"Em muốn sống mãi để được đi học"
Các Website khác - 12/11/2008

"Em muốn sống mãi để được đi học"

Tuần chăm chỉ học bài ngay cả những lúc em lên cơn đau.

Tuấn đang là học sinh lớp 74 Trường THCS Đại Trạch - huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thầy cô giáo và học sinh cả trường luôn nhắc đến Tuấn như là tấm gương về tinh thần vượt khó vươn lên học tập tốt.

 

Gia cảnh khốn khó

 

Ba của Tuấn là ông Nguyễn Văn Xoan 53 tuổi. Mới 17 tuổi, ông Xoan đã xung phong vào bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường lửa Khe Sanh, Quảng Trị. Chưa đầy ba năm quân ngũ, ông Xoan đã phải xin nghỉ để về quê vì bệnh tật. Chính trong thời gian ở Quảng Trị, ông đã nhiễm phải chất độc da cam mà giặc Mỹ rải xuống chiến trường mà không hay biết. Ông lập gia đình với bà Phan Thị Do và yên phận với mấy sào ruộng như bao người nông dân khác. Thế nhưng, số phận đã không để ông Xoan được yên. Ba đứa con vợ ông sinh ra đều bị di chứng chất độc da cam từ cha truyền lại.

 

Tuấn bị liệt cả hai chân từ nhỏ, là con út trong gia đình. Trước Tuấn còn có anh trai và chị gái cũng bị tàn tật. Anh trai đầu của Tuấn là Nguyễn Văn Trung đã 30 tuổi nhưng chỉ quanh quẩn phụ giúp gia đình công việc đồng áng. Chỉ học đến lớp 10, nhà nghèo, chân lại bị tật nên anh phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp ba mẹ nuôi hai em. Càng lớn, đôi chân của anh Trung càng teo lại, chân trái gần như bị liệt. Nhìn anh bước đi khập khiễng mà Tuấn thấy thương anh vô cùng. “Mai mốt anh cũng bị liệt cả hai chân như mình thì biết sống sao đây? Ai sẽ giúp ba mẹ làm ruộng, cày bừa?”, Tuấn nghĩ.

 

Chị gái Tuấn, Nguyễn Thị Luyên năm nay đã 17 tuổi nhưng chỉ nằm một chỗ từ lúc sinh ra đến giờ. Căn bệnh bại não, liệt thần kinh bẩm sinh đã không cho Luyên một cuộc sống làm người đúng nghĩa. Mở mắt chào đời, Luyên đã tự nhận lấy cuộc sống thực vật của riêng mình mà không hề ý thức được. Luyên chỉ có ăn, ngủ, khóc, cười sinh hoạt theo bản năng. Những khi Luyên lên cơn đau nằm co giật, la hét là lòng dạ vợ chồng ôngXoan, bà Do như co thắt lại.

 

Cả ba anh em đều tàn tật nên gia đình của Tuấn gặp bao phen lận đận. Hết anh trai rồi chị gái và đến Tuấn thay nhau vào bệnh viện. Chẳng có ai được chữa lành bệnh bởi tất cả đều mắc bệnh nan y đặc biệt khó chữa. Riêng Tuấn, mỗi năm phải vào bệnh viện truyền máu ít nhất ba lần bởi căn bệnh máu không đông. Ba mẹ Tuấn nhiều lần đã phải bán hết cả vật dụng trong nhà như bàn ghế, tủ thờ để có tiền đưa con đi viện. Thậm chí bán cả lúa non vừa mới trổ đòng ngoài ruộng để đưa Tuấn đi truyền máu.

 

Ông Xoan, ba Tuấn kể: “Nhà tôi khó khăn không biết bao nhiêu mà kể xiết. Cũng chẳng biết kêu ai, trách ai bây giờ. Con cái đau ốm nên vợ tôi suốt ngày cũng chỉ biết quanh quẩn trong nhà chăm lo cho chúng. Cả ba đứa, đứa nào cũng lên cơn đau bất cứ lúc nào. Khổ nhất là con Luyên không biết gì. Còn hai thằng con trai thì tỉnh táo nhưng đứa nào cũng tội cả, nhất là thằng Tuấn nó ham học lắm”.

 

Nhà Tuấn là thế, nói làm sao hết những vất vả mà ba mẹ Tuấn đã gánh lên vai suốt bao nhiêu năm nay. Vừa làm ruộng, vừa phải chăm lo cho ba anh em, ba mẹ Tuấn đã nếm đủ những gian khổ của cuộc đời này.

 

Mong được đi học

 

Bệnh tật là vậy mà Tuấn luôn cố gắng để đến trường. Nhà ở xa trường, Tuấn không thể tự chống nạng đi một mình được nên ba và anh trai thay nhau chở Tuấn đến lớp. Những hôm ba và anh bận việc thì đành phải nhờ bạn bè chở Tuấn đi học. Đôi nạng gỗ chính là đồ vật song hành cùng Tuấn khi đi lại, di chuyển quanh quẩn trong nhà.

 

Khi nào chân đau quá không đi được thì Tuấn ngồi trên chiếc xe lăn của chị gái. Dù mang trong mình nỗi đau bệnh tật nhưng Tuấn vẫn nỗ lực duy trì việc học để không bị tụt lại so với bạn bè. Cô Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm của Tuấn cho biết: “Mấy năm trước Tuấn là học sinh giỏi. Gần đây, bệnh cháu ngày càng nặng thêm nên chỉ đạt loại khá. Đi dạy nhiều nhưng tôi không thấy em nào mà ham học như Tuấn”.

 

Bị bệnh máu khó đông nên Tuấn phải thường xuyên đi tiếp máu. Mỗi lần vào viện tiếp máu, Tuấn thường mang theo sách vở để học bài. “Không có sách vở thì không đi viện”, Tuấn đặt điều kiện như vậy với ba mẹ.

 

Có lần, đang nằm ở bệnh viện Cu Ba, Đồng Hới đúng lúc thi học kỳ, Tuấn nằng nặc đòi ba chở về để làm bài kiểm tra. Ba Tuấn đành chiều con thuê xe đưa cậu bé về làm bài xong, lại thuê xe ôm để hai cha con đến bệnh viện. Ông bác sỹ chưa biết chuyện đã quở trách vì việc bỏ giường bệnh về mà không báo, sau mới hết lời khen ngợi cậu bé ham học.

 

Điều trị ở bệnh viện TƯ Huế, nằm trên giường bệnh đau đớn là vậy nhưng Tuấn luôn cầm theo quyển sách, quyển vở trên tay để học bài. “Bác sỹ, y tá ở bệnh viện thương Tuấn lắm. Ai có quà bánh, trái cây hay hộp sữa đều để dành cho cậu bé ham học”, mẹ Tuấn kể.

 

 Mẹ Tuấn rất vất vả khi chăm sóc cho Luyên.

 

Mùa mưa và mùa đông là khoảng thời gian Tuấn phải chịu đau đớn nhiều nhất. Tuấn thường hay lên cơn đau nằm co quắp rất tội nghiệp. Những khi lên cơn, đầu óc Tuấn choáng váng, ngồi dậy là mắt mũi tối sầm lại không đi đâu được. Hai chân cậu bé sưng to lên, đau đớn khôn cùng làm ba mẹ tím bầm ruột gan. Ăn được thứ gì vào bụng là Tuấn nôn ra hết. Vậy là Tuấn phải nghỉ học. Nhiều lúc, cả tuần Tuấn chỉ đi học được một hai buổi. Đau nặng quá thì ba mẹ lại đưa Tuấn vào viện. Đỡ bệnh được chút, Tuấn lại đòi về để đi học. Về nhà, Tuấn học đêm, học ngày để bù lại bài vở đã trống trong thời gian nằm viện.

 

Những đêm đông giá rét, ngồi học bài bên chiếc bàn nhỏ, Tuấn bị lên cơn đau bất thình lình ngã gục xuống bàn ba mẹ không hay. Tỉnh dậy, Tuấn lại ngồi học. Bốn giờ sáng, mẹ dậy sớm nấu cơm là Tuấn dậy theo để học bài trước khi đến lớp.

 

Thương con thường xuyên đau ốm, ba mẹ đã bàn nhau cho Tuấn nghỉ học ở nhà vì sợ con học nhiều quá bệnh lại ngày một nặng thêm. Biết chuyện, Tuấn bỏ ăn mất mấy ngày. Ba mẹ đành phải chiều con cho Tuấn đi học tiếp. Ba Tuấn khoe: “Nó ham học vô cùng. Nhiều lúc thấy nó học mà thương lắm. Đau ốm, bệnh tật vậy mà nó rất chịu khó học bài. Trái gió trở trời lên cơn nó cũng học. Cầu cho nó đừng có bệnh nặng thêm. Vợ chồng tôi dù có khó khăn đến bao nhiêu đi nữa cũng cho nó học hết lớp 12, rồi có thể là vào đại học”.

 

Còn Tuấn, em chỉ mong sao mình không bị đau nặng hơn để được đi học mãi. Tuấn sẽ học hết phổ thông rồi thi vào Đại học. Em mơ ước một ngày nào đó sẽ thi đậu vào trường Đại học Kinh tế, học xong em sẽ làm một kế toán hoặc nhân viên văn phòng ngồi làm việc một chỗ trên máy tính. Lâu nay, Tuấn vẫn thèm có được một bộ máy vi tính để học nhưng nhà nghèo quá, mấy anh em Tuấn đau ốm triền miên nên lấy đâu ra tiền mà mua. Chia tay, giọng Tuấn buồn buồn: “Em sợ mình sẽ không sống được bao lâu nữa. Em muốn sống mãi để được đi học!”.