Chính sách tích cực giúp VN thực hiện tốt MDG
Các Website khác - 03/09/2005

Hà Nội (TTXVN) - Ông Phan Văn Ngọc, Giám đốc ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở chính tại Johannesburg (Nam Phi), khẳng định chính sách tích cực đã giúp Việt Nam thực hiện tốt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).

Ông Ngọc cho rằng kể từ năm 1995, thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam là đã duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao và ổn định. Nếu so sánh với các nước có thu nhập bình quân đầu người tương tự như Việt Nam thì có thể nói rằng chưa có nước nào thực hiện được mục tiêu như Việt Nam đã làm trong thời gian qua.

Viêt Nam đạt được những thành tựu đáng khâm phục trong việc xóa đói giảm nghèo chính là nhờ việc duy trì đựơc tốc độ phát triển kinh tế ở mức cao trong nhiều năm cộng với những chính sách phù hợp trong công tác xoá đói giảm nghèo. Theo con số thống kế của Ngân hàng Thế giới, năm 1993, có tới 67% dân số Việt Nam sống dưới mức nghèo khổ, nhưng tới năm 2004 thì con số này chỉ còn 24%. Như vậy, Việt Nam về cơ bản đã thực hiện thành công mục tiêu đầu tiên trong các mục tiêu thiên niên kỷ.

Nguyên nhân chính dẫn tới thành công ban đầu của Việt Nam là do Chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, Việt Nam đã đưa ra chính sách tập trung phát triển nông nghiệp, tạo đà phát triển rộng lớn ở nông thôn; và giữ ổn định về chính trị, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Ông Ngọc cho biết ActionAid Việt Nam, một tổ chức có nhiều đóng góp cho việc chống đói nghèo trên thế giới, vừa thực hiện một cuộc khảo sát tại 7 tỉnh thành, trong đó có Hà Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh và Trà Vinh. Hầu hết các vùng được khảo sát, kể cả vùng sâu vùng xa ở Hà Giang, đều được hưởng lợi từ các chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vấn đề phân hóa giàu nghèo giữa các vùng đã nảy sinh ở Việt Nam , đặc biệt là giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi… Theo ông Ngọc, đây là một vấn đề mà nhiều nước đều phải đối mặt trong quá trình phát triển. Để đảm bảo mọi người dân đều đựơc hưởng thành quả của công cuộc phát triển một cách công bằng, Chính phủ cần có những chính sách điều tiết hợp lý và tập trung hơn cho các vùng kém phát triển.

Ông Ngọc cho rằng tiến trình phát triển ở Việt Nam hiện vẫn chưa thực sự bền vững. Các dịch vụ xã hội tuy có được mở rộng về quy mô nhưng chất lượng còn thấp. Về kinh tế, nếu đi sâu vào các vùng sâu vùng xa, các hộ tái nghèo vẫn còn, rất nhiều gia đình còn nằm kề cạnh ngưỡng nghèo và rất dễ rơi trở lại tình trạng nghèo đói nếu xảy ra thiên tai hoặc rủi ro khác.

Trong hơn mười năm vừa qua, ActionAid Việt Nam cùng với các đối tác địa phương đã thực hiện các chương trình giúp các cộng đồng nghèo đảm bảo an ninh lương thực; tiếp cận giáo dục mà chủ yếu là các chương trình xóa mù cho người lớn, tập trung vào đồng bào thiểu số; thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội và gia đình, và chống buôn bán phụ nữ.

ActionAid Việt Nam đã kết hợp với các cấp, các ngành của Chính phủ để giúp đỡ những phụ nữ ở các vùng có nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em thông qua việc tăng cường nhận thức về hiểm họa mà họ có thể gặp khi bị bán sang nước khác, nhằm giúp họ có những quyết định đúng đắn; nâng cao nhận thức và phòng chống HIV/AIDS như thành lập nhóm đồng đẳng, giúp những người này hòa nhập vào cộng đồng, chống kỳ thị phân biệt đối xử, phát triển kinh tế gia đình; công tác vận động chính sách; và nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.

ActionAid Việt Nam cũng đã tập trung giúp đỡ đào tạo cán bộ ở địa phương, nâng cao trình độ quản lý, đặc biệt trong các vùng khó khăn. Với phương thức tiếp cận dựa trên quyền của người nghèo, ActionAid Việt Nam đã góp phần vào công tác vận động, trao quyền và tăng cường sự tham gia của người nghèo vào việc hoạch định chính sách, tăng cường dân chủ ở cơ sở. Ngoài ra, ActionAid còn giúp người dân địa phương tự xây dựng các mô hình phát triển và mở các lớp huấn luyện, thi sáng kiến để người dân nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội.

Năm 1992, ActionAid mới bắt đầu thực hiện một số dự án ở Sơn La và Quảng Ninh, nhưng cho tới nay đã triển khai các chương trình phát triển dài hạn ở 12 tỉnh và thành phố trên toàn quốc.

Trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng cũng sẽ có nhiều cơ hội. Theo ông Ngọc, những thách thức chính mà Việt Nam sẽ gặp là việc phân hóa giàu nghèo, việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới sẽ tạo ra thách thức mới, dẫn đến việc phân hoá càng gay gắt hơn trong đó các cộng đồng nghèo sẽ luôn bị yếu thế. Như vậy, Nhà nước cần phải có những chính sách đón đầu để giúp đỡ người nghèo, bao gồm nông dân, các nhóm dân tộc thiểu số, và các nhóm nghèo mới như nhóm nhiễm HIV/AIDS, nhóm di cư, nhóm phụ nữ và trẻ em bị buôn bán v.v.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ có rất nhiều cơ hội để thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ. Việc gia nhập thị trường thế giới sẽ giúp tạo thêm việc làm cho người lao động Việt Nam. Đặc biệt, việc chuyển đổi mô hình từ phát triển nông nghiệp sang tập trung vào ngành dịch vụ và sản xuất công nghiệp qui mô nhỏ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho nông dân. Bên cạnh đó, Việt Nam lại có tài nguyên thiên nhiên phong phú, thuận lợi cho ngành xuất khẩu.

Để đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đã đến lúc Việt Nam cần tập trung vào vấn đề chất lượng phát triển, xây dựng mô hình phát triển bền vững. Đồng thời, cần chú ý nâng cấp quản lý ở cơ sở, có chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế, sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực cũng như vật lực ở địa phương. Việt Nam cũng cần có lộ trình phát triển kinh tế hợp lý, không nên tập trung quá nhiều vào các vùng thuận lợi mà nên đầu tư cân đối vào các vùng khó khăn, nhằm giúp phát triển đồng đều giữa các khu vực./.