"Các anh làm thế thì chết dân"!
Các Website khác - 11/08/2005

"Các anh làm thế thì chết dân"!
Đình Chúc

Đó là thái độ phẫn uất của ông Nguyễn Khải - Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường- TNMT) - trưởng đoàn kiểm tra việc thực thi Luật Đất đai tại tỉnh Đồng Nai khi đối chất với một "quan đất nhỏ" ở TP.Biên Hoà hôm mùng 9.8 vừa qua.

Chả là khi nghe dân tố khổ, ông mới hay rằng, chỉ riêng TP.Biên Hoà đã có 56.000 sổ đỏ được cấp, nhưng có tới 32.000 sổ chưa tới tay dân. Hỏi vì sao "tắc", thì được ông "quan đất" này trả lời một câu vô cùng... vô trách nhiệm: "Hồ sơ chưa cấp, bỏ vô kho, mỗi lần lấy ra rất lâu"!

Quái lạ, một cuốn sổ bỏ trong kho chỉ có mỗi động tác lấy ra trả cho dân sao lại "rất lâu" nhỉ? Tiếp tục truy, ông trưởng đoàn còn phát hiện những cách làm "chết dân" khác như, bắt dân đang sống ổn định phải giải toả trắng mà không biết đi đâu, rồi chỉ bằng một thông báo của phường mà bắt dân tự đi tìm chỗ ở khác để bàn giao mặt bằng...

Nhưng chuyện "chết dân" như đã nói, đâu chỉ có ở Đồng Nai. Không nói đâu xa, chỉ cách đây vài tháng, một chuyện "chết dân" khác ngay giữa thủ đô Hà Nội đã làm xôn xao dư luận, khi một ông già 70 tuổi phải đi lại "cửa phường" tới 30 lần mà vẫn chưa được nhận một cuốn sổ đỏ!

Rồi những chuyện hành dân đang được hàng nghìn người dân Quảng Ninh, Bình Dương, Hà Tây... tố khổ với các đoàn kiểm tra của Bộ TNMT. Rõ ràng là những chuyện "chết dân" như phát hiện của ông trưởng đoàn nói trên không phải là "nỗi khổ" riêng của địa phương nào, mà nó đang là câu chuyện thời sự của người dân cả nước.

Có quá nhiều bức xúc, oan trái từ hàng nghìn, hàng vạn người dân muốn gửi gắm vào các đoàn kiểm tra - mà nhiều người ví như những "Bao Công" thời hiện đại. Và dù chưa có "thượng phương bảo kiếm", nhưng những "Bao Công" này sẽ nỗ lực giải quyết ngay những oan khuất của dân ở mức cao nhất.

Song một câu hỏi đặt ra là: Liệu 13 đoàn kiểm tra với khoảng hơn trăm công chức của Bộ TNMT có giải quyết được tất cả những oan ức của người dân? Và khi các đoàn rút đi, ai dám chắc sẽ không còn những kiểu hành dân mới?

Bởi thế, về lâu dài, để không còn những cái "chết dân" như đã nói thì có hai việc lớn dứt khoát phải làm: Thứ nhất, luật pháp phải rõ ràng trên tinh thần nhường cái thuận lợi nhất cho người dân; thứ hai, phải xốc lại đội ngũ công chức thực thi luật pháp. Rất tiếc cả hai việc này đang còn quá nhiều bất cập.

Mới đây nhất, tại kỳ họp đại biểu QH chuyên trách tuần qua, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã phải gay gắt phê phán cái lối làm luật chỉ có lợi cho bộ, ngành mình, rằng thái độ vô trách nhiệm của một số quan chức khi phát hiện ra những kẽ hở, vênh nhau giữa các bộ luật, gây phiền toái cho dân mà vẫn im lặng. Và chính sự "im lặng" này đã đẻ ra những kẽ hở để một số công chức khi thực thi tha hồ hành dân.

Còn chuyện "quan đức, quan trí" của đội ngũ công chức thực thi công vụ thì có lẽ không cần nói đâu xa, ngay tại thủ đô Hà Nội chỉ mới thống kê sơ bộ đã thấy giật mình: Vẫn còn 10% số cán bộ xã, phường có trình độ cấp 2, và có huyện chỉ 20% số công chức đáp ứng được yêu cầu công việc.

Rõ ràng là khi luật pháp không rạch ròi, lại được đội ngũ công chức có "quan trí" yếu kém, "quan đức" sa sút thực thi, thì nỗi lo "chết dân" như trên của ông vụ trưởng chưa thể có hồi kết!