Nhân dịp Ngày quốc tế xoá đói giảm nghèo và Ngày Vì người nghèo của Việt Nam 17-10, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam đã ra thông điệp, toàn văn như sau:
Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới diễn ra vào tháng 9 vừa qua tại New York đã nhiệt liệt tán thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG), khẳng định lại cam kết chung của các quốc gia trên thế giới đối với việc xoá đói giảm nghèo trên phạm vi toàn cầu. Hàng năm, có hơn 10 triệu trẻ em - tức là hơn 30.000 em mỗi ngày - bị chết vì đói và các căn bệnh lẽ ra có thể ngăn ngừa được. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã nói: “Chúng ta thực sự là thế hệ đầu tiên có các công cụ, tri thức và nguồn lực cần thiết để thực hiện cam kết mà tất cả các quốc gia đưa ra trong Tuyên bố Thiên niên kỷ, đó là làm cho quyền phát triển trở thành hiện thực đối với mọi con người và giúp cho toàn thể loài người thoát khỏi cảnh nghèo đói”.
Việc xoá đói giảm nghèo nằm trong tầm tay của chúng ta, và đã bắt đầu xuất hiện sự hậu thuẫn toàn cầu cho những hành động cương quyết để đạt được mục tiêu đó. Thành công của Việt Nam trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo thường được coi như một ví dụ điển hình cho thấy những gì chúng ta có thể đạt được tuy chỉ trong một thời gian ngắn. Tỷ lệ người nghèo của Việt Nam với con số ước tính là 58% năm 1993 đã giảm xuống còn 24% năm 2004. Như vậy, nếu xét về trung bình quốc gia thì Việt Nam đã đạt được chỉ tiêu MDG là giảm một nửa tỷ lệ người dân sống trong cảnh nghèo cùng cực. Đây là một thành tựu to lớn và là niềm tự hào đối với toàn thể nhân dân Việt Nam.
Song việc đạt được một chỉ tiêu không có nghĩa là Việt Nam đã hoàn thành công việc của mình. Hiện còn gần 33 triệu người dân Việt Nam vẫn sống với mức thu nhập chỉ trên chuẩn nghèo một chút. Như vậy, cứ 10 người dân Việt Nam thì bốn người có nguy cơ bị tái nghèo sau một cú sốc về kinh tế hay một trận thiên tai. Cơn bão số 7 (với tên gọi Damrey) vừa qua nhắc nhở chúng ta rằng những biến cố bất ngờ có thể nhanh chóng đảo ngược những kết quả mà chúng ta thu được sau bao nhiêu năm lao động vất vả hay những người nghèo và cận nghèo cần được giúp đỡ để vượt qua những khó khăn do các biến cố về kinh tế và thiên tai gây ra cho họ.
Chính phủ có thể thực hiện vai trò chủ chốt trong việc giảm thiểu rủi ro về kinh tế cho các hộ gia đình cận nghèo và dưới chuẩn nghèo. Các chương trình bảo hiểm xã hội rộng rãi, như trợ cấp hưu trí và bảo hiểm y tế, có thể góp phần duy trì những thành tựu to lớn về xoá đói giảm nghèo mà Việt Nam đã đạt được. Hiện nay, tuổi cao và tình trạng ốm đau bệnh tật là hai trong số các nguyên nhân phổ biến nhất làm cho các hộ gia đình bị tái nghèo.
Trong số những người dân Việt Nam có mức thu nhập quá thấp không thể mua đủ lương thực và thực phẩm để đáp ứng yêu cầu tối thiểu về dinh dưỡng, thì hầu hết sống ở các vùng sâu vùng xa và miền núi. Nhiều người trong số họ là đồng bào các dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số, mặc dù chỉ bằng 14% dân số, song chiếm tới gần một phần ba số dân sống dưới chuẩn nghèo. Tăng trưởng kinh tế không phải mặc nhiên dẫn đến kết quả giảm tỷ lệ nghèo ở những vùng này. Để đối phó với tình hình đó, Chính phủ đã xúc tiến một loạt sáng kiến nhằm cung cấp các công trình hạ tầng cơ bản cho các cộng đồng dân cư ở những vùng sâu vùng xa cũng như tạo điều kiện để họ được tiếp cận với giáo dục và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
Liên hợp quốc tại Việt Nam đã xây dựng một báo cáo gắn các chỉ tiêu và chỉ số của các MDG với Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010). Mục tiêu của Báo cáo là đề xuất các chỉ số xã hội nhằm gắn kết Kế hoạch 5 năm với các MDG. Báo cáo cũng lưu ý rằng mặc dù Việt Nam đã đạt được tiến bộ nhanh chóng, song vẫn còn nhiều việc phải làm. Hơn 30% trẻ em dưới 5 tuổi vẫn chưa đủ ăn. Nhiều người nghèo vẫn chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ xã hội cơ bản khác. Tình trạng lan truyền HIV/AIDS là mối đe doạ thực sự đối với sự nghiệp phát triển và cuộc sống của người dân Việt Nam.
Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ, kêu gọi xây dựng một xã hội hoà đồng và thịnh vượng dựa trên các giá trị: tự do, bình đẳng, đoàn kết, khoan dung và tôn trọng thiên nhiên. Quan niệm tự do ở đây không chỉ bó hẹp trong phạm vi thoát khỏi tình trạng nghèo đói - trên cơ sở ghi nhận rằng con người một khi còn phải đấu tranh cho sự sinh tồn thì không bao giờ có tự do - mà còn bao hàm các quyền tự do mang tính tích cực về các mặt xã hội, chính trị, tri thức và văn hoá, vốn là những yếu tố căn bản để con người có thể thoả mãn các nhu cầu của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời đã từng mơ ước về một nước Việt Nam không còn bị nghèo đói. Thế hệ của chúng ta có thể thực hiện ước mơ đó của Người, đồng thời đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về bình đẳng giới, đảm bảo bền vững về môi trường, tăng cường sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, khả năng tiếp cận rộng rãi với nước sạch và các phương tiện vệ sinh môi trường, và chặn đứng sự lan truyền của HIV/AIDS. Chúng ta đã có công nghệ, tri thức và nguồn lực để đạt được các mục tiêu to lớn đó. Tất cả những gì chúng ta cần lúc này là ý chí và lòng quyết tâm. Đừng để con cháu chúng ta mai sau, khi nhìn lại những thập kỷ đầu tiên của Thiên niên kỷ mới, nói rằng chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội mang tính lịch sử này.
|