Công nhân bức xúc, lãnh đạo thành phố tiếp tục hứa
Các Website khác - 03/04/2006

Đại diện của khoảng 200.000 công nhân TP HCM hôm 1/4 đã có một buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố và đại diện các ban, ngành. Hơn 20 ý kiến liên quan tới nhà ở, đời sống văn hoá công nhân, sự chênh lệch giữa mức lương của khu vực doanh nghiệp trong nước với nước ngoài..., đã được thẳng thắn nêu ra.

Đây được coi là cơ hội vàng cho giới công nhân thành phố. Vì theo ông Đặng Đình Cảnh, đại diện công nhân Công ty Cổ phần sữa Vinamilk, người lao động trực tiếp rất khó có cơ hội để mạnh dạn nói thẳng suy nghĩ, mong muốn của mình với lãnh đạo doanh nghiệp.

Một công nhân đang bày tỏ những suy nghĩ của mình với lãnh đạo TP HCM. Ảnh: Thanh Lương.

Tại buổi đối thoại ông Cảnh đã thẳng thắn đặt vấn đề, tại sao người lao động không được thụ hưởng quyền lợi chính đáng, thậm chí tư cách không được tôn trọng. Phải chăng có nguyên nhân tế nhị là do chính sách thu hút đầu tư? Theo ông Cảnh, việc xử lý vi phạm luật lao động của các chủ doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp còn yếu, chậm và nương nhẹ mà các đợt đình công liên tiếp xảy ra thời gian qua là một ví dụ.

Đánh giá về vấn đề này, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Minh Triết, nhìn nhận, đợt đình công vừa qua xảy ra đột ngột nên thành phố bị động và giải quyết hơi chậm. Ông Triết khẳng định, thành phố không có động cơ nào đặc biệt trong quá trình xử lý những vấn đề liên quan tới các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp. "Tuy nhiên mọi việc phải được hành xử đúng pháp luật, theo trình tự quy định, để đảm bảo được lợi ích của cả doanh nghiệp và người công nhân", ông khẳng định.

Liên quan việc giải quyết nhà ở cho công nhân, các ý kiến đều bức xúc vì chương trình này đưa ra khá lâu nhưng thực tế triển khai quá chậm. Các vướng mắc về đất, vốn vẫn chưa được giải quyết hiệu quả.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Phương Thảo cho rằng, thành phố nên xem xét thu hồi đất công sử dụng sai mục đích, đất dự án lãng phí... để hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, người công nhân nên thích nghi với điều kiện sinh hoạt hiện đại. Vì thực tế, có doanh nghiệp đã xây dựng nhà đầy đủ tiện nghi cho thuê với giá rất thấp nhưng nhiều công nhân không ở, vì không muốn tuân thủ nội quy, kỷ luật của khu lưu trú này.

Những vấn đề liên quan tới mức lương tối trong doanh nghiệp nhà nước được đề cập tới nhiều lần trong quá trình đối thoại. Chị Nguyễn Thị Hạnh, Công ty Huê Phong, cho rằng, mức lương này còn quá chênh lệch so với doanh nghiệp nước ngoài. "Lương chênh lệch nhưng chi phí thuê nhà và các sinh hoạt khác hằng tháng lại không phân biệt công nhân vốn trong nước hay nước ngoài. Thành phố có giải pháp nào để điều chỉnh lương cho hợp lý?", chị Hạnh đặt vấn đề.

Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài giải thích, quy định về lương do Chính phủ ban hành, đã áp dụng khá lâu và khi thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài mới bộc lộ những bất hợp lý. "Thành phố đang suy nghĩ để trong 3 năm có thể xoá được sự chênh lệch này" ông cho hay

Tuy nhiên câu hứa hẹn này đã không làm thoả mãn đại diện người lao động. Ngay sau câu trả lời của ông Tài, công nhân đã viết thư, kiến nghị thành phố đề xuất rút ngắn thời gian xem xét điều chỉnh lương. Các ý kiến đều bày tỏ mong muốn được nâng lương tối thiểu trong doanh nghiệp nhà nước lên trên 700.000 đồng một tháng.

Thanh Lương