Quyết làm vì bị thách thức
Khoảng 20 giờ tối 29-7-2005, máy di động của tôi hiển thị lên một cuộc gọi có số lạ. Người phía bên kia xưng danh là Nguyễn Kim Hợp - cựu chiến binh quê xã Phú Phong huyện Hương Khê. Anh Hợp nói: “Ngày mai anh ở nhà cho chúng tôi gặp một chút và đưa toàn bộ tài liệu về vụ tham nhũng đất mang tính tập thể của cán bộ xã Phú Phong...”.
Sáng hôm sau, tôi vừa mở cửa ra đã thấy bốn vị khách ngồi ở thềm. Người có mái đầu bạc tự giới thiệu: “Tôi là Nguyễn Kim Trúc, sinh ngày 16-6-1949, nhập ngũ tháng 2-1968, xuất ngũ tháng 5-1989. Để làm tin anh xem giấy CMND của tôi mang theo đây...”, anh Trúc vừa giới thiệu mình vừa đưa CMND cho tôi để chứng tỏ anh là “người thật việc thật”. Ba người còn lại là Nguyễn Kim Hợp, Nguyễn Tiến Sỹ, Lê Đình Tuyến.
Anh Trúc nói: “Việc chống tiêu cực bây giờ cực lắm... không dễ dàng chi mô. Đã mấy tháng ni bốn anh em tui bị chúng nó ức hiếp đủ điều. Cả bốn nhà đều bị ném đá và dán truyền đơn hăm dọa. Khi đêm điện cho anh xong, sợ có người tay trong báo cho chúng nó biết, có thể bị gây cản trở trên đường, ba giờ sáng, bốn anh em mang tài liệu lên hai xe máy ra đi”.
Lướt qua lá đơn bốn trang, số cán bộ trong chính quyền bị tố cáo có chín người, số lô đất có giá trị bị chiếm dụng là trên 60 suất. Phần đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích đem bán là 80 ha. Khu vực rừng tràm của dự án 327 gồm 20 ha cũng bị tự ý phá bỏ để chuẩn bị bán. Người đứng mũi chịu sào chống tham nhũng với quyết tâm theo đuổi đến cùng là Nguyễn Kim Hợp.
Anh Hợp kể: Khởi đầu từ một đêm cuối tháng 3-2005, lãnh đạo xã Phú Phong về họp dân xóm 2 để triển khai kế hoạch chăn nuôi trâu bò đàn. Cuộc họp hôm ấy anh Hợp phát biểu: “Đất của xã ta các ông chiếm dụng bán hết rồi còn đâu cho cỏ mọc mà nuôi bò với nuôi trâu...”. Cuộc họp nóng lên, hai phía cãi nhau quyết liệt đến tận khuya, phải giải tán chờ tối hôm sau họp tiếp. Về dọc đường một cán bộ xã thách đố anh Hợp: “Ông có đủ can đảm thì cứ làm đi... đừng có mơ về việc đấu tranh chống tiêu cực”. Lời qua tiếng lại khá căng. Anh Hợp khẳng định sẽ làm tận cùng cho sáng rõ sự thật.
Kết quả bước đầu: Huyện thu hồi gần 8.000m2 đất vi phạm
Nhóm cựu chiến binh xã Phú Phong (người đứng ngoài cùng, bên trái là anh Nguyễn Kim Hợp). | Đêm hôm sau, anh Hợp đi họp vắng thế là ở nhà có một trận ném đá lên mái ngói. Sáng dậy thấy một lời cảnh cáo viết trên tờ giấy khổ rộng: “Hãy coi chừng”, treo lên hàng rào trước cửa.
Nghe tin nhà em trai mình bị ném đá, ông Nguyễn Kim Trúc gọi ông Nguyễn Văn Sỹ đến xem rồi cùng anh Hợp viết đơn tố cáo lên huyện. Đêm tiếp theo nhà ông Trúc và ông Sỹ cũng bị ném đá. Cuộc chiến thầm lặng ở xã Phú Phong bắt đầu từ đây.
Nguyễn Kim Hợp xác định muốn chống tham nhũng thắng lợi ngoài lòng dũng cảm, chí quyết tâm và trí tuệ sáng suốt cần phải có các phương tiện. Anh đã bán một con bò gộp cùng với khoản tiền mà các con lao động ở TP Hồ Chí Minh gửi về tổng cộng được khoảng 8 triệu đồng. Anh mua một máy ảnh, một máy ghi âm, và một điện thoại di động. Số còn lại mua các bộ luật có liên quan đến chống tham nhũng và đất đai.
Đầu tiên anh Hợp chụp hình những lô đất mà các “quan” bao chiếm. Sau đó anh mang máy ghi âm ý kiến của những người ủng hộ mình, nhất là các lão thành cách mạng.
Ngày 29-3-2005, anh Hợp cùng với các anh Trúc và Sỹ viết đơn gửi lên huyện. Đợi hai tháng sau không thấy huyện giải quyết, ngày 29-5, nhóm này lại gửi đơn lên UBND tỉnh. Tỉnh có công văn gửi về yêu cầu huyện giải quyết nhưng sự việc vẫn chẳng đâu vào đâu. Đợi thêm hai tháng nữa mọi việc vẫn nằm yên tại chỗ.
Ngày 29-7-2005, nhóm Nguyễn Kim Hợp tìm đến Văn phòng thường trú báo Tiền Phong tại Hà Tĩnh. Qua đơn thư, kết hợp với điều tra thực địa một phần nội dung vụ khiếu kiện này được đăng tải trên Tiền Phong số 159 ngày 11-8-2005.
Ngày 19-8, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4706 VPCP-V1 yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh làm rõ vấn đề mà báo Tiền Phong đã nêu.
Gần năm tháng sau, ngày 18-12, Nguyễn Kim Hợp cùng Lê Đình Tâm đến gặp chúng tôi. Anh trưng ra 13 quyết định của UBND huyện Hương Khê do ông Đinh Hữu Tân - Phó Chủ tịch ký đồng loạt trong ngày 26-8-2005 về việc thu hồi 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 13 lô đất kèm theo của những người vi phạm mà không có bồi thường bất cứ khoản gì.
Số lô đất bị thu chủ yếu nhằm vào hai nhân vật. Đầu tiên là Nguyễn Kim Chung từng giữ các chức vụ Phó bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã. Ông Chung đã có đất vườn nhà đàng hoàng ổn định. Nhưng năm 2001 vẫn đứng tên một lô đất mặt tiền đường Hồ Chí Minh rộng đến 1.400m2. Vợ ông Chung là Trương Thị Hiên cũng đứng tên trong sổ đỏ một suất gần 500m2. Con trai cả Nguyễn Thành Trung năm 2001 chưa lấy vợ vẫn đứng tên hai bìa đỏ với hai lô đất gần 900m2. Con trai thứ Nguyễn Kim Phương lúc còn tuổi thiếu niên cũng đã được giao đất có sổ đỏ mặt tiền Đường Hồ Chí Minh đến 600m2...
Người thứ hai là Lê Hữu Cơ - Trưởng ban Địa chính xã. Ông Cơ có vườn nhà đã ổn định vẫn còn nhiều sổ đỏ mang tên vợ chồng, con cái trong gia đình. Có đứa con ông khi đang ở tuổi thiếu niên cũng đã có quyết định cấp đất. Trong lúc đó, nhiều gia đình có đóng góp cho hai cuộc kháng chiến, viết hàng chục lá đơn vẫn không được xã chấp nhận. Cuộc đấu tranh của nhóm cựu chiến binh này bước đầu đã lấy lại được 7.899m2 đất (theo bìa đỏ).
Nguyễn Kim Hợp đưa ra phép tính: Lấy lô giá cao bù lô giá thấp, hiện nay tại Phú Phong nơi giáp thị trấn có mặt tiền đường Hồ Chí Minh ít nhất bình quân cũng 500.000 đồng/m2 nhân với 7.899m2 thì số tiền lên đến khoảng 4 tỷ đồng. Nay huyện lấy lại số đất đai trên là một thành công lớn.
|