Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của chúng ta
Các Website khác - 27/03/2006
Thời gian gần đây, lợi dụng việc Ðảng ta lấy ý kiến toàn dân đóng góp Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng, một số phần tử cơ hội và thù địch đã phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Sự sai trái của những luận điệu đó là ở chỗ nào?
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một học thuyết nghiên cứu bản chất, điều kiện giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động khỏi sự áp bức bóc lột của giai cấp tư sản, do đó từ khi ra đời đến nay luôn bị các thế lực thù địch chống đối quyết liệt. Thời gian gần đây, lợi dụng việc Ðảng ta lấy ý kiến toàn dân đóng góp Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng, một số phần tử cơ hội và thù địch đã phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Sự sai trái của những luận điệu đó là ở chỗ nào?

Thứ nhất, có ý kiến cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin ra đời từ giữa thế kỷ 19 trong điều kiện văn minh công nghiệp cơ khí, do đó đã trở thành lạc hậu. Ý kiến này không đúng trên cả hai phương diện. Về mặt thời gian, một học thuyết còn giá trị hay không, không phụ thuộc vào thời gian xuất hiện. Nhiều phát minh khoa học từ thời kỳ cổ đại đến nay vẫn có giá trị đối với sự phát triển của loài người. Về cơ sở kinh tế - chính trị - xã hội, chủ nghĩa Mác - Lê-nin ra đời trên cơ sở nền công nghiệp hiện đại, một nền sản xuất với kỹ thuật hiện đại, xã hội hóa ngày càng cao theo xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hóa tạo ra năng suất lao động cao và tăng lên rất nhanh. Nền công nghiệp hiện đại phát triển qua ba quá trình và sự đan xen gắn kết của ba quá trình đó trong một chỉnh thể. Ðó là cơ khí hóa, điện khí hóa và tự động hóa. Giai cấp công nhân vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền sản xuất công nghiệp hiện đại do đó là lực lượng sản xuất cơ bản của thời đại ngày nay.

Cũng cần nói thêm rằng, hiện nay các văn bản chính thức của quốc tế và quốc gia vẫn dùng khái niệm công nghiệp. Nhóm G7 được gọi là nhóm các nước công nghiệp phát triển, tiếp đến nhóm các nước công nghiệp mới, còn hơn 100 nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cùng với quá trình xã hội hóa sản xuất là quá trình dân chủ hóa trong chính trị và công bằng hóa trong xã hội. Ðó là những quá trình phát triển khách quan của nhân loại, mà chủ nghĩa tư bản không thể thực hiện triệt để được các quá trình này. Vì vậy, loài người nhất định sẽ tiến tới một xã hội tiến bộ hơn, đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu của nó là xã hội xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin không lạc hậu như một số người đã rêu rao.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, từ giữa thế kỷ thứ 20 đến nay, thế giới đã thay đổi quá nhiều nên chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng cần phải bổ sung, phát triển. Ðây chính là luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin nhưng đã bị lợi dụng với ý đồ đòi từ bỏ và đoạn tuyệt với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Ở Việt Nam cũng có câu "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng có "Cái bất biến" và "cái vạn biến".

Cái bất biến là "chủ nghĩa tư bản nhất định được thay thế bằng chủ nghĩa cộng sản và người có vai trò thực hiện bước thay thế ấy là giai cấp công nhân mà Ðảng Cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân lãnh đạo". "Cái vạn biến" là hình thức, bước đi của quá trình đó ở những giai đoạn khác nhau, các dân tộc khác nhau sẽ diễn ra rất khác nhau (phong phú, đa dạng) do đặc điểm về lịch sử, kinh tế, văn hóa của dân tộc đó quy định. Lê-nin nói "Các dân tộc đều đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản (cái bất biến), nhưng mỗi dân tộc đều đem theo đặc điểm của dân tộc mình vào quá trình đó (cái vạn biến)".

Loại ý kiến thứ ba cho rằng, ở Việt Nam chỉ cần nói tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nói chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Quan điểm này mới nghe có vẻ hợp lôgic. Song thực chất là ra vẻ đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin là bỏ cái gốc cốt yếu nhất, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin là gốc, là cốt của Ðảng. Họ còn cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin chỉ nói về giai cấp và đấu tranh giai cấp, do đó, các đảng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã thất bại, còn tư tưởng Hồ Chí Minh đề cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc, do đó Việt Nam thành công.

Ðể luận chứng cho quan điểm này họ thường viện dẫn hiện tượng "chuyên chính vô sản" dưới thời Pol Pot ở Cam-pu-chia hoặc trích khẩu hiệu có xu hướng tả trong thời kỳ Xô-viết - Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931. Thật ra tập đoàn Pol Pot mượn khái niệm Ðảng Cộng sản, chuyên chính vô sản trong chủ nghĩa Mác - Lê-nin để thi hành chính sách diệt chủng, diệt dân tộc chứ không có gì thuộc nội dung và hình thức đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Khẩu hiệu trong thời kỳ Xô-viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 chỉ là biểu hiện tả khuynh trong chủ trương ở một thời kỳ cụ thể, ở bộ phận những người cộng sản cụ thể đã xuất hiện trong phong trào cộng sản quốc tế mà Lê-nin đã phê phán, đó là loại bệnh "Bệnh ấu trĩ tả khuynh". Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống giai cấp tư sản thống trị bóc lột có ba nội dung. Ðấu tranh kinh tế, đấu tranh chính trị và đấu tranh tư tưởng lý luận.

Cả ba nội dung nói trên đều là cơ bản, có vị trí quan trọng như nhau, nhưng tùy điều kiện cụ thể mà nội dung nào đó nổi lên như nội dung cơ bản hàng đầu. Thí dụ, khi chưa có chính quyền, nội dung đấu tranh chính trị mà đỉnh cao là cách mạng chính trị là nội dung cơ bản hàng đầu. Trong "Tuyên ngôn Ðảng Cộng sản", Mác và Ăng-ghen đã viết: "giai đoạn thứ nhất của cuộc cách mạng công nhân là giành lấy dân chủ, giành lấy chính quyền nhà nước.

Khi đã có chính quyền thì nội dung đấu tranh kinh tế là nội dung cơ bản hàng đầu thể hiện ở nhiệm vụ xây dựng và phát triển một phương thức sản xuất mới cao hơn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; rằng xét đến cùng thì năng suất lao động là cái quyết định cho thắng lợi của một trật tự xã hội mới, do đó chuyên chính vô sản không chỉ là bạo lực và cũng không phải chủ yếu là bạo lực, mà chủ yếu là tổ chức và xây dựng, trong đó xây dựng kinh tế là nội dung quan trọng nhất. Ðó là thực chất và sức mạnh của chuyên chính vô sản. Cũng có thời kỳ cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận là nội dung cơ bản hàng đầu. Thí dụ những năm đầu thế kỷ 20, khi mà khuynh hướng sùng bái tính tự phát trong phong trào công nhân, sùng bái chủ nghĩa kinh tế chi phối tiêu cực phong trào cách mạng Nga, thì Lê-nin đã coi nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng lý luận là nhiệm vụ hàng đầu. Lê-nin đã viết một loạt bài với tiêu đề "Bắt đầu từ đâu" đăng trên báo Tia lửa, trong đó Lê-nin nêu bật vai trò của hệ tư tưởng lý luận với luận điểm nổi tiếng, không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng; rằng chỉ có một đảng nào có lý luận tiên phong soi đường thì mới làm tròn vai trò của chiến sĩ tiên phong.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin không chỉ nói đến giai cấp và đấu tranh giai cấp. Khi phân tích quá trình cách mạng của giai cấp công nhân, Mác và Ăng-ghen đã chỉ ra rằng giai cấp công nhân mang bản chất quốc tế, nhưng vẫn có tính chất dân tộc. Vì giai cấp công nhân ở mỗi nước trước hết phải thanh toán giai cấp tư sản ở nước mình, phấn đấu trở thành dân tộc, xây dựng mình thành giai cấp dân tộc. Luận điểm trên thể hiện rõ sự nhận thức sâu sắc của Mác và Ăng-ghen về sự thống nhất giữa giai cấp công nhân và dân tộc.

Phát triển quan điểm của Mác và Ăng-ghen trong điều kiện mới khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, vấn đề dân tộc trở thành vấn đề dân tộc thuộc địa..., Lê-nin đã viết nhiều bài chính luận về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đặt trong mối quan hệ với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân, trong đó có Cương lĩnh dân tộc với ba nội dung: Các dân tộc có quyền bình đẳng, các dân tộc có quyền tự quyết, đoàn kết công nhân và các dân tộc lại. Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng bắt đầu từ lý luận về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc qua tác phẩm "Sơ thảo lần thứ nhất vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lê-nin. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam với tinh hoa văn hóa nhân loại và chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong đó chủ nghĩa Mác - Lê-nin nâng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lên một chất mới. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới và dân tộc Việt Nam đi vào quỹ đạo của thời đại mới, được mở ra từ cách mạng Tháng Mười Nga. Do đó, cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Ðảng Cộng sản Việt Nam, kim chỉ nam cho hành động của Ðảng và cách mạng nước ta. Loại ý kiến thứ tư cho rằng, sự lựa chọn con đường phát triển của đất nước phải căn cứ vào thực tiễn của đất nước mình, dân tộc mình. Ý kiến này có phần đúng nhưng chưa đủ.

Trong thời đại ngày nay sự phát triển của một nước, một dân tộc không chỉ từ thực tiễn đất nước mà còn từ thực tiễn thời đại và hệ tư tưởng của giai cấp tiên tiến trong thời đại đó. Vậy thực tiễn của thời đại, thực tiễn Việt Nam và hệ tư tưởng chính trị từ giữa thế kỷ 19 là gì? Thực tiễn thứ nhất là chủ nghĩa tư bản châu Âu, Bắc Mỹ mở rộng địa bàn thống trị của nó thông qua các cuộc chiến tranh xâm lược nước khác. Việt Nam trở thành đối tượng xâm lược của chủ nghĩa tư bản thực dân Pháp. Sau những cuộc đàn áp đẫm máu phong trào yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp đặt ách thống trị trên toàn cõi Ðông Dương với cái tên mới xứ Ðông Dương thuộc Pháp gồm năm Kỳ, cái tên Việt Nam cũng không còn nữa. Ðó là một thực tế.

Thực tế thứ hai là, giai cấp tư sản thực dân Pháp đã từ chối hợp tác với phong trào Tây du của cụ Phan Chu Trinh; giai cấp tư sản quân phiệt Nhật từ chối hợp tác với phong trào Ðông du của cụ Phan Bội Châu. Sự từ chối ấy bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là không thể có sự hợp tác bình đẳng giữa kẻ thống trị với người bị trị, giữa kẻ cướp nước và những người mất nước. Trong lịch sử Việt Nam giai cấp tư sản Việt Nam có hai bộ phận; Bộ phận tư sản dân tộc yếu kém cả về kinh tế, chính trị, dễ thỏa hiệp về tư tưởng; hộ phận tư sản mại bản thì cam tâm làm tay sai cho thực dân, đế quốc.

Thực tế thứ ba là, sau thất bại của các phong trào nói trên, con đường cứu nước như trong đêm tối, tưởng như không có con đường nào khác thoát khỏi kiếp nô lệ ngựa trâu mà lời tự vãn của cụ Phan Bội Châu đã nói lên điều đó "Trong đời tôi chứng kiến trăm lần thất bại chưa có một lần thành công". Ðó là một thực tế lịch sử. Thực tế thứ tư là, sau nhiều năm suy ngẫm và 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước qua khoảng 30 quốc gia, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra từ cách mạng tư sản Pháp và cách mạng tư sản Mỹ là các cuộc cách mạng không đến nơi (tức là không triệt để).

Ðồng thời từ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, từ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: Con đường để giải phóng thực sự các dân tộc bị áp bức chỉ có thể là con đường Cách mạng vô sản, con đường đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ðó là một thực tế.

Thực tế thứ năm là, sau 10 năm chuẩn bị trên cả ba phương diện: Tư tưởng lý luận, đường lối chính trị và tổ chức cán bộ, Nguyễn Ái Quốc đã thống nhất lực lượng cách mạng Việt Nam với việc thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Do có Ðảng lãnh đạo đề ra đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo, Cách mạng Việt Nam đã vượt qua bốn cột mốc lớn: Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi 1954, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi 1975 và đi lên xây dựng chế độ xã hội mới xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước, tiến hành đổi mới thắng lợi với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Ðó là một thực tế.

Thực tế thứ sáu là, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Ðảng và Nhà nước ta đã đánh giá rất cao vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với Cách mạng Việt Nam. Có thể nêu một số thí dụ sau đây: Mở đầu cuốn "Ðường Kách mệnh" (1927), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã trích ở trang đầu câu nói nổi tiếng của Lê-nin: "Không có lý luận cách mạng thì không có vận động cách mạng". Ở cuối phần một cuốn sách này, Người khẳng định vai trò dẫn đường của lý luận cách mạng: Ðảng có vững thì cách mạng mới thành công... Ðảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm nòng cốt... Ðảng không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn... Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t2, tr176). Năm 1951, trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh: Học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức là những nhiệm vụ cần kíp của Ðảng. Năm 1960, trong bài "Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin", Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: Chủ nghĩa Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng Việt Nam không những là cái cẩm nang thần kỳ, không những là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Năm 1966, trong bài nói chuyện với lớp bồi dưỡng đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tiếp tục khẳng định: Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng.

Thực tế thứ bảy là, trong thời kỳ cải tổ, Liên Xô có tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật và trình độ dân trí cao hơn hẳn Việt Nam, Trung Quốc và Cu-ba, nhưng cải tổ ở Liên Xô lại thất bại. Sự thất bại đó có nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân có ý nghĩa quyết định trực tiếp là sai lầm trong đường lối cải tổ, một đường lối xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Sau 10 năm Ðảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo, Liên Xô từ vị trí một trong hai siêu cường thế giới tụt xuống vị trí của các nước trung bình, thậm chí có người còn xếp nước Nga vào vị trí các nước đang phát triển, Trung Quốc, Việt Nam bước vào cải cách, đổi mới ở trình độ thấp hơn và khó khăn hơn Liên Xô rất nhiều, nhưng cải cách đổi mới lại thành công.

Nguyên nhân thành công có nhiều nhưng nguyên nhân có ý nghĩa quyết định trực tiếp nhất là Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Ðảng Cộng sản Việt Nam có đường lối cải cách, đổi mới đúng đắn. Ðường lối đó thể hiện sự trung thành, sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn đất nước và thực tiễn thời đại.

Ở Việt Nam, trong suốt quá trình đổi mới, các văn kiện, nghị quyết của Ðảng đều khẳng định vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam nói chung và trong quá trình đổi mới nói riêng. Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ IX của Ðảng rút ra bài học số một sau 15 năm đổi mới là: Trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó văn kiện khẳng định vị trí quan trọng của Cương lĩnh năm 1991: Cương lĩnh là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Ðảng hiện nay và trong những thập kỷ tới. Ðảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng tiếp tục rút ra bài học kinh nghiệm thành công số một của hai mươi năm đổi mới là: "Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ðổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn để tới thắng lợi. Ðổi mới không phải là xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Ðảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Từ đó khẳng định yêu cầu số một trong đổi mới, chỉnh đốn Ðảng là "Kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động của Ðảng. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra... Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối quan điểm của Ðảng, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch". Với những điều trình bày trên đây, chúng ta càng khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh chỉ có thể được thực hiện bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh công nhân, nông dân, trí thức do Ðảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, lãnh đạo. Ðó là nội dung cốt lõi của Cách mạng Việt Nam, là "cái bất biến" không thể thỏa hiệp.

PGS. TS NGUYỄN VĂN OÁNH