Chính phủ tuyên chiến với tệ đục khoét vốn đầu tư
Các Website khác - 18/10/2005
Thủ tướng Phan Văn Khải.

Trong báo cáo kinh tế - xã hội trước Quốc hội, Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thể hiện quyết tâm tạo bước chuyển biến rõ nét trong việc ngăn chăn tệ đục khoét vốn nhà nước.

Năm 2005, tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 8,4%, mức cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, giá trị tăng thêm của nông, lâm, ngư nghiệp 4,1%; công nghiệp và xây dựng 10,7%; dịch vụ 8,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 20%.

Những thành tựu trên là rất quan trọng và đáng phấn khởi, nhưng theo Thủ tướng, vẫn còn nhiều mặt yếu kém, đang kìm hãm bước tiến của đất nước. Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn 2006-2010, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các giải pháp cụ thể.

Xác định trách nhiệm của cơ quan quyết định đầu tư

Theo Thủ tướng, trong những năm tới đầu tư nhà nước tiếp tục tăng, chiếm gần một nửa tổng đầu tư toàn xã hội. Do đó, việc chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà nước có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả đầu tư. Trong thời gian tới, sẽ kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư ồ ạt, phân tán, không đồng bộ, không tính đến hiệu quả, gây lãng phí lớn.

"Chính phủ sẽ chỉ đạo việc tổng kết các công trình đã xây dựng trong 5 năm qua, nhưng không sử dụng hoặc phát huy tác dụng rất hạn chế do chủ trương sai hoặc không đồng bộ. Qua đó, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quyết định chủ trương đầu tư, kể cả cấp trung ương, để có biện pháp khắc phục và ngăn chặn tái diễn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ năm 2006, Chính phủ sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp chống đục khoét vốn đầu tư nhà nước, coi lĩnh vực này là trọng điểm triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng chống tham nhũng - được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Để tạo hàng lang pháp lý, Chính phủ sẽ hoàn chỉnh quy chế xác định trách nhiệm của chủ đầu tư đi đôi với xóa bỏ vòng khép kín các khâu thiết kế, thi công, giám sát đối với một dự án đầu tư. Hội đồng nhân dân và dân cư sẽ được tạo điều kiện cần thiết, cả về kinh phí để tham gia giám sát thực hiện các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn địa phương.

Kiềm chế lạm phát phải phù hợp với biến động thị trường

Năm 2005, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 8%, không thực hiện được mức kiềm chế dưới 6,5% do Quốc hội đề ra. Tại diễn đàn Quốc hội sáng nay, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đề nghị Quốc hội đề ra nhiệm vụ kiềm chế lạm phát phù hợp với tình hình đang biến động, chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan. Quốc hội không nên quy định một mức nhất định về chỉ số giá tiêu dùng như mấy năm trước.

"Vừa qua, Chính phủ đã dùng mọi biện pháp, kể cả các biện pháp hành chính để kìm giữ giá một số mặt hàng trong nước nhằm kiềm chế giá tiêu dùng. Tuy nhiên, những biện pháp này không thể kéo dài, vì không phù hợp với kinh tế thị trường và vượt quá khả năng kinh tế của nhà nước", Thủ tướng nói.

Theo ông, Chính phủ đang cố gắng điều hòa kinh tế vĩ mô về thị trường và giá cả thông qua việc điều tiết quan hệ cung cầu hàng hóa thiết yếu, kiểm soát giá những mặt hàng độc quyền kinh doanh hoặc có thị phần khống chế. Về nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần, Chính phủ đang chỉ đạo tăng nhanh nguồn điện với cơ cấu hợp lý và bằng nhiều hình thức đầu tư, đẩy mạnh tiết kiệm sử dụng điện bằng cả chính sách khuyến khích và quy định bắt buộc.

Công khai, minh bạch hơn để chống tham nhũng

"Thực tiễn cho thấy rõ, nơi nào thực hiện tốt minh bạch, công khai và dân chủ thì ở đó cơ quan nhà nước phục vụ dân tốt hơn, tệ tham nhũng và lãng phí được hạn chế ở mức thấp. Sự giám sát của công chúng và báo chí là con đường tốt nhất để toàn xã hội hợp sức xây dựng bộ máy công quyền trong sạch vững mạnh", Thủ tướng khẳng định.

Theo Thủ tướng, dư luận xã hội rất không đồng tình khi các hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức do báo chí và công dân giúp phát hiện không được xử lý đúng mức, điển hình là các vụ chiếm dụng đất đai xảy ra tại nhiều nơi. Ngay tại các cơ quan có chức năng quan trọng thực thi pháp luật, đấu tranh chống tham nhũng cũng xảy ra không ít vi phạm như sách nhiễu nhân dân, nhận hối lộ...

Từ 2006 trở đi, Báo cáo hằng năm của Chính phủ trình Quốc hội sẽ có phần đánh giá chính thức về tình hình công tác chống tham nhũng, lãng phí của các Bộ và địa phương. Ngành nào, địa phương nào chấp hành luật không nghiêm túc, tệ nhũng nhiễu và lãng phí không giảm thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm trước HĐND.

"Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2004, Chính phủ đã báo cáo với QH về chủ trương xây dựng và vận hành cơ chế thanh tra công vụ. Chính phủ đề nghị Quốc hội ủng hộ chủ trương này để trong những năm tới chúng ta thiết lập một hệ thống thanh tra công vụ hoạt động có hiệu quả" - Thủ tướng nói.

Việt Anh

Ý kiến của bạn: