Chất lượng làm luật
Các Website khác - 30/11/2005
SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Chất lượng làm luật

Lưu Quang
Đoàn thể thao VN đang làm nức lòng người hâm mộ khi lập hàng loạt kỷ lục tại SEA Games. Còn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội XI - vừa bế mạc hôm qua 29.11 - sớm hơn dự kiến 1 ngày - Quốc hội của chúng ta cũng đã lập một kỷ lục khác: Đó là kỷ lục về tốc độ làm luật. Trong vòng hơn 40 ngày, bên cạnh nhiều chương trình nghị sự khác, Quốc hội đã chính thức thông qua 13 dự án luật, cho ý kiến về 9 dự án luật.

Đây là một nhịp độ thông qua luật mà có lẽ từ trước tới nay chúng ta chưa bao giờ đạt được. Trong những bộ luật được khai sinh tại kỳ họp này có những luật cực kỳ "nhạy cảm", đang được toàn xã hội trông đợi như: Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Chống lãng phí và thực hành tiết kiệm. Có những bộ luật tối cần thiết cho nền kinh tế VN trên bước đường hội nhập và phát triển, như: Luật Đầu tư chung, Luật Doanh nghiệp thống nhất... Có những bộ luật rất quan thiết với mỗi người dân như Luật Nhà ở, lại có những luật còn khá mới mẻ như Luật Sở hữu trí tuệ... Làm luật khẩn trương là để mau chóng hoàn thiện hệ thống luật pháp đang còn không ít kẽ hở của chúng ta.

Làm luật khẩn trương cũng là để thích ứng với quá trình hội nhập của Việt Nam vào các "sân chơi chung" khu vực và quốc tế. Để đạt được tốc độ làm luật "1 ngày bằng 3 năm" vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã phải cố gắng rất nhiều, đã làm ngày làm đêm chạy đua với thời gian. Nhiều cách làm mới đã được áp dụng, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật: Lần đầu tiên Quốc hội chia hai hội trường để cùng thảo luận, quá trình chuẩn bị trước kỳ họp được làm kỹ càng hơn, thời gian thảo luận tại Quốc hội rút ngắn hơn... Và phải khẳng định rằng, một số lượng rất lớn luật được thông qua đúng hạn là kết quả đáng ghi nhận nhất của kỳ họp Quốc hội lần này.

Nhưng số lượng bao giờ cũng phải đi đôi với chất lượng. Chất lượng làm luật của chúng ta hiện nay liệu đã tăng tương xứng với số lượng luật ban hành và tốc độ xây dựng luật ? Tại kỳ họp lần này, có một số nội dung trong một số dự án luật đã gây rất nhiều tranh cãi trong dư luận nhân dân, cũng như trong chính nội bộ các đại biểu Quốc hội. Ví dụ như một số điều khoản của Luật Đầu tư - dù cuối cùng đã được thông qua, nhưng vẫn gây những lo ngại sâu sắc trong cộng đồng doanh nghiệp. Hay một số những quy định còn khá mơ hồ của Luật Đấu thầu. Hay một số điều nghe thì thuận tai với quốc tế, nhưng liệu đã thích hợp với điều kiện VN trong Luật Sở hữu trí tuệ. Và bao trùm hơn cả có lẽ là tình trạng "luật khung", "luật treo" vẫn khá phổ biến. Có nghĩa là luật đã ban hành, nhưng vẫn còn khá nhiều những điều khoản chung chung, đòi hỏi phải có các nghị định, hướng dẫn luật từ phía các cơ quan hành pháp. Người đứng đầu Quốc hội cũng đã phải lên tiếng cảnh báo tình trạng này, khi cho rằng chúng ta rất cần khẩn trương xây dựng luật, nhưng nếu luật chưa đạt chất lượng thì sẽ không thể thông qua bằng mọi giá, rằng điều luật liên quan trực tiếp tới đời sống người dân thì phải quy định cụ thể, càng cụ thể càng tốt, ngay từ trong luật.

Chương trình làm luật của Quốc hội năm 2006 cũng như tới 2010 còn rất nặng nề. Sẽ còn hàng trăm dự luật cần phải được xây dựng, hàng trăm bộ luật phải được thông qua. Chất lượng làm luật của Quốc hội ta những năm gần đây đã không ngừng được cải thiện. Nhưng nâng cao hơn nữa chất lượng làm luật vẫn là điều mà cử tri cả nước tiếp tục mong mỏi ở Quốc hội.