Gia cầm không bệnh tự chết giữa mùa cúm
Các Website khác - 25/11/2005

(VietNamNet) - Nhiều hộ nuôi gia cầm ở thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội) cử người cầm đơn lên TW kêu cứu về đàn gia cầm sạch. Không dám cho gia cầm ăn, không được bán ra ngoài, bán cũng không ai mua. Có một bộ phận nhỏ nông dân đang đắng lòng nhìn gia cầm sạch chết đói giữa mùa cúm...

Gia cầm sạch đang chết đói- Ảnh: Thế Vinh

Đành lòng duy trì...

Tháng 6/2003, anh Trần Văn Hiệu (thôn Cổ Dương) vay vốn xây dựng trang trại nuôi gia cầm rộng 1,7ha tại khu vực ''chó ăn đá, gà ăn sỏi'' của xã. Tháng 11/2003, anh và gia đình bắt đầu sản xuất gia cầm với hy vọng làm giàu ngay trên quê hương mình.

Giữa mùa cúm, mặc dù Đông Anh không phải ổ dịch và Hà Nội đã khống chế được dịch nhưng vẫn chưa được phép bán gia cầm, đã gần một tháng nay, trang trại gà buồn hiu hắt. Khuôn mặt chủ trại Trần Văn Hiệu dài ra trước những dãy chuồng hun hút. Hiện nay trại có 3.000 con vịt đẻ, 2.000 con gà đẻ và 1.000 con gà thịt.

Người nông dân ngậm ngùi nhìn gia cầm sạch..

... đòi ăn

Mùa cúm, gia cầm không được bán và không bán được vì bán cũng không ai mua. Cách đây nửa tháng, anh đã phải đành lòng cho gia cầm ăn hạn chế. Khi chưa có dịch cúm, một ngày trang trại chi tới 3,2 triệu tiền thức ăn cho gia cầm, mỗi con gia cầm ngày ăn 1,5 lạng cám. Bây giờ, giữa mùa cúm, một tháng gia đình anh hạn chế cho ăn, chỉ dám chi gần 900 ngàn tiền thức ăn, gia cầm chỉ còn chế độ ăn là 30 gam/ngày và bắt đầu phải cho ăn kèm ngô. Mùa cúm, đại lý thức ăn cũng không còn mặn mà bán chịu cám cho nông dân nuôi gà như trước nữa. 

Những đàn gà, đàn vịt đang được ăn uống thoả chí, được chăm bẵm như nguồn kiếm cơm của cả gia đình bỗng nhiên phải liên tục nhịn đói. Bắt đầu mấy ngày vừa qua đã xuất hiện gà, vịt thay nhau chết. Chết vì đói. Chết vì không có dịch. Nhưng, Trần Văn Hiệu than: ''Không thể làm gì khác được, đành lòng nhìn đàn gia cầm vậy thôi!''.

... nhưng cứ chết dần vì đói

Nhớ lại, khi chưa có dịch, một ngày trang trại của anh Trần Văn Hiệu thu tới 2,5 triệu tiền gà và 1,5 triệu tiền trứng. Bây giờ, gà vịt ''chết'', trứng bán được nhưng chỉ có giá 300 đồng/1 quả. Trong đó, tính tất cả các khoản tiền ''an toàn'' cho trứng như phun thuốc sát trùng, làm giấy tờ lưu hành hết 22 đồng/1 quả. Như vậy, thời điểm này, mỗi quả trứng bán ra chỉ có giá 278 đồng/quả. Tài sản hàng trăm triệu đồng của gia đình đổ vào bây giờ mỗi ngày chỉ thu được khoảng 360 ngàn tiền trứng.

Trước, trứng ra đến đâu hết đến đấy, ô tô, xe máy nơi khác nườm nượp đổ về bốc hàng. Bây giờ, vài ngày mới có 1 xe máy đến lấy trứng nhưng đem lên tận miền núi bán. Vào thời điểm này, các trại nuôi gia cầm thường xuyên phải tặc lưỡi... ''đành lòng''. Không bán không được. Trứng gia cầm để lâu dễ bị thối và lỏng lòng. Anh Trần Văn Hiệu cho biết, một số trang trại trong thôn cầm cự không bán chờ giá trứng lên, đã phải đổ trứng cho lợn ăn hoặc đổ... xuống ao.

 

... chỉ chăm sóc cầm chừng

 

... và ngày nào cũng có gà chết vì đói

Câu chuyện làm ăn và tồn tại trong thời điểm này của gia đình anh Trần Văn Hiệu cũng là câu chuyện cùa trang trại Trần Văn Đoàn, Trần Văn Long, Nguyễn Văn Tự... trên địa bàn xã Tiên Dương. Những người đau đáu với ước mơ làm giàu từ gia cầm đang ''sống dở chết dở'' vì gia cầm. Chúng tôi gặp tâm trạng bức xúc, xót xa của họ khi gia cầm sạch vẫn bị chết và trong tình trạng chờ đợi không biết đến bao giờ được tiêu thụ, khi mùa cúm đi qua.

Soạn: AM 629770 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Nên đành tự tay đập gà để tiêu huỷ...

Cách đây 10 ngày, đích thân Trần Văn Hiệu đã được bà con bầu làm trưởng đoàn sang UBND TP.Hà Nội ''kêu cứu''. Lắng nghe ý kiến của những chủ trang trại gia cầm, phòng tiếp dân của thành phố nhận đơn và chuyển xuống huyện Đông Anh. Khi nhận được đơn, lãnh đạo huyện đã... cử đoàn xuống thăm hỏi, động viên các chủ trang trại cố gắng duy trì đàn gia cầm để nghe ngóng tình hình mới. ''... Nhưng người nông dân chúng tôi vẫn không thể yên tâm duy trì đàn gia cầm trong khi chúng không chết vì dịch và dần dần chết vì đói thế này!''- Chủ trại Trần Văn Hiệu nói.

... xót xa nhưng không có cách nào khác
... ngậm ngùi

Phó Chủ tịch xã Tiên Dương Trần Văn Quýt cảm thông: ''Gặp tình cảnh như vậy, bà con đến xã kêu, chúng tôi cũng chỉ biết động viên cố gắng duy trì đàn gia cầm. Nếu tiếp tục nuôi, chắc chắn sẽ thua lỗ nặng nên bà con mong Nhà nước nên có chính sách giảm lãi xuất ngân hàng''. Theo ông Quýt, trong thời gian qua, nhiều chủ trang trại đã có nguyện vọng xin được tiêu huỷ gia cầm để chấp nhận lấy tiền hỗ trợ, mặc dù giá thấp.

Ngậm ngùi tiêu huỷ

Tiếng hò hét, thúc giục của đội quân đập gà. Những tiếng kêu cuối cùng của gà trước khi bị tiêu huỷ. Mùi gà cháy khét lẹt ở góc vườn. Đó là khung cảnh tiêu huỷ gà sạch ngày 23/11 tại trang trại nhà anh Lê Văn Quả, một chủ gia cầm có tiếng ở xã Liên Hà (Đông Anh, Hà Nội).

.. dù giá tiền hỗ trợ tiêu huỷ thấp

Trong một buổi sáng, 9.000 con gà của gia đình anh Quả bị tiêu huỷ. Không đành lòng nhìn đội quân đập gà phang từng nhát mạnh mẽ lên từng con, vợ chồng anh Quả mỗi người một nơi ngồi thừ dưới gốc cây. Cậu con trai đang học năm thứ 3, khoa Chăn nuôi, trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội đang phụ giúp đội đập gà đẩy xe cải tiến chứa đầy bao tải xác gà ra hố chôn.

Anh Quả nói: ''Chúng tôi không còn đủ điều kiện để cho gà ăn nữa, gà của chúng tôi chết đói. Lo không có gì cho gà ăn, trong khi dịch cúm chưa biết như thế nào nên chúng tôi phải xin tiêu huỷ...''. 

... Chỉ trong 1 buổi sáng, 9.000 con gà của anh Quả đã bị tiêu huỷ

tiếc nuối nhưng quyết liệt

Trước đây, khi chưa có lệnh tạm ngừng buôn bán gia cầm, 9.000 con gà nhà anh Quả ăn hết khoảng 1,8-2 triệu tiền thức ăn. Từ ngày 11/11 đến nay, hầu như anh chẳng cho ăn gì, cứ thả ra vườn để chúng tự mổ cỏ ăn. Ở Đông Anh, chỉ có duy nhất gia đình anh Quả nuôi gà Lương Phượng thuần giống của Trung Quốc. ''Trước đây, cứ từ 80 đến 90 ngày xuất chuồng một lần. Nếu không có dịch cúm, đợt này là đợt xuất đây. Nếu bán ra trên thị trường là 28-30 ngàn đồng/cân...''- Vợ anh Quả nói.

Trang trại này gia đình anh Quả vay quỹ khuyến nông huyện theo mô hình trang trại 100 triệu, Ngân hàng NN&PTNT huyện Đông Anh cho vay 70 triệu đồng. Tính đến thời điểm mùa cúm bùng phát, anh còn nợ 141 triệu đồng. Ngoài ra, vốn đầu tư của gia đình vào trại này là trên 1 tỷ đồng. Thế nhưng, khi gia cầm không bán được, không ai mua, đành ngậm ngùi xin tiêu huỷ anh không dấu được sự lo lắng: ''Chưa biết hướng sắp tới sẽ như thế nào đây? Tôi đang đợi cho tình hình ổn định và xem chỉ đạo của nhà nước như thế nào đã...''.

Bao giờ sẽ hết cúm đây? -Ảnh: Thế Vinh

Theo anh Quả, không chỉ nhà anh, nhiều hộ dân nuôi gà quy mô lớn và vừa tại Đông Anh mong Nhà nước có chế độ chính sách hỗ trợ khi tiêu huỷ gà sạch. Mặc dù, nếu tính theo giá cả trước dịch cúm và số lượng đàn gia cầm, nhà nước có hỗ trợ, gia đình nông dân Lê Văn Quả vẫn lỗ từ 150-170 triệu đồng. Một gia đình nuôi trung bình 8.000 con gia cầm khi xin tiêu huỷ cũng lỗ ít nhất 100 triệu đồng.

''Để đưa ra quyết định tiêu huỷ này, gia đình tôi đã trăn trở nhiều lắm. Qua trận dịch này là cực kỳ khó khăn. Chúng tôi không thể duy trì khi nguồn vốn đã cạn. Tương lai có thể gia đình tôi tập trung vào nuôi bò, rủi ro sẽ thấp hơn rất nhiều...''- Chủ trang trại gà Lê Văn Quả bộc lộ.

  • Thụy Du