Có chuyện gì thế, con yêu? Bạn đã thử đủ mọi cách nhưng bé vẫn không ngừng nhè mà thậm chí lại còn khóc lớn hơn như thể có điều gì bức xúc lắm. Bạn hãy thử lắng nghe xem tiếng khóc của bé có gì khác thường không. Có thể bé bị bệnh chăng? Bạn hãy gọi điện ngay cho bác sĩ nhi khoa nếu em bé có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào để có thể xử trí kịp thời. Đặc biệt là khi em bé khóc ngằn ngặt đến nỗi không thành tiếng, có biểu hiện khó thở và da bị tím tái. Đôi khi bé cỏ thể chỉ bị cảm thôi nhưng chứng bệnh này có thể làm bé nghẹt mũi, khó chịu và không chịu bú. Nhưng thông thường thì mọi toa thuốc dùng cho trẻ em đều nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Hay là bé bị hăm tã? Tã giấy là một sản phẩm cực kỳ tiện ích cho bạn nhưng chưa chắc em bé của bạn đã "chịu” chúng. Tã giấy là thủ phạm số 1 dẫn đến chứng hăm khiến cho bé bị nóng rát và khóc quấy. Vì thế, nếu dùng tã giấy thì bạn cũng không nên để bé "ủ” quá lâu. Bạn nên thay thường xuyên, nhất là sau khi bé làm bẩn tã. Sau mỗi khi bé ị, bạn hãy lau rửa cho bé thật sạch và cứ để bé "ở truồng" nằm chơi một lúc rồi hãy quấn tã lại. Trong lúc đó bạn có thể chơi với bé. Rồi bạn sẽ lại thấy bé cười thôi. Nếu bé thường khóc thét lên vào một giờ nào đó nhất định trong ngày, thường là vào buổi chiều và buổi tối, thì rất có thể bé bị chứng đau bụng. Những cơn sau này thường xuất hiện trong vòng 3 tháng đầu và đôi khi bé khóc đến 3 tiếng đồng hồ mà bạn không làm sao dỗ nổi. Chứng đau bụng chiều này thường không rõ nguyên nhân nhưng bạn cũng hãy tìm hiểu xem có phải bé bị chướng hơi hay không. Thường thì chứng bệnh này sẽ tự khỏi, không cần phải chạy chữa gì nhưng bạn cũng nên theo dõi bé thường xuyên để tránh bỏ qua những triệu chứng bệnh khác nguy hiểm hơn. Hay chỉ đơn giản là bé không thích bị quấy rầy: một số đứa trẻ khó tính thường không thích bị... làm phiền. Bé có thể phản ứng rất mạnh bởi một số việc mà bé không thích và khóc thét lên rất "thảm thiết". Quấn tã hay thay tã, tắm rửa, nhỏ thuốc... là những việc mà thông thường các em bé sơ sinh không ưa. Nhưng đây lại là những việc "chẳng đừng" được. Thế nên bạn hãy nhanh tay làm càng mau càng tốt và ngay khi bé ré lên là phải ôm ngay vào lòng để dỗ cho bé nín khóc. Nếu không, bé sẽ giận bạn đấy, và lần sau sẽ còn khó khăn hơn. Mẹ ơi, bé lạnh! Môi trường xung quanh cũng có thể làm cho bé khóc. Có thể bé bị lạnh. Bạn nên chú ý để nhiệt độ căn phòng của bé không được dưới 20oC. còn nếu nóng quá thì sao? Bé cũng chẳng ngại ngần gì mà không nhèo nhẹo ỉ ôi. Nếu sau gáy của bé nóng và ướt tức là bé đang sắp phát ngốt lên rồi đấy bạn hãy bỏ bớt chăn và cởi bớt quần áo để giúp bé mát mẻ hơn. Hãy trông chừng đừng để bé bị ủ quá nóng. Đổ quá nhiều mồ hôi có thế làm bé bị nhiễm lạnh, ho và viêm phổi. Ngoài ra, ánh sáng quá chói cũng khiến bé khó chịu. Phần lớn các em bé đều thích một không gian mờ ảo mơ màng hơn là một căn phòng đầy ánh nắng chói chang. "Tại mẹ cứ làm những chuyện không đâu”. Nhiều bà mẹ cứ nghe tiếng em bé khóc là cho ti ngay. Con khóc thì mẹ cho bú mà. Nhưng không phải lúc nào bé khóc cũng là vì đói đâu. Chiêu "cả vú lấp miệng em" này đôi khi còn khiến bé khóc ré lên thất thanh hơn. Hoặc khi không bạn lại đi thay một cái tã không cần thay; hay là cứ chuyền bé từ người này qua người khác, rồi có khi bé lại khóc vật vã hơn chỉ vì nghe được những giọng lo lắng bàn về tiếng khóc của bé; cũng có thể bé khóc vì cảm nhận được ràng mẹ đang cáu gắt mà xử sự không tốt. Cần phải kiên nhẫn. Nếu bạn không phát hiện được một lý do chính đáng nào để bé khóc thì đơn giản chỉ là bé muốn làm nũng đấy thôi. Hãy cứ ôm ấp bé trong giây lát rồi thì bé sẽ lăn ra ngủ khì hoặc biết đâu lại chẳng "thưởng" cho mẹ một nụ cười thật đáng yêu.
|