“Cơn sốt” tìm người giúp việc
Các Website khác - 11/02/2009
 Những ngày sau tết, tại các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL), nhu cầu tìm người giúp việc đã tăng đột biến. Theo các trung tâm này, “tìm đỏ mắt mới có thể có được người giúp việc nhà

Thiếu nguồn cung ứng

Vừa mở cửa ngày mùng 5 Tết, Trung tâm (TT) DVVL TP. HCM đã tiếp nhận nhiều đơn hàng tuyển tạp vụ, lao động phổ thông, làm việc chăm sóc các căn hộ, vệ sinh máy móc, lau kính, thu nhập từ 1,2-1,8 triệu đồng/người/tháng nhưng đều không thế đáp ứng.

Các TT Vinhempich, DVVL Trí thức, TT&GĐ cung ứng lao động Q.5 cũng nhận được nhiều khách hàng tìm người giúp việc gia đình “hợp đồng trong ngày”, nhưng chỉ có thể cung ứng “nhỏ giọt”. Nhiều hộ gia đình, nhất là công chức, người có con nhỏ, cha mẹ già những ngày này đều chạy đôn chạy đáo tìm người giúp việc.

Tại công ty chuyên đào tạo, huấn luyện người giúp việc Chuyên Việt- Promaids, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 5-10 khách hàng nhưng khả năng đào tạo, huấn luyện của công ty chỉ đáp ứng một phần nhỏ gồm: quản gia, bảo mẫu và chăm sóc y tế. Bà Trần Thị Diễm Châu - Phó giám đốc công ty cho biết: “Công ty đào tạo miễn phí cho người giúp việc. Tùy theo khả năng, thời gian học từ hai - bốn tuần, người lao động được nhận lương với đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT, được huấn luyện bổ sung, chuyển chủ khi hết hợp đồng, thu nhập tối thiểu 1,6 triệu đồng/người/tháng nhưng ít người chọn nghề này”.

Để tạo nguồn, công ty đã đi khắp các tỉnh, vận động phụ nữ nghèo, người thất nghiệp tham gia nhưng vẫn ít người hưởng ứng. Hàng tháng công ty tiếp nhận được 20 - 30 ứng viên. Số người trụ lại sau khóa học và đạt yêu cầu chỉ chiếm 1/3.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc TT giới thiệu việc làm TP. HCM nhận xét: “Nhu cầu người giúp việc tăng cao, mặc dù người lao động mất việc nhiều nhưng những người chấp nhận làm công việc giúp việc nhà thường chỉ theo mùa vụ. Phần lớn trong số này ít thích gắn bó lâu dài với công việc, nên tình trạng khan hiếm liên tục xảy ra. Thị trường rất cần những tổ chức đào tạo chuyên nghiệp, tính pháp lý cao, đảm bảo uy tín để có thể cân đối cung - cầu”.

Tùy theo điều kiện mỗi gia đình và những yêu cầu cụ thể, lương người giúp việc cũng tăng vọt từ 1,5 - 2 triệu đồng/ người/ tháng cùng với những “phúc lợi mềm” theo thỏa thuận: tiền ăn sáng, mua sắm quần áo, tiền về quê hàng năm. Do khan hiếm người, hiện nhiều gia đình đã chọn giải pháp tìm người giúp việc theo giờ, hai-bốn tiếng/ ngày hoặc hai - ba ngày/tuần, giá từ 20 - 30 ngàn đồng/giờ.

“Chạy show” theo giờ

Không có người giúp việc, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, sinh hoạt bị đảo lộn. Vợ chồng anh Sơn - chị Ngân ở Q.Tân Bình than thở: “Gia đình có hai con nhỏ, đứa lớn mới được hai tuổi, đứa bé mới được chín tháng. Tết xong, người giúp việc về quê không quay trở lại, chúng tôi đã nhờ người thân tìm người giúp việc nhưng đến nay vẫn chưa có. Chúng tôi đang xin tạm nghỉ mấy ngày để chăm cháu, chắc tuần tới phải “kêu cứu” mẹ ở quê lên giúp thôi”.

Còn chị Thu Lan - ở đường Lê Đức Thọ, Q. Gò Vấp cho biết: Chị đã thuê người giúp việc hơn 10 năm nay. Nhưng từ trước Tết, người giúp việc xin nghỉ một thời gian. Chị chạy tới chạy lui vẫn không tìm được người thay thế.

Để đáp ứng nhu cầu, người giúp việc cũng “chạy show” với tốc độ chóng mặt. Chị Nguyễn Thị Vân (SN 1971, quê ở Quãng Ngãi) làm nghề giúp việc nhà đã hơn 5 năm. Trước đây chị buôn bán nhỏ, bán buổi sáng, buổi chiều tranh thủ giúp việc nhà để kiếm thêm thu nhập. Năm 2003, chị quyết định nghỉ buôn bán và chuyển sang chuyên giúp việc nhà.

Chị Vân kể: “Tôi không qua trung tâm môi giới nào cả mà chủ yếu làm cho người quen. Người này giới thiệu người kia nên ngày nào cũng có việc, thậm chí không đủ thời gian và sức khỏe để làm. Những năm trước tôi chỉ nhận bốn nhà một ngày. Tiền công tính theo việc. Đầu năm 2009, mỗi ngày tôi làm cho sáu nhà. Mỗi nhà khoảng hai tiếng. Mỗi tháng cũng kiếm được năm, sáu triệu đồng để nuôi con nhỏ, mẹ già và người chồng ở quê thường xuyên đau ốm”.

Theo Phununet