Ba tuần lễ đầu tháng 9, một số ổ dịch nhỏ đã xuất hiện ở quận 9, huyện Hóc Môn và mới đây là xã Tân Phú Trung, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi; phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Số trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện gia tăng
Ngày 22-9, bác sĩ Trần Thị Việt, trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh, cho biết số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhập viện tại khoa nhiễm gia tăng từ đầu tháng 9 đến nay. Những tháng trước, mỗi ngày chỉ có khoảng 15 trẻ, cao nhất là 20 trẻ SXH nằm điều trị tại khoa thì ngày 22-9 đã có 25 trẻ. Đặc biệt, có ngày lên tới 50 trẻ SXH nằm điều trị tại khoa. Cũng trong ngày 22-9, tại BV Nhi Đồng 1 có 59 trẻ SXH đang nằm điều trị, trong đó có 24 cháu độ 3.
Các bác sĩ điều trị nhận xét, từ đầu tháng 9 đến nay, số trẻ SXH nhập viện cũng tăng so với những tháng trước. Và ngày 21-9, một cháu bé mắc bệnh SXH nặng ở quận 6 - TP Hồ Chí Minh đã tử vong tại BV Nhi Đồng 1. Đây là ca thứ 2 mắc bệnh SXH tại TP Hồ Chí Minh bị tử vong tính từ đầu năm đến nay.
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Củ Chi, cho biết so với cùng kỳ các năm trước đó thì năm nay số người mắc bệnh SXH ở Củ Chi đã tăng lên. Cụ thể năm 2004, từ đầu năm đến cuối tháng 9 chỉ có hơn 20 người mắc bệnh SXH thì năm nay tại thời điểm này đã có hơn 30 người mắc bệnh SXH. Điều đáng lo ngại là số người mắc SXH tập trung nhiều ở 2 xã Tân Phú Trung và Tân An Hội.
Ý thức phòng bệnh còn hạn chế
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, khó khăn trong việc phòng chống SXH hiện nay là người dân chưa thực hiện triệt để diệt muỗi, lăng quăng thường xuyên, hằng tuần. Trong một lần xuống cơ sở có xảy ra ổ dịch nhỏ để cùng đội y tế dự phòng tuyên truyền cách diệt lăng quăng phòng tránh bệnh SXH, một người dân đã thờ ơ trả lời: “Tôi bị muỗi đốt hoài có sao đâu”. Do đó, hiệu quả trong công tác phòng chống SXH còn hạn chế, một số ổ dịch nhỏ ở các quận, huyện vẫn dây dưa, kéo dài.
Bác sĩ Thọ phân tích, TP Hồ Chí Minh có nguy cơ lây truyền bệnh SXH nhanh vì tại đây có mật độ dân số cao, đồng thời là nơi tập trung giao lưu, đi lại. Loại muỗi truyền bệnh SXH lại sống gần gũi với người vì vậy rất dễ mắc bệnh. Hơn nữa, hiện nay bệnh SXH chưa có thuốc đặc trị nên không khống chế được mầm bệnh. Chính trong thời gian mắc bệnh (2 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài từ 5-7 ngày) người bệnh sẽ là nguồn lây bệnh cho những người chung quanh.
Diệt muỗi để chống dịch
Bác sĩ Thọ nhấn mạnh, cách phòng chống SXH hiệu quả nhất là từng hộ gia đình đều phải thường xuyên tham gia diệt muỗi, lăng quăng bất kể mùa mưa hay mùa nắng.
Loại muỗi vằn Aedes aejypti- lây truyền bệnh SXH sinh sản trong nước sạch, cụ thể là những vật chứa nước trong nhà như lu, hũ, bình bông... và những vật phế thải đọng nước ở chung quanh nhà như gáo dừa, hộp nhựa, ly, chén bể... Hằng tuần, mỗi hộ gia đình nên diệt lăng quăng có trong các vật chứa nước bằng cách súc rửa lu, hũ để vất bỏ lăng quăng, thay nước bình bông mỗi tuần, dọn dẹp hoặc hủy bỏ các vật phế thải quanh nhà để không đọng nước mưa. Hiện nay, các công trường xây dựng là những nơi có nguy cơ cao lan truyền bệnh SXH vì tại đây thường trữ nước để thi công nên rất dễ sinh sản muỗi.
Thành lập mạng lưới phòng chống dịch bệnh
Ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã thành lập một mạng lưới cơ sở phòng chống SXH. Khi phát hiện ở các phường, xã có ổ dịch nhỏ, các trạm y tế phường, xã sẽ hướng dẫn cho người dân thực hiện diệt lăng quăng. Trong trường hợp xuất hiện những ổ dịch có phạm vi nhỏ, đội y tế dự phòng các quận, huyện sẽ xử lý phun thuốc xịt côn trùng. Nhưng nếu dịch có nguy cơ lan rộng, Trung tâm Y tế dự phòng sẽ trực tiếp xuống các quận, huyện để phun thuốc, phát hiện thêm ca bệnh, tập trung xử lý. Sau đó, Trung tâm Y tế Dự phòng sẽ lấy mẫu của những người bệnh để phân lập virus và chẩn đoán xét nghiệm huyết thanh. Qua đó, phân tích mức độ nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng để có thể đánh giá, dự báo tình hình, phục vụ lâu dài cho công tác phòng chống SXH.
|