Khảo sát do TS Nguyễn Huy Nga và hai thạc sĩ Trần Thị Bích Ngà, Nguyễn Hùng Long thực hiện trên hơn 10.000 học sinh cấp 2 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ học sinh bị cận thị trung bình là 48,1%, chưa tính các bệnh về mắt khác như viễn thị, loạn thị...
Trường chuyên đứng đầu về tỷ lệ học sinh bị cận thị
Theo kết quả khảo sát ở hai thành phố thì tỷ lệ học sinh bị các tật về mắt của TP Hồ Chí Minh cao hơn hẳn Hà Nội. Chỉ tính riêng cận thị, TP Hồ Chí Minh có 52% số HS được khám mắc phải trong khi Hà Nội ở mức 44,3%. Đáng lưu ý là những trường có điểm chuẩn đầu vào cao thì tỷ lệ học sinh bị cận thị cao. Trong số các trường được khảo sát thì Trường THCS Ngô Gia Tự (Hà Nội) dẫn đầu với 60,4% học sinh bị cận thị, nhưng chưa thấm vào đâu nếu so với tỷ lệ của đơn vị dẫn đầu cùng nội dung khảo sát tại TP Hồ Chí Minh là Trường THCS Nguyễn Du (Q.1): 76,6%, đó là chưa kể số học sinh bị loạn thị. Những trường ở vùng ven, ngoại thành thì tỷ lệ cận thị giảm thấy rõ như THCS Tân Kiên: 21,6%, THCS Tân Lập: 6,6%. Điều này khiến nhiều người không khỏi đặt ra câu hỏi: ánh sáng học đường là tác nhân chính hay vì cường độ, áp lực học tập nặng hơn và các phương tiện giải trí điện tử quá nhiều ảnh hưởng đến thị lực của các em?
Những người làm thống kê cho thấy tỷ lệ cận thị nặng (từ 6 đi-ốp trở lên) ở các khối lớp 8, 9 thường cao hơn so với khối 6, 7 và nữ thì cận nhiều hơn nam. Dù chưa có một kết luận chính thức nào về nguyên nhân nhưng hầu hết các bác sĩ tham gia chương trình đều có chung nhận xét: đó là do cả nhà trường và gia đình đều không ý thức phòng chống cận thị học đường. Thủ phạm của vấn đề gần như đã lộ diện đằng sau những con số thống kê: học thêm, trò chơi điện tử, ti vi, trạng thái mệt mỏi trong việc học dẫn đến ngồi sai hay sử dụng máy tính quá nhiều.
Cần một giải pháp tức thời
Có thể nói tình hình gia tăng các bệnh lý về mắt trong học đường đã được xã hội và các nhà khoa học cảnh báo từ lâu, song cứ mỗi lần khảo sát lại thêm một lần báo động vì tỷ lệ trẻ có vấn đề về mắt đang gia tăng. Nên chăng phải có nhiều biện pháp phối hợp quyết liệt để "phanh" lại tình trạng đáng báo động này.
Theo các bác sĩ thực hiện khảo sát thì cần phải sớm tổ chức tập huấn trang bị kiến thức cho giáo viên, phụ huynh và học sinh về cận thị học đường. Trong các kỳ họp phụ huynh phải dành thời gian để nhắc nhở lưu ý về sức khỏe học sinh, trong đó có vấn đề các biện pháp phòng chống cận thị. Việc khám sức khỏe để phát hiện tật về mắt cần được thực hiện định kỳ, thậm chí có ý kiến đề xuất đưa chỉ tiêu giảm cận thị thành chỉ tiêu thi đua trong học đường.
Tuy nhiên, những biện pháp đó cần phải đi kèm với công tác giám sát vệ sinh học đường quyết liệt hơn. Thanh tra giáo dục cũng như thanh tra y tế cần có những khảo sát và chứng nhận phòng học đạt chuẩn về ánh sáng, bàn ghế, nếu không đạt mức quy định thì kiên quyết đề nghị nhà trường phải khắc phục. Chưa kể mối nguy hại tiềm ẩn khác chính là việc tăng tiết ngoài giờ ở nhiều trường: học liên tục trong giờ chính khóa, lại tiếp tục tăng tiết vào buổi tối trong khi điều kiện ánh sáng phòng học từ ánh sáng đèn được tính toán cho thời điểm ban ngày.
|