Chiếc tắc ráng đưa chúng tôi xuôi theo dòng rạch Suối Nhum đến ấp Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP Hồ Chí Minh - nơi các cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Đội khảo sát, dò tìm, xử lý bom mìn vật nổ thuộc Công ty xây dựng miền Đông, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đang làm việc. Giữa bạt ngàn lau lách, chúng tôi phải dò theo tiếng máy cắt cỏ để tìm đến nơi.
Được giới thiệu, chúng tôi mới biết, người đàn ông quần xắn quá gối, mặt dính đầy bùn đất chính là trung tá đội trưởng Nguyễn Tấn Phước, một sĩ quan công binh dạn dày kinh nghiệm trận mạc ở chiến trường K. Trên khu đất rộng đã được cắt sạch cỏ, nước ngập đến đầu gối, anh đang cùng các phân đội trưởng Võ Hoàng Lập và Lâm Văn Lợi chăm chú sử dụng máy để phát hiện những tín hiệu lạ phát ra từ lòng đất. Tuy trời đang se lạnh nhưng gương mặt ai cũng đầm đìa mồ hôi...
Những “sản phẩm” bom mìn chuẩn bị được xử lý
Những “sản phẩm” bom mìn chuẩn bị được xử lý. | Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, trung tá Nguyễn Tấn Phước cho chúng tôi biết, khi gặp những vật có nhiễm từ, máy dò sẽ phát ra tín hiệu, có thể hiển thị trên đồng hồ hoặc những âm thanh "réo rắt" khác. Ngay lập tức, các anh sẽ đánh dấu bằng những cây cờ đỏ, bước kế tiếp là xử lý tín hiệu, tức là đào sâu xuống lòng đất. Đây thực sự là thời điểm đối mặt với tử thần. Nói là đào, nhưng thực tế chỉ là móc từng chút đất một vì nếu gặp chấn động mạnh, bom, mìn rất dễ phát nổ.
Đại tá Nguyễn Văn Thọ, nguyên Lữ phó, Tham mưu trưởng đoàn công binh H5, hiện là cố vấn chuyên môn cho Đội khảo sát, dò tìm, xử lý bom mìn vật nổ nói thêm về sự nguy hiểm của công việc. Phần lớn bom đạn mà các anh phát hiện đã bị rỉ sét do bị vùi lâu ngày trong đất, phần nhiều không còn hình hài nguyên vẹn như lúc còn mới nên rất khó phân biệt chủng loại và nguyên lý vận hành của nó. Thí dụ như một trái lựu đạn còn mới, có thể rút hoặc gài lại chốt an toàn, nhưng nếu nó bị gỉ sét thì vô cùng nguy hiểm vì chốt an toàn có thể bung ra bất cứ lúc nào. Ngoài ra, còn nhiều loại đạn rất nguy hiểm như M79, cối 60, cối 80 của Mỹ, sơ suất là nó sẽ phát nổ tức khắc.
Để làm được công việc khó khăn này, phần lớn những cán bộ, sĩ quan, công nhân viên của đơn vị ngoài việc nắm vững chuyên môn còn phải có thần kinh thép. Và chỉ lúc nào họ thật sự thoải mái, thật sự tự tin mới bắt tay vào công việc. Trung tá Nguyễn Tấn Phước nói với chúng tôi rằng đã nhiều lần anh và đồng đội phải bỏ hiện trường về doanh trại để nằm ngủ vì không thể tiếp tục công việc khi trong đầu có nhiều chuyện gia đình lấn cấn, đầu óc không tập trung.
Dò tìm bom mìn trên cạn đã khó, dò tìm dưới nước còn khó khăn hơn trăm lần. Các chiến sĩ phải chờ lúc nước ròng, phải chuẩn bị thuyền, xuồng bằng nhựa và các chất dẻo khác rồi tìm và lặn xuống dù nước ở đó sạch hay dơ, trong hay đục...
Lặn sâu trong bùn để tìm bom đạn
Lặn sâu trong bùn để tìm bom đạn. | Đã bốn năm trôi qua kể từ ngày thành lập, Đội khảo sát, dò tìm, xử lý bom mìn vật nổ đã đảm nhận nhiều công trình lớn như dự án dò tìm ở khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh gần 1.000 ha, các công trình kinh tế, quốc phòng ở khắp các tỉnh, thành phía Nam... Đội đã phát hiện, xử lý gần 30 tấn đạn pháo, chất nổ các loại và chưa bao giờ để xảy ra những trường hợp đáng tiếc nào. Đó là sự khích lệ, là phần thưởng lớn đối với các chiến sĩ.
Nói như vậy không có nghĩa là công việc lúc nào cũng suôn sẻ. Một lần, vào cuối năm 2004, khi sắp xếp đạn xuống hố để hủy thì sự cố xảy ra. Do đã quá hoen gỉ, các anh đã không thể phân biệt được đâu là đạn cối nổ bình thường đâu là đạn cối phốt pho nên đã xếp lẫn vào nhau. Đạn phốt pho gặp không khí bốc cháy, làm các chiến sĩ bị một phen lên ruột...
Không chỉ làm tốt công việc của mình, các cán bộ, chiến sĩ còn sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị và cá nhân trên địa bàn những việc liên quan đến bom đạn. Gần đây nhất, các anh đã giúp phát hiện và mang đi tiêu hủy một quả bom Mỹ đã rỉ sét, có trọng lượng 250 cân Anh nằm lẫn trong đống sắt thép phế liệu của Nhà máy thép Thủ Đức...
Với những thành tích xuất sắc đó, nhiều năm qua Đội khảo sát, dò tìm, xử lý bom mìn vật nổ đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tặng nhiều bằng khen cho tập thể và nhiều cá nhân trong đơn vị.
|