Tỉ phú cao su
Các Website khác - 01/09/2005

Vùng này xưa nay có ai dám trồng cao su đâu, không khéo bị lấy lại đất là trắng tay... Nói không nghe, cản không được, bà con gọi anh là Dũng “khùng”

Dọc đường Hồ Chí Minh theo hướng Nam- Bắc, khi đã vượt qua cầu treo Bến Tắt ở thượng nguồn sông Bến Hải chừng 10 km, hỏi tên Dũng “khùng” làm cao su, hầu như ai cũng biết. Một người dân Vân Kiều bảo tôi: “Ngôi nhà to nhất nằm ở bên đường Hồ Chí Minh là nhà ông Dũng đấy”.

Vuông đất nào cũng quý báu

Ngôi nhà mới xây của anh Nguyễn Văn Dũng ở khóm 5, thị trấn Bến Quan, nằm lọt thỏm giữa rừng cao su xanh thẳm. Tôi đoán chắc đây là vườn cây của nông trường thì anh Dũng cười, khoe: “Của gia đình tôi hết đấy. Tất cả 33 ha cao su đang cho khai thác mủ và gần 60 ha rừng tràm nữa, đều có sổ đỏ, sổ hồng đầy đủ”. Sinh ra ở Quảng Bình, anh Dũng luôn xem Quảng Trị là quê hương thứ hai của mình. Mùa thu năm 1982, anh Dũng đặt chân đến vùng miền Tây huyện Vĩnh Linh, làm ăn và cưới vợ, rồi định cư luôn ở mảnh đất này.

Buổi đầu, anh Dũng làm công nhân của một nông trường. Lúc ấy cơ ngơi của nông trường rất lớn nhưng dần dần, nông trường đang giàu có, hóa nghèo, rồi xóa sổ... Nhận thấy làm kinh tế tập thể theo kiểu “cha chung không ai khóc” không còn hợp thời nữa, đầu năm 1989, anh Dũng tìm đường làm kinh tế tư nhân. Ở miền Tây Vĩnh Linh, đất đai rộng mênh mông, ai muốn canh tác chừng nào cũng được. “Tôi nghĩ, không có một vuông đất nào mà không quý báu, do đó phải biết khai thác tiềm năng của đất đai sẵn có” - anh Dũng bộc bạch. Chính quyền địa phương luôn động viên người dân nhận đất trồng cây để làm xanh lại núi rừng. Thấy anh Dũng siêng năng làm ăn, địa phương liên tục cho anh hết vùng đất này sang vùng đất khác. Rồi nhiều người được cấp đất nhưng không có khả năng canh tác cũng kêu biếu không cho anh. Chỉ sau mấy năm nắm bắt đúng thời cơ, anh Dũng đã có trong tay gần 100 ha đất.

Dũng “khùng” ra tay

Núi rừng đang yên tĩnh, bỗng dưng có tiếng xe cơ giới nổ máy ầm ầm. Chạy đến thấy máy cày, máy húc đang làm đất cho anh Dũng, bà con, xóm làng xôn xao: “Thằng này bị khùng rồi hay sao mà liều lĩnh thế, xưa nay có ai dám trồng cao su ở đất này đâu? Bây giờ nó làm không sợ lỗ à?”. Người quen thân thì tìm đến nhà khuyên can: “Chú đừng có dại bỏ tiền ra cày cuốc đất cho mệt. Sau này Nhà nước lấy lại là trắng tay luôn đó...”. Nói không nghe, ngăn cản không được, bà con gọi anh là Dũng “khùng”. Anh Dũng thì suy nghĩ khác, nhận thấy thời cơ bắt đầu đến với mình nên phải chớp lấy. Đất nước bắt đầu mở cửa nền kinh tế, phải gắng sức lao động mới giàu có được.

Chiến dịch trồng cao su và trồng rừng của Dũng “khùng” bắt đầu. Có 20 công nhân luôn làm việc cho anh, chia ra 3 ca, mỗi người làm việc ngày đúng 8 tiếng. Họ được lo toan đầy đủ từ lương tháng đến cơm ăn hằng ngày, áo quần, quà cáp cho gia đình. Ngoài ra, mọi chính sách chế độ lao động được thanh toán sòng phẳng, nên rất nhiều người ở khắp các tỉnh miền Trung nghe tin đều muốn đến làm việc cho Dũng “khùng”. Mấy năm sau, trang trại cao su và rừng tràm của anh Dũng đã xanh tốt, bao phủ cả một vùng đất rộng lớn.

Gia sản hàng chục tỉ đồng

Trang trại của Dũng “khùng” nằm giữa đại ngàn Trường Sơn nên gặp rất nhiều trở ngại cho việc tiêu thụ sản phẩm. Đường đi từ Quốc lộ 1A lên vùng miền Tây Vĩnh Linh rất khó khăn. Dũng “khùng” đang băn khoăn thì đùng một cái, đường Hồ Chí Minh được xây dựng, đi ngay qua trang trại của anh. Dũng “khùng” nghe tin này mừng hơn được vàng! Bây giờ lái buôn khắp nơi đều theo đường Hồ Chí Minh tìm đến thu mua sản phẩm mủ cao su của anh. Với giá hiện tại, mỗi tấn mủ khô bán ra 25 triệu đồng, toàn bộ 33 ha cao su của Dũng “khùng” mỗi năm đem về cho anh nhiều tỉ đồng. Chưa nói đến gần 60 ha rừng tràm, trị giá mỗi héc ta chừng 80 triệu đồng, thì Dũng “khùng” đang có trong tay một gia sản hàng chục tỉ đồng.

Ngồi lai rai với bạn bè, Dũng “khùng” nói vui: “Ở cơ quan, mình bị cho là không có năng lực làm việc, về làng bà con họ tôn mình là... đại tướng của cao su tiểu điền”. Thấy tôi ngắm nghía tấm bằng khen sinh viên xuất sắc (Dũng học Trường ĐH Nông nghiệp Hà Bắc) có nhiều đóng góp trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, do Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đặng Quốc Bảo ký tặng năm 1979, Dũng “khùng” bình thản: “Tôi chỉ là người bình thường như mọi người...”.

Bài và ảnh: Linh An