“Người lớn cần tôn trọng lòng tự trọng và phẩm giá của trẻ như của chính mình”
Các Website khác - 24/11/2005
Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em phối hợp cùng UNICEF đã tổ chức lễ phát động Chiến dịch phòng chống lạm dụng trẻ em năm 2005. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Phùng Ngọc Hùng cho biết một số thông tin về chiến dịch này.
Hỏi: Những hành vi nào bị coi là lạm dụng trẻ em và trẻ phải làm gì khi gặp phải vấn đề này, thưa ông?

Trong những năm qua, cùng với những thành tựu to lớn quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chúng ta cũng đang đứng trước những nguy cơ và thách thức gay gắt, đó là tình trạng trẻ em bị lạm dụng, bị bóc lột, bị buôn bán, bị nhiễm và ảnh hưởng HIV/AIDS. Các em còn bị ngược đãi bị đánh đập, bị lạm dụng thân thể, bị xúc phạm và quắt mắng, bị lạm dụng tinh thần, tình cảm... đó là những thực tế đau lòng và nhạy cảm mà không phải ai, không phải khi nào cũng thấy hết, thấy rõ.
Ông Phùng Ngọc Hùng: Tất cả các hình thức đối xử tồi tệ về tâm lý, thể chất, xâm hại tình dục, xao nhãng, bỏ mặc, bóc lột vì mục đích thương mại hoặc các hình thức bóc lột khác dẫn đến những tổn thương hoặc nguy cơ gây tổn thương tới sức khỏe, sự sống còn, phát triển hoặc nhân cách của trẻ. Nếu các em bị người khác gây ra đau đớn, tổn thương ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể bởi các hành vi như đánh bằng roi, đấm, đá, bạt tai, xô đẩy... là các em bị lạm dụng thân thể. Nếu các em bị người khác chửi mắng, đe dọa, bỏ đói, bắt nhịn ăn, bị quỳ, đứng úp mặt vào tường, không cho tham gia vào các hoạt động xã hội, gây ra căng thẳng, tổn thương đến sức khỏe... là các em bị lạm dụng tâm lý, tình cảm.

Ngoài tổn thương về thể xác, trẻ bị lạm dụng còn gặp phải các rối loạn hành vi và tâm lý như mặc cảm, tự ti, sợ hãi, thất vọng, giận dữ, xấu hổ, lo lắng, bất mãn, trở nên hung hãn hoặc tỏ ra chán nản, sử dụng ma túy và rượu bỏ nhà ra đi, gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật, thậm chí là tự tử. Đây là những tác hại có ảnh hưởng suốt cả đời người và tất cả chúng ta phải góp phần ngăn chặn những tác hại đó. Đối với các em, nếu bị lạm dụng các em cần nói ngay với bạn bè và những người lớn trong cộng đồng về các hành vi lạm dụng trẻ em. Nói với cha mẹ, thầy cô giáo và những người mà em tin cậy khi em hoặc bạn em bị lạm dụng.

Hỏi: Có một số người cho rằng, con do họ sinh ra, muốn đối xử (chửi bới, đánh đập, bỏ mặc con cái, bắt trẻ lao động quá sức...) thế nào là do họ. Vậy phải làm sao để hạn chế điều này, thưa ông?

Trả lời: Pháp luật Việt Nam hiện chưa có các thủ tục điều tra dành riêng cho các khiếu nại, tố cáo về lạm dụng trẻ em. Các khiếu nại về hành vi lạm dụng trẻ em được điều tra theo các thủ tục hành chính hoặc hình sự chung. Các thủ tục này được xây dựng để xác định trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật và áp dụng hình phạt đối với người vi phạm. Hiện nay, các quy định tập trung nhiều hơn vào việc trừng phạt cha mẹ thay vì cung cấp sự hỗ trợ và bảo vệ cho trẻ và gia đình trẻ để hành vi lạm dụng không tái xuất hiện. Chưa có các hướng dẫn quy định các trường hợp cụ thể trong đó cha mẹ có thể bị tước quyền làm cha mẹ.

Mặc dù có thể cần phải cách ly trẻ với cha mẹ và trừng phạt kẻ phạm tội trong trường hợp có hành vi lạm dụng trẻ em nghiêm trọng nhưng trong nhiều trường hợp có thể có các biện pháp khác như tham vấn hỗ trợ và giám sát cha mẹ, cung cấp kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ. Để thực hiện cần có các hình thức can thiệp cũng như đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp làm công tác bảo vệ trẻ em - được đào tạo về công tác xã hội, tham vấn và tâm lý. Đội ngũ cán bộ này có khả năng đánh giá mức độ nghiêm trọng của các trường hợp lạm dụng trẻ em và đưa ra các kiến nghị hoặc các quyết định phù hợp nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình.

Hỏi: Thưa ông, chiến dịch phòng chống lạm dụng trẻ em này nhằm tạo một môi trường mà ở đó trẻ em không còn sợ sệt, dám nói lên suy nghĩ của mình về vấn đề lạm dụng?

Trả lời: Đúng vậy, chiến dịch này là bước khởi đầu của kế hoạch hành động 5 năm nhằm nâng cao nhận thức về các hình thức lạm dụng trẻ em. Chiến dịch được xây dựng trên cơ sở các hoạt động đã được tiến hành như dịch vụ tư vấn của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tại 64 tỉnh, thành phố hay đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em do PLAN tại Việt Nam hỗ trợ được thành lập hơn một năm nay. Các hoạt động chính của chiến dịch gồm tổ chức cuộc thi vẽ lôgô và vẽ tranh dành cho trẻ em, tổ chức triển lãm và trao giải cho các tranh vẽ đoạt giải xây dựng thông điệp chiến dịch, sản xuất các sản phẩm truyền thông mẫu như phim, phóng sự, tọa đàm và thông điệp truyền hình, áp phích, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền. Mục đích của chiến dịch này nhằm tạo nên một môi trường mà ở đó trẻ em không phải sợ hãi khi nói lên bất cứ điều gì có liên quan đến mình mà không phải sợ. Một môi trường mà ở đó tôn trọng trẻ em là điều hiển nhiên, một môi trường mà ở đó trẻ em bị lạm dụng, trẻ em gặp rủi ro cùng gia đình nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ. Một môi trường mà ở đó người lớn tôn trọng lòng tự trọng và phẩm giá của trẻ như của chính mình.

Hỏi: Thông điệp của chiến dịch này là...?

Trả lời: Roi vọt không làm trẻ nên người
Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.

Vì một cuộc sống an toàn và lành mạnh cho mọi trẻ em, cho mỗi gia đình, cho toàn xã hội, chúng ta cam kết sẽ thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ đặc biệt là quyền được bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự của trẻ em.

Xin cảm ơn ông.

Theo Theo Pháp luật Việt Nam