàng trăm ha…Kế tiếp là đất của bà T.M ở xã Thạnh Bắc (huyện Tân Biên); các ông H.T.T , ông N.V.T (đều là cán bộ cấp tỉnh) cũng có hàng trăm ha đất ở Tân Hội vv..

 

Trong bài viết về dự án 327 ở Bàu Rã (huyện Tân Biên) trước đây, chúng tôi đã đề cập tới việc 24 cán bộ từ cấp tỉnh tới xã “chia nhau” đất dự án 327, trong khi người dân diện chính sách thì thiếu đất sinh sống…đang là thực tế nhức nhối ở Tây Ninh. Tiếp theo vụ Bàu Rã, người dân lại tiếp tục phản ánh về tình trạng “đất quan” “trang trại quan” ở Tân Châu như chúng tôi phản ánh. Để xác định tính xác thực của thông tin, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh vào cuộc làm rõ vụ việc này ?!                             

 

  • Thái Thiện