'Đệ tử lưu linh' đùa với 'tử thần'
Các Website khác - 12/11/2008

Bất chấp hàng loạt vụ ngộ độc rượu trong thời gian gần đây, các “đệ tử lưu linh” vẫn thản nhiên uống mà không hề biết mình đang mạo hiểm tính mạng.

Dạo một vòng trên đường Ngô Văn Sở, Diên Hồng, Bạch Đằng… (TP. Quy Nhơn, Bình Định), mới khoảng 5 giờ chiều nhưng các quán nhậu ở đây đã đông kín khách. Người vào nhậu có đủ các thành phần nhưng đông nhất vẫn là lực lượng lao động phổ thông và sinh viên. Với các “đệ tử lưu linh” thuộc 2 thành phần trên, do túi tiền có hạn nên đồ uống mà họ chọn chính là rượu. Họ cũng không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của các loại rượu mà chỉ cần biết có rượu là uống. Hầu như các con “ma men” này vẫn không sợ tính mạng mình đang bị đe doạ.

Dân nhậu cứ vô tư uống rượu không nhãn mác mà không biết rằng có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu ngộ độc (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Tại một quán nhậu vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo, cạnh Nhà Thờ Nhọn (TP.Quy Nhơn, Bình Định) nhiều người đang “chén chú chén anh” trông rất vui vẻ. Anh T. người có thâm niên hơn 10 năm làm bạn với rượu dõng dạc cho biết : “Từ trước đến giờ tui chưa thấy ai uống rượu mà chết cả, quá lắm thì chỉ có đau đầu, chóng mặt mấy ngày là khỏi”. Khi được biết thông tin chỉ tính riêng ở TP. Hồ Chí Minh trong vòng 3 tuần đã có gần 30 ca ngộ độc rượu phải nhập viện và có hơn 10 trường hợp đã tử vong thì anh T. hơi giật mình nhưng vẫn cố trấn an: “Uống ít thì đâu có sao!”.

Còn anh Đ, đang nhâm nhi với mấy ông bạn nữa tại quán nhậu trên đường Diên Hồng cũng tỏ ra bất cẩn không kém: “Tôi vẫn uống hoài mà thấy chết chóc gì đâu, toàn là chuyện ở đâu đâu chứ ở mình có mắc mớ gì, sống chết có số cả nên uống được lúc nào thì uống”. Nhiều dân nhậu khác cũng có thái độ như anh Đ. dường như họ không hề biết cái chết đang rình rập bên mình mà chỉ biết uống cho sướng, cho đã và cho người ta biết mình uống giỏi cỡ nào.

Điều đáng nói là sự có mặt của rất đông các bạn sinh viên tại các quán nhậu. Các bạn biết rất rõ tác hại của rượu nhưng vẫn uống vì theo H. thì “Sinh viên mà làm gì có tiền để uống bia, uống để giải sầu một tí thì thấm tháp gì mà ngộ với độc”. Uống để giải sầu, uống để giao lưu, uống để mừng phòng trọ mới… Có 1.001 lý do để các “đệ tử lưu linh” tìm đến với rượu. Nhưng họ đâu biết rằng, họ đang “nhập” vào cơ thể một thứ độc tố rất nguy hiểm.

Theo các chuyên gia y tế, tuy không ảnh hưởng đến nhiều đối tượng như Melamine trong sữa nhưng rượu lại gây tử vong nhanh hơn gấp nhiều lần. Cũng theo các chuyên gia, nếu thấy không cần thiết thì người dân nên hạn chế việc uống rượu, thậm chí không nên uống, đặc biệt là các loại rượu không nhãn mác, xuất xứ.

Ở nông thôn, các “đệ tử lưu linh” còn khủng hơn trong khoản nhậu nhẹt, mà họ đã nhậu thì chỉ có uống rượu vì uống bia không đủ… đô. Anh Đ.V.B, người đã nhậu thì phải uống tới bến, uống một nơi không đã, anh lại tìm đến bạn nhậu khác để lai rai. Anh B, khoe thành tích: “Tui có thể uống từ sáng đến tối mà không say”.

Cũng theo anh, có ngày do trời mưa không tìm được bạn nhậu, mình anh thấy buồn nên lấy rượu ra uống một mình, uống từ sáng đến trưa hết gần… 3 lít. Khi được hỏi, anh có biết thông tin gì về ngộ độc rượu trong thời gian gần đây không, anh B, cho biết: “Cũng thấy trên ti vi nhưng đó là ở Sài Gòn còn ở mình đâu có chuyện gì, chắc uống rượu ở đó mới bị còn rượu ở quê mình thì sẽ không sao?!”

Nhìn các “đệ tử lưu linh” ở nông thôn “so tài” uống rượu mỗi khi có đám tiệc không ít người phải lạnh sống lưng. Mỗi khi nhà nào có đám tiệc thì chuyện phải chuẩn bị 15-20 lít rượu trong nhà là chuyện thường ngày ở xã. Khách được mời tới dự không quan tâm nhiều đến việc ăn mà chủ yếu là để uống. Ông M cho biết: Uống rượu ở thôn quê mỗi khi có đám tiệc đã thành thói quen rồi, có nhà tổ chức uống 2-3 ngày liên tục. Cũng có người chết sau khi uống rượu nhưng không biết là bị ngộ độc hay bị sao, ở quê người ta đâu quan tâm nhiều. Chết do ngộ độc rượu thì tôi chưa thấy nhưng chết do tai nạn, đánh nhau sau khi uống rượu là chuyện thường xuyên xảy ra.

Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc rượu rất dễ nhầm với tình trạng say nên khó phát hiện, đến khi phát hiện được thì các “ma men” đã ở vào tình trạng hôn mê và rất dễ đến tử vong. Khi người uống rượu có chứa methanol sau 12-24 giờ sẽ có biểu hiện ban đầu như lú lẫn, rối loạn trí nhớ, hôn mê, co giật, rối loạn phản ứng cơ thể, rối loạn tim mạch… và tử vong.

Tiếng chuông cảnh báo về tình trạng ngộ độc rượu đã và đang gióng lên. Nhiều cái chết thương tâm liên quan tới ngộ độc rượu cũng đã xảy ra nhưng các “đệ tử lưu linh” vẫn vô tư chén tạc chén thù với tử thần bên ly rượu.

Theo Đời Sống Pháp Luật