Đại biểu được chọn luật
Các Website khác - 18/10/2005

Đại biểu được chọn luật
Đình Chúc

Hôm nay (18.10), kỳ họp thứ 8, QH khoá XI chính thức bước vào ngày làm việc đầu tiên của một kỳ họp - dự kiến kéo dài hơn 1 tháng. Hơn 1 tháng - có thể là khoảng thời gian không quá ngắn với một kỳ họp, nhưng với một khối lượng công việc đồ sộ mà QH phải hoàn thành (đặc biệt là việc thông qua hàng chục dự án luật) thì lại quá ngắn.

Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã nhiều lần lên tiếng là QH phải tiết kiệm từng phút, từng giây trong các kỳ họp - bởi nếu lãng phí thời gian, không những đồng nghĩa với lãng phí tiền bạc của nhân dân mà quan trọng hơn là làm chậm đi tiến trình làm luật - một đòi hỏi cấp bách, khi gia nhập WTO.

Chính vì lẽ đó, tại cuộc họp báo ngày 14.10, Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh đã đưa ra một thông tin được cử tri đặc biệt quan tâm: Điểm cải tiến nổi bật ở kỳ họp lần này là ĐBQH sẽ được đăng ký thảo luận những dự án luật mà mình quan tâm và am hiểu sâu. Nói một cách nôm na là ĐBQH có quyền "chọn" những dự án luật thuộc "sở trường" của mình. Như thế, ít nhất là QH sẽ chia ra làm hai hội trường để tiến hành thảo luận các dự án luật.

Cải tiến này mới nghe tưởng đơn giản, nhưng ngẫm kỹ thì hiệu quả rất lớn. Ai cũng biết, trong nhiệm kỳ khoá XI, QH đã phải thông qua một khối lượng các dự án luật đồ sộ, với tổng số lên tới hơn 100 bộ luật và cho ý kiến cũng với từng ấy dự thảo luật khác.

Đây vừa là đòi hỏi chủ quan đặt ra từ yêu cầu cuộc sống nội tại, vừa là yêu cầu cấp bách khách quan từ tiến trình hội nhập. Bởi thế, tại một số kỳ họp gần đây, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã bày tỏ quyết tâm rất cao của QH và UBTVQH: "QH có thể làm luật ngày đêm vì hội nhập".

Song cũng cần phải nhắc lại rằng, tại nhiều khoá họp trước đây, QH đã mất khá nhiều thời gian cho công tác làm luật. Cả một hội trường với 400-500 ĐBQH đã phải dành hàng ngày trời ngồi nghe đọc hết dự thảo luật này tới dự thảo luật khác (trong khi mỗi vị đều có đầy đủ các tài liệu được in sẵn).

Nhưng điều lãng phí hơn là trong số này, có nhiều bộ luật chuyên ngành, kiến thức rất sâu, lẽ ra chỉ cần một nhóm các ĐBQH có kiến thức chuyên môn hoặc quan tâm lĩnh vực này ngồi thảo luận là đủ. Việc toàn bộ ĐBQH ngồi nghe các ý kiến tham luận vừa mất thời gian, vừa không hiệu quả.

Thậm chí, có những kỳ họp, lãnh đạo QH đã phải lưu ý các ĐB về hội chứng "làm văn tập thể", khi nhiều ĐB quá "quan tâm" tới việc sửa chữa câu chữ trong từng điều luật.

Một QH hiện đại đòi hỏi tính chuyên nghiệp hoá ngày càng cao - mà một trong những yêu cầu cấp bách là chuyên nghiệp hoá công tác làm luật để vừa hoàn thành về "lượng", vừa nâng cao về "chất" các bộ luật được thông qua.

Và việc để các ĐBQH có quyền được "chọn" tham gia thảo luận, xem xét các dự án luật hợp với "sở trường" của mình chính là một bước chuyên nghiệp hoá công tác làm luật của một QH hiện đại.