Chân dung ông chủ kho báu
Các Website khác - 03/09/2005

Người Lao Động Chủ nhật số trước (số 5, ra ngày 27-8) đã thông tin đến bạn đọc về “Kho báu giữa lòng thành phố”. Trong số này chúng tôi xin “bật mí” về chủ nhân của nó- đó là một người đàn ông còn khá trẻ, Trần Lập, 42 tuổi- giám đốc công ty kinh doanh dây cáp điện ngoại nhập, có trụ sở đóng ở quận 5, nhà riêng ở quận 4 - TPHCM

Ông khẳng khái nói rằng, mình vẫn tiếp tục sưu tập cho đến lúc thời gian còn cho phép và sẽ mở một phòng triển lãm cá nhân, giúp học sinh, sinh viên mở mang thêm kiến thức về lịch sử -xã hội. Sau này, nếu các con có niềm đam mê thì ông xem đây như một kỷ vật của bố để lại, còn nếu chỉ nhìn bộ sưu tập về giá trị vật chất, ông sẽ hiến tặng cho công chúng.Và dù tình huống xấu nhất có thể xảy ra như tán gia bại sản ông vẫn không bao giờ bán bộ sưu tập này.

Trong con người ông luôn tồn tại hai ngưỡng. Một, giám đốc một doanh nghiệp được mọi người biết đến, năng động, tất bật với công việc kinh doanh; một, con người ít ai ngờ được và nhìn thấy với niềm đam mê kỳ lạ đến cô độc! Với ông, hạnh phúc thật giản dị: sau ngày làm việc, về nhà được vui đùa ít phút với con, ăn tối với vợ, và rồi có một khoảng lặng không gian riêng để ngắm nghía và khám phá những điều mới mẻ trong bộ sưu tập của chính mình.

Bách khoa toàn thư sống

Ông kể rằng, ngay từ thời niên thiếu ông đã rất mê tìm tòi và học hỏi. Bạn bè của ông lúc bấy giờ phần đông không phải những cậu bé đồng trang mà là những cụ đồ, những ông già tóc bạc có nhiều sách trong làng. “Họ quý tôi có lẽ vì thấy tôi ham đọc và quý trọng sách”- ông nói. Chưa qua bậc tiểu học, ông đã mê mẩn kho tàng văn học Việt Nam và những bộ truyện lịch sử của Trung Quốc như Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng... Đọc kỹ, nghiền ngẫm từng chi tiết và rồi ông cứ tự hỏi “Tại sao và tại sao?”. Những thắc mắc đó cuốn ông đi trong niềm háo hức được khám phá tri thức nhân loại. Càng lớn lên ông càng muốn lội ngược dòng lịch sử, muốn xem những vị tướng lĩnh vì sao lại làm được những điều phi thường như vậy.

Cuộc đời như một sự trêu ngươi với những trò ú tim! Thích khám phá lĩnh vực xã hội nhưng ông lại học cực giỏi những môn tự nhiên. Và rồi theo sự tư vấn của gia đình, ông chọn và trở thành kỹ sư của ngành điện. Giảng đường trong thời bao cấp đầy khó khăn, tiền phụ cấp và tiền gia đình cho hằng tháng, ông không dành cho những chi phí thường có ở các bạn trẻ như ăn uống, hẹn hò... Chiều thứ bảy và chủ nhật, ông lê la ở những chợ sách cũ Lê Công Kiều, Đặng Thị Nhu để tìm kiếm, đặt hàng những thứ mà bạn bè ông cho là “điên”. Tìm được hàng đã khó, tìm hiểu nguồn gốc ra đời và mọi thứ liên quan về món hàng đó còn khó hơn. Con tem, tờ tiền kia vì sao ra đời ? Quá trình lưu hành như thế nào... luôn là những câu hỏi luẩn quẩn trong đầu khiến ông phải tự đi tìm lời đáp chứ không có một tài liệu nào chỉ dẫn. “Lúc ấy tôi say, rồi nghiện luôn. Đời sinh viên lúc nào cũng rỗng túi, tôi phải làm thêm đủ việc để có tiền tậu những thứ mình thích”. Đám bạn không thể nào hiểu được con người kỳ quặc của ông. Nhưng hễ gặp bài vở khó hay một cuộc tranh cãi nào về kiến thức xã hội bao giờ ông cũng được tín nhiệm làm trọng tài phán xét. Lâu ngày thành quen, ông chết danh là cuốn “Bách khoa toàn thư sống”.

Nghề chơi quý tộc

Trần Lập cho rằng mình là kẻ được cuộc đời ưu ái rất nhiều. Ngoài việc giỏi về chuyên môn là nghề kinh doanh, ông còn có vốn hiểu biết sâu về lĩnh vực lịch sử, xã hội... Có lẽ, đấy là kết quả của chuỗi ngày tìm tòi khám phá. Ông tâm sự: “Chân trời tri thức được mở ra qua những thứ sưu tầm được. Nhiều lúc tìm được món độc, phải bỏ cả đêm tra cứu tài liệu tìm hiểu về nó tôi vẫn thấy khoái. Mất nhiều thời gian, nhưng niềm đam mê đó đã cho tôi sinh khí mới, như được sống thêm một cuộc đời, giúp tôi hứng thú hơn trong công việc”.

Sở hữu một bộ sưu tập có giá trị là điều không khó đối với những người giàu có. Nhưng để hiểu được giá trị, ý nghĩa của nó thì thực sự là một nghề chơi đòi hỏi niềm đam mê, thời gian và tiền bạc. Muốn thưởng thức và đánh giá được những thứ trong bộ sưu tập của ông, cần phải có trình độ, phải tra cứu công phu, vì chơi không đơn thuần để chơi mà đằng sau những con tem, tờ tiền là lịch sử của cả một đất nước.

Đến bây giờ ông vẫn say mê sưu tầm và nuôi dưỡng mơ ước để đến một lúc nào đó, đem những gì mình có đến với các em học sinh, sinh viên. Ông muốn khai thác giá trị tinh thần của bộ sưu tập chứ chưa bao giờ có ý định khai thác giá trị thương mại. Bởi theo ông, đây là công trình tâm huyết mà ông đầu tư cả cuộc đời thì không thể định giá bằng vật chất. Có lẽ cuộc đời này còn phú cho ông tài thuyết phục người khác nên ông đang rất được gia đình ủng hộ. Vợ ông cũng là một doanh nhân giỏi giang, có công ty riêng, đồng cảm, chia sẻ niềm đam mê của chồng. Chị lo quán xuyến việc gia đình, lo chuyện kinh doanh để ông thảnh thơi với những đam mê của mình.

Bích Hà