Dự án hệ thống xe buýt nhanh (BRT) tại Hà Nội liệu có khả thi?
Các Website khác - 05/10/2005
Đường phố chật hẹp của Hà Nội
liệu có chỗ cho xe buýt kích thước
lớn và tốc độ cao?
Trong khi Hà Nội đang loay hoay tìm lời giải cho tình trạng ùn tắc giao thông trầm trọng thì ý tưởng đưa những chiếc xe buýt kích thước lớn và tốc độ cao vào hoạt động trên các tuyến phố chật chội của Thủ đô khiến người ta không khỏi nghi ngờ tính khả thi của dự án này.
Nằm trong dự án “Phát triển giao thông đô thị thành phố Hà Nội”, dự án xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với khối lượng lớn và tốc độ cao (gọi tắt là BRT) đến nay đã hoàn thành phần nghiên cứu khả thi và thiết kế sơ bộ.

Theo đó, dự án sẽ được xây dựng trong hai năm và chính thức đưa vào hoạt động đầu năm 2008, bằng tiền vay 200 triệu USD (khoảng hơn 3.000 tỷ đồng Việt Nam) từ Ngân hàng Thế giới.

Đây là loại xe buýt gầm cao có khớp nối như các toa tàu, chiều dài tối đa là 40m (xe buýt hiện nay dài nhất chỉ 12m). Hệ thống này được thiết kế chạy trên làn dành riêng với bề rộng 7m (3,5m chiều đi, 3,5m chiều về), có khả năng tiếp nhận được 180 hành khách lên xe trong vòng 15-20 giây.

Tuyến đường dành riêng này được làm sát mép vỉa hè hoặc giữa đường và tách biệt luồng giao thông chung bằng dải phân cách bêtông cao từ 10 - 20cm. Dọc tuyến BRT, cứ 500m sẽ bố trí một bến đỗ và thềm bến đỗ cao bằng sàn xe BRT.

Theo tính toán, hành khách chủ yếu sẽ đi bộ đến các bến BRT và có thể tiếp cận các bến đỗ BRT bằng xe buýt thông thường khác. Có nghĩa là hệ thống xe buýt của Transerco đang hoạt động hiện nay, lúc đó sẽ trở thành các tuyến trung chuyển và gom khách cho hệ thống BRT.

Theo giới thiệu của nhà tư vấn, hệ thống BRT đang được vận hành thành công tại nhiều nước trên thế giới. Có lẽ vì thế mà cuối năm 2004, sau gần 20 ngày đi khảo sát và nghiên cứu tại ba nước châu Mỹ la-tinh là (Colombia, Brazil và Ecuado), đoàn công tác của thành phố Hà Nội đã có một báo cáo về hệ thống BRT và đề nghị: Cần sớm bổ sung hệ thống BRT vào quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng của thành phố.

Theo đó, trước mắt đến năm 2006 trong khuôn khổ dự án “Phát triển giao thông đô thị”, đề nghị cho phép nghiên cứu, xây dựng ba tuyến trục BRT là Lê Duẩn - Giải Phóng; Giảng Võ-Thanh Xuân và Trần Quang Khải.

Tuy nhiên, sau một thời gian xem xét thấy việc triển khai hệ thống BRT qua cầu Chương Dương là điều khó thực hiện nên rút lại một tuyến và tiến hành nghiên cứu trên hai trục tuyến của Hà Nội là: Hà Đông- Hồ Hoàn Kiếm và Giải Phóng- Hồ Hoàn Kiếm.

Trong đó tuyến xe buýt nhanh Giải Phóng- Hồ Hoàn Kiếm có chiều dài 14 km (điểm đầu cuối là khu vực đầm Quang Lai, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì). Tại tuyến buýt nhanh Hà Đông- Hồ Hoàn Kiếm dài 15 km (điểm đầu cuối là khu vực cầu Hà Đông).

Mục đích của việc thực hiện dự án BRT là giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời giảm tải cho hệ thống xe buýt hiện có. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra ở đây, liệu việc triển khai hệ thống BRT, loại xe “siêu nhanh, siêu khối lượng” này có phù hợp với hạ tầng đô thị của Hà Nội còn nhiều hạn chế, bất cập như hiện nay không?

Việc xây dựng các làn đường dành riêng cho hệ thống BRT khó thực hiện khi mà diện tích đất dành cho giao thông của thành phố quá chật hẹp. Ngay cả những chiếc xe buýt của Transerco đang hoạt động đã là quá khổ so với đường phố của Thủ đô.

Mặt khác, việc đưa hệ thống BRT vào hoạt động chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống giao thông của thành phố vì phải điều chỉnh lại. Chưa kể có sự chồng chéo và lãng phí khi thực hiện dự án này và các dự án khác.

Hệ thống BRT vận hành dọc theo hành lang Giải Phóng thì liệu khi tuyến đường sắt trên cao Yên Viên-Ngọc Hồi hoàn thành, tiếp đó là dự án tàu điện ngầm thì hệ thống BRT sẽ đi về đâu?

Điều quan trọng hơn, về mặt pháp luật, hệ thống BRT sử dụng loại xe có cửa bên trái, việc dừng đỗ cho khách lên xuống rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Mặt khác, việc cho xe chạy giữa đường, bên trái đường nếu đường hai chiều là vi phạm Luật Giao thông?

Ngay trong buổi làm việc mới đây, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội- Đỗ Hoàng Ân đã trực tiếp đưa ra một số câu hỏi để các nhà tư vấn nghiên cứu. Ông Ân cho rằng, giao thông của Hà Nội có những điểm hết sức khác biệt so với nhiều thành phố khác, về tập quán đi lại, đường phố nhỏ, giao cắt nhiều.

Hơn nữa việc phát triển xe buýt hiện nay cũng chưa hẳn đã làm cho người dân từ bỏ thói quen dùng phương tiện cá nhân.

Đó là chưa kể năng lực vận tải hành khách của BRT thấp xa so với hệ thống tàu điện ngầm và mức độ an toàn cũng kém hơn.

Chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn là hết sức đúng đắn, tuy nhiên sẽ rất cần thiết nếu có được những cuộc nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi để dự án có tính khả thi và được đồng thuận của nhiều người.

Cảnh sát giao thông Hà Nội: BRT không phù hợp với hệ thống giao thông Thủ đô
Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Ban quản lý dự án GTĐT Hà Nội cần nghiên cứu sử dụng loại xe buýt hạng trung bình cho phù hợp với đường và chạy đúng yêu cầu.

Lý do là vì hiện nay Hà Nội có 526km đường (trong đó có 333km đường có chiều rộng từ 6m đến 12m), mật độ phương tiện là hơn 4.000 xe môtô/ km và 400 ôtô/ km đường nội thành; có 1.130 ngã ba và ngã tư với khoảng cách trung bình giữa các nút này là 550m.

Như vậy, nếu đưa loại xe buýt khớp nối dài 40m sẽ không phù hợp với hệ thống giao thông của Thủ đô.

Phòng CSGT Hà Nội đề nghị thử nghiệm trên một tuyến từ bến xe phía Nam - đường Giải Phóng - Đại Cồ Việt - phố Huế - Hàng Bài - xung quanh hồ Hoàn Kiếm - Bà Triệu - Đại Cồ Việt - bến xe phía Nam. Sau đó sẽ rút kinh nghiệm về tuyến thử nghiệm này.

Theo Tiền phong