Tuy nhiên, các xét nghiệm đang được tiếp tục, nhưng dịch bùng phát tại Hy Lạp được cho là có liên quan đến chủng H5, một trong những chủng virus có thể gây chết người.
Trong khi đó, 12 con thiên nga trong đàn thứ hai ở Romania đã được khẳng định mắc cúm gia cầm. Ủy ban châu Âu cũng ra lệnh xét nghiệm khẩn cấp những con gia cầm chết ở Croatia. Ở châu Á, chủng virus H5N1 cũng vừa được tìm thấy ở chim sẻ tại Thái-lan.
Virus H5N1 đã làm 60 người chết ở châu Á.
Tuần trước, virus gia cầm chủng H5N1 đã được xác nhận tại Romania.
Một phòng thí nghiệm ở Anh đã xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của những con thiên nga chết trong ngôi làng Maliuc của Romania thuộc lưu vực sông Danube. Chính quyền địa phương đang tiêu hủy hàng nghìn con gia cầm và cách ly khu vực bị ảnh hưởng. Làng Maliuc chỉ cách Ceamurlia de Jos 30 km, nơi virus gia cầm được tìm thấy lần đầu tiên ở nước này.
Romania đã hoàn thành việc tiêu hủy gia cầm nuôi ở Ceamurlia de Jos và Maliuc, nơi sẽ áp dụng các biện pháp cách ly và tẩy trùng thêm 21 ngày nữa. Ở hai ngôi làng, các nhân viên đang phun thuốc tẩy uế các ngôi nhà, khu chăn nuôi gia cầm. Bất kỳ người nào ra vào vùng châu thổ sông Danube gồm ô tô, người đi bộ và cả tàu hỏa đều phải qua bể tẩy uế.
Bộ trưởng Nông nghiệp Romania Gheorghe Flutur khẳng định, virus này đã bị cô lập kịp thời ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Bộ trưởng Y tế Eugen Nicolaescu cho biết, các đội y tế đã đến các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng để xác minh liệu có bao nhiêu người có khả năng bị nhiễm bệnh.
Lưu vực sông Danube là nơi chú chân của nhiều chim hoang dã di cư từ Nga đến Bắc Phi. Các nhà khoa học lo ngại virus H5N1 có thể gây ra dịch cúm ở người nếu nó biến thể để có thể truyền từ người sang người.
Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Romania và Thổ Nhĩ Kỳ, và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho biết, sẽ áp dụng các biện pháp mạnh nếu thấy cần thiết.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, dịch cúm gia cầm đã được kiểm soát. Một hãng tin quốc gia cho biết, chín người đã được xét nghiệm máu vì lo sợ nhiễm cúm gia cầm, mặc dù không ai có triệu chứng của căn bệnh này.
Các xét nghiệm ban đầu đã được tiến hành sau khi 1000 con gia cầm đã chết ở thị trấn Patnos, gần biên giới với Iran, nhưng không tìm thấy dấu hiệu virus cúm gia cầm, mặc dù các kết quả xét nghiệm chính thức phải chờ năm hoặc sáu ngày.
Tuần trước, xét nghiệm các con gia cầm chết ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định virus gây bệnh là H5N1, khiến người ta lo sợ virus này có thể bùng phát khắp châu Âu.
|