Sau một nhiệm kỳ hoạt động (từ 2003 - 2008) ngày 12/9 vừa qua, 79 đơn vị thành viên của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm (RIAV) đã cùng ngồi lại để tổng kết những gì đã thực hiện được. Đáng buồn là đối với hoạt động chống băng đĩa lậu và việc sử dụng trái pháp luật bản ghi, Hiệp hội đành bất lực! Ông Huỳnh Tiết - giám đốc Công ty Bến Thành Audio-Video cho biết, đến nay các hãng đã không còn đủ sức để "chiến đấu" với nạn in sang băng đĩa lậu. Số lượng chương trình (CT) sản xuất trong năm tụt giảm thê thảm. Trước đây, trung bình mỗi tháng Bến Thành ra mắt hai - ba CT, nay thì mỗi năm chỉ còn khoảng một - hai CT. Để duy trì sản xuất, các đơn vị buộc phải quay sang làm dịch vụ, cho thuê phòng thu, phát hành đĩa cho các ca sĩ... Chính vì vậy, thị trường thiếu hẳn những CT được biên tập theo chủ đề.
Trước đây, vào mùa Tết, các hãng đều cố gắng ra mắt CT xuân nhưng vài năm gần đây các CT này cũng... biến mất! Trung tâm băng nhạc Rạng Đông - đơn vị đi đầu với CT Hát ru mùa xuân, đầu tư hàng trăm triệu đồng/CT, cũng rút lui không kèn không trống. Bà Thu Dung - giám đốc Trung tâm Rạng Đông khẳng định: "Càng đầu tư nhiều thì lỗ càng nặng, sau năm CT, tổng số vốn thu hồi của Hát ru mùa xuân không đủ để tái sản xuất nữa. Để tự cứu mình, đơn vị buộc phải chuyển sang... kinh doanh nhà đất" (!?). Theo thống kê của RIAV, hiện Hiệp hội có 61 hội viên tập thể và 18 hội viên cá nhân. Thời gian qua, các thành viên của RIAV đã cho ra mắt khán giả trên 150 triệu sản phẩm các loại. Con số này cũng đồng nghĩa với việc RIAV đã "cung cấp" cho thị trường băng đĩa lậu trên một tỷ sản phẩm copy, kèm theo là một khoản lợi nhuận khổng lồ vào tay những kẻ "ngồi mát ăn bát vàng". Các thành viên của RIAV thật sự "ê ẩm" khi số lượng và chất lượng đĩa lậu càng lúc càng được "nâng cấp". Sau quy định về tem chống giả của cơ quan quản lý, giới in lậu đã chụp luôn tem vào bìa để đưa in bốn màu. Ngay trên mặt đĩa, tên CT, tên ca sĩ cũng được "gia công" rất cẩn thận, không thua gì đĩa "xịn". Giới in lậu cũng sẵn sàng giảm giá để cạnh tranh với các chiêu khuyến mãi của các ca sĩ, các hãng. Từ 9.000đ - 10.000đ/đĩa, đĩa nhái hạ xuống chỉ còn 5.000đ - 6.000đ/đĩa với độ bền sử dụng không dưới 15-20 tháng. "Đáng nể" nhất là mức độ buôn bán công khai của hàng nhái. Từ việc mua bán "kín đáo" trên đường phố, nay băng đĩa lậu đã có mặt tại một số siêu thị lớn ở trung tâm TP. Một "thử thách" lớn khác đối với các nhà sản xuất là sự "bung ra" của các trang web âm nhạc. Hiện có hơn 80 trang web liên tục post album, ca khúc mới lên mạng cũng là chừng ấy kênh phát hành miễn phí nhạc... Theo bà Thu Dung, đại diện BCH của RIAV nhiệm kỳ mới, với đặc thù của Hội nghề nghiệp, các thành viên không có cách nào khác ngoài việc tiếp tục "kêu cứu" với các cơ quan chức năng. Theo Cẩm Lệ |
▪ Gia tăng tội phạm vị thành niên: Trách nhiệm thuộc về ai? (22/09/2008)
▪ Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc xử lý truyện tranh sex (22/09/2008)
▪ Chính phủ tham vấn 16 tổ chức quốc tế về kinh tế (22/09/2008)
▪ Quấy rối… nhân viên tổng đài điện thoại (22/09/2008)
▪ Dùng sắt nung đỏ... "dạy" con (22/09/2008)
▪ “Cò” bằng lái ngay sát sở giao thông vận tải (22/09/2008)
▪ Thành phố kiên quyết xử lý những hành vi đi ngược lợi ích của nhân dân, của xã hội. (22/09/2008)
▪ Chuyến xe đêm chở nỗi kinh hoàng (22/09/2008)
▪ Việt Nam đứng thứ hai về thuốc giả ở Đông Nam Á (22/09/2008)
▪ Xôn xao vì lươn lạ (22/09/2008)