Cách đây tròn 60 năm, ngày 2-9-1945, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội và các tỉnh thuộc mọi tầng lớp như thác lũ đổ về Quảng trường Ba Ðình dự Ngày hội Ðộc lập của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng tuyên bố trước 25 triệu đồng bào cả nước và nhân dân thế giới Bản Tuyên ngôn Ðộc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ giờ phút lịch sử đó, Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam mới. Trải qua 60 năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Nội đã vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là thủ đô Anh hùng của nước Việt Nam Anh hùng.
Hành trang tiến tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
So với 60 năm trước và qua nhiều lần điều chỉnh, Hà Nội ngày nay là một đô thị lớn gồm chín quận và năm huyện với dân số hơn ba triệu người. Nơi đây có Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của toàn dân tộc đang yên nghỉ; tập trung các cơ quan của Ðảng, Quốc hội và Chính phủ; có nhiều tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện nước ngoài. Thủ đô Hà Nội quy tụ đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, các cán bộ có trình độ chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực với hàng trăm viện nghiên cứu và hơn 40 trường đại học. Hà Nội cũng đang trở thành động lực trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng châu thổ sông Hồng cũng như của cả nước. Ghi nhận những thành tựu của Hà Nội trong hơn nửa thế kỷ qua, Ðảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Thủ đô Anh hùng. Hà Nội cũng vinh dự được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng giải thưởng Thành phố vì hòa bình. Với sức lao động sáng tạo không mệt mỏi trong suốt 60 năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô đã đạt được những thành tựu to lớn rất đáng tự hào vào sự nghiệp chung của cả nước. Ðánh giá về những thành tựu đạt được, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: "Hà Nội tuy chỉ chiếm 3,7% dân số và 0,3% diện tích lãnh thổ quốc gia, hằng năm đã đóng góp khoảng 45% GDP của vùng đồng bằng sông Hồng, hơn 8% vào GDP của cả nước. Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, tầm vóc, diện mạo cũng như về trình độ, chất lượng; cả về kinh tế và văn hóa và cải thiện đời sống nhân dân".
Bước vào thế kỷ 21, sau hơn bốn năm thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thủ đô đến năm 2010", "Pháp lệnh thủ đô", Nghị quyết Ðại hội IX của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 13, Hà Nội đã có bước tiến rõ nét, tương đối toàn diện, kinh tế liên tục tăng trưởng cao, đều và ổn định. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2005, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2004, đạt tốc độ tăng cao nhất trong năm năm gần đây. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở tất cả các thành phần kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19,1%. Bước đầu hình thành một số ngành công nghiệp có lợi thế so sánh như: chế biến thực phẩm, cơ - kim khí, điện - điện tử và công nghệ thông tin, dệt may, da giày... chiếm tỷ trọng cao, thu hút nhiều lao động, sản xuất nhiều mặt hàng đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của thành phố và cả nước, có khả năng thay thế sản phẩm hàng nhập khẩu.
Hà Nội đang phát huy thế mạnh của trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Sáu tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 357 triệu USD, là mức tăng cao nhất trong năm năm qua. Trên địa bàn thành phố đã hình thành hơn 60 siêu thị và trung tâm thương mại, gần 600 văn phòng đại diện thương mại của nước ngoài. Các ngành dịch vụ trình độ cao như tư vấn tài chính, ngân hàng, sản xuất phần mềm máy tính, thiết kế, tạo mẫu, giáo dục và đào tạo, y tế bước đầu phát triển. Hoạt động thương mại quốc tế có bước phát triển mạnh với khoảng hai nghìn doanh nghiệp có quan hệ buôn bán với hơn 100 nước và vùng lãnh thổ. Hà Nội đã thật sự trở thành trung tâm du lịch của cả nước, là đầu mối phân phối khách du lịch đến các địa phương phía bắc. Với 104 công ty du lịch, 359 khách sạn, nhà nghỉ, sáu tháng đầu năm, Hà Nội đã đón 1,8 triệu lượt khách trong nước (tăng 20%) và 520 nghìn lượt khách quốc tế (tăng 19,5%) đưa doanh thu ngành du lịch thủ đô tăng 22%. Vận tải khách công cộng có bước phát triển nhảy vọt, nâng khối lượng vận chuyển từ 12 triệu lượt người năm 2000 lên 174 triệu lượt người năm 2003 và đạt 240 triệu lượt người năm 2004. Các dịch vụ công cộng thiết yếu như điện, nước được tăng cường và mở rộng đáng kể, cung cấp dịch vụ và chất lượng tốt hơn tới người dân. Hệ thống bưu chính - viễn thông được nâng cấp đạt tiêu chuẩn tiên tiến. Ðến nay, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ số thuê bao điện thoại với 33 máy/100 người dân.
Bạn bè lâu ngày trở lại thăm Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng trước một Hà Nội "thay da đổi thịt" từng ngày, bộ mặt thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Hà Nội hôm nay không chỉ có 36 phố phường mà còn có hàng chục các khu đô thị mới như: Linh Ðàm, Ðịnh Công, Trung Hòa - Nhân Chính, Trung Yên, Nam Thăng Long, Mỹ Ðình, Mễ Trì, Việt Hưng... được triển khai xây dựng đồng bộ và hiện đại. Trong bốn năm qua, Hà Nội đã xây dựng hơn bốn triệu m2 nhà ở, lớn hơn diện tích nhà ở được đưa vào sử dụng trong giai đoạn 40 năm (1955 - 1995). Ðến nay, trên địa bàn
Hà Nội có 78 dự án khu đô thị mới với diện tích 2.000 ha. Thành phố phấn đấu năm 2005 diện tích nhà ở bình quân là
7 m2/người và năm 2010 đạt 9 m2/người. Ðặc biệt, hiện nay có những khu đô thị mới như Nam Thăng Long đã đạt diện tích bình quân 54 m2/người. Riêng tám tháng đầu năm, Hà Nội đã xây dựng mới 800 nghìn m2 nhà ở, phấn đấu đạt chỉ tiêu 1,2 triệu m2 nhà ở trong năm 2005. Hàng loạt tuyến phố văn minh được hình thành làm cho bộ mặt đô thị ngày càng sạch đẹp. Hà Nội đã có thêm nhiều tuyến đường mới rộng rãi, to đẹp và hiện đại, đó là các đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Liễu Giai, Phạm Văn Ðồng, Trần Duy Hưng, Ðại Cồ Việt - Trần Khát Chân... Hà Nội có 660 tuyến, đoạn đường với tổng chiều dài 950 km, trong đó có hơn 200 km tuyến đường nội thành ngày đêm được giữ gìn vệ sinh, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ làm cho phố phường Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Cùng với phát triển kinh tế, Hà Nội tiếp tục đạt được những thành tựu trong sự nghiệp phát triển văn hóa, xã hội. Quy mô, chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững và mở rộng ở một số bậc học, ngành học, tỷ lệ học sinh vào lớp 6 đạt 100%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, đạt 98,4%, hơn 23.000 giáo viên (100%) phổ thông đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Thành phố đã xây dựng chính sách sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi cống hiến cho thủ đô bước đầu phát huy tác dụng.
Ðến nay, Hà Nội có 34 bệnh viện tuyến thành phố và trung ương được đầu tư gắn liền với tiến bộ khoa học - kỹ thuật đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Phòng, chống dịch bệnh được quan tâm có hiệu quả, nhất là việc khống chế một số dịch bệnh nguy hiểm như SARS, viêm não trẻ em, cúm tuýp A, dịch cúm gia cầm... Cùng cả nước, thành phố chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công SEA Games 22 và PARA Games 2 và nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn trên địa bàn. Phong trào thể dục - thể thao quần chúng được đẩy mạnh với 22,5% dân số thường xuyên tham gia tập luyện thể thao.
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", thành phố đã phát triển sâu rộng các phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt các chính sách với người có công, trợ giúp người nghèo; chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người tàn tật. Hoàn thành xóa hộ nghèo diện chính sách, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho toàn bộ người nghèo, người thuộc diện cứu trợ xã hội...
Với những thành tựu lớn nêu trên, Hà Nội được đánh giá là địa phương có điều kiện phúc lợi cho sự phát triển con người và chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất cả nước.
Ðổi mới phương thức lãnh đạo
Chỉ còn năm năm nữa là Thăng Long- Hà Nội tròn 1000 tuổi, đây là sự kiện trọng đại của dân tộc ta và của thủ đô Hà Nội. Nhìn lại hành trang tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta không khỏi tự hào về những thành tựu nổi bật, vững chắc của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô đã đạt được. Ðạt được thành công nêu trên, một trong những nguyên nhân không thể không nói đến là tư duy mới, phương thức lãnh đạo mới của Ðảng bộ, chính quyền thành phố. Năm 2005 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố lần thứ 13 (2000 - 2005), là dịp nhìn lại phương thức lãnh đạo, hiệu quả công tác của Thành ủy Hà Nội. Ngay sau khi có Nghị quyết 13 của Ðảng bộ thành phố, Thành ủy đã cụ thể hóa thành 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy và chín cụm công trình trọng điểm cần tập trung chỉ đạo. Các chương trình công tác và cụm công trình trọng điểm là những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, bức xúc để tập trung chỉ đạo và định hướng chính quyền xây dựng các kế hoạch triển khai, phân công các đồng chí cấp ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành phụ trách chỉ đạo thực hiện. Nét nổi bật trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HÐND, UBND thành phố là tập trung, dứt điểm, quyết liệt, hiệu quả, làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp và trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ chủ chốt, kiểm tra thường xuyên, giải quyết tại chỗ vướng mắc cho cơ sở. Thành ủy hằng quý duy trì giao ban định kỳ với Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, qua đó, tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc, có sự đánh giá kiểm điểm tại các kỳ giao ban tiếp sau, không buông trôi.
Sự chỉ đạo của Thành ủy, HÐND thành phố là điểm tựa vững chắc để UBND thành phố nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành. Với tinh thần "nói ít, làm nhiều, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt", UBND thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết của Thành ủy, HÐND thành phố và các chủ trương, chính sách của trung ương. Lãnh đạo UBND thành phố hoạt động theo quy chế cá nhân phụ trách có sự phối hợp công tác giữa các thành viên Ủy ban. Những vấn đề có tác động đời sống của đông đảo nhân dân, UBND thành phố đều có sự trao đổi thống nhất, báo cáo kịp thời để nhận được chỉ đạo của Thành ủy, HÐND và ủng hộ của MTTQ thành phố. Lãnh đạo UBND thành phố thường xuyên đến những điểm nóng, gây bức xúc trong dân, trực tiếp chỉ đạo, giải quyết triệt để những vấn đề nảy sinh, xử nghiêm những công chức không đủ năng lực, phẩm chất, gây phiền hà cho nhân dân. Ðây cũng là thông điệp "không được vô cảm trước những bức xúc của nhân dân" mà lãnh đạo thành phố gửi tới hệ thống chính quyền thành phố. Mỗi lần như thế, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy chính quyền ở cơ sở lại được tăng lên, được nhân dân tin yêu, ủng hộ.
Phương thức lãnh đạo nêu trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm cho sự phát triển nhanh, vững chắc trên mọi lĩnh vực của thủ đô Hà Nội. Nhìn về phía trước, khó khăn thách thức còn nhiều, song với hành trang đang có trong tay, tin rằng, với truyền thống lịch sử nghìn năm văn hiến, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô phấn đấu hơn nữa, đưa thành phố Hà Nội trở thành thành phố hiện đại, là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước, xứng đáng là thủ đô Anh hùng của nước Việt Nam Anh hùng, thiết thực hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
|